Tâm sự của người đi cách ly

Mùa dịch Covid-19, bên cạnh các con số bệnh nhân, thì chuyện đi cách ly là đề tài dễ được bàn luận với nhiều sắc thái hỉ nộ ái ố nhất trên mạng xã hội.

Thử nghe người trong cuộc kể về những bận tậm của họ, với những suy ngẫm khác nhau.

1. Phạm Hùng, đi du lịch ở Mỹ về thì được đi cách ly ở khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia, Thủ Đức. Đây là một trải nghiệm và cũng là một cuộc trắc nghiệm đối với Hùng về tư duy, lối sống và khả năng ứng xử, thích nghi với tình huống hiếm có của chính mình và của người chung quanh.

Các vật dụng cần thiết được phát cho một người khi vào khu cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Hùng Phạm.

Cùng chuyến bay và về chung khu cách ly với Hùng có khá nhiều người nổi tiếng trên cộng đồng mạng, giới nghệ sĩ… Họ nhanh trí biến chuyện đi cách ly thành chất liệu sống động, thậm chí hài hước để thu hút fans và những ai vốn hay tò mò xem nhịp sống bên trong khu cách ly. Tất cả đều được chụp hình, quay video tỉ mỉ đưa lên trang cá nhân, kênh YouTube riêng và không quên mời gọi mọi người vào xem!

Hùng nói có vào đây mới nhận ra có một thực tế không hay lắm ở một bộ phận bạn trẻ, đó là “tâm lý bài Việt”, săm soi và nghĩ xấu những gì liên quan đến trong nước, không chấp nhận mặt tốt, tích cực ở Việt Nam, nên mới có chuyện cùng khu cách ly, thậm chí cùng tầng, mà kẻ khen người chê trên mạng xã hội đến độ dư luận phải nổi đóa.

Sáng nay, Hùng nhắn là ban quản lý khu cách ly vừa thông báo tạm ngưng không nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài gửi vào nữa, trừ những trường hợp bị bệnh cần gửi thuốc. Lý do vì có một số người nhờ gửi cả bia rượu vào để nhậu nhẹt, chưa kể thuốc lá phì phèo!

2. Phan Văn Hải, người từ Úc trở về nước trong chuyến bay cuối cùng sát “giờ giới nghiêm”, đang cách ly ở Đà Nẵng và làm tình nguyện viên phiên dịch đột xuất cho bệnh nhân nước ngoài và bác sĩ trong thời gian lưu trú ở đây. Cựu cán bộ đoàn này đang rất hào hứng với công việc bất ngờ ấy, như một cách để anh thấy thời gian trong khu cách ly trôi qua ý nghĩa.

Nhịp sống trong khu cách ly ở Bệnh viện lao và bệnh phổi Đà Nẵng. Ảnh: Phan Văn Hải.

Cũng từ quan sát của người trong cuộc, Hải nhìn ra một vấn đề chung mà lâu nay không ai để ý (?): Các khu cách ly cái gì cũng đủ, chỉ thiếu… thông tin cần thiết. Bây giờ, cần thiết là có ai làm infographic tuyên truyền về quy trình cách ly, danh sách vật dụng tự chuẩn bị, các lưu ý khi cách ly và bộ quy tắc ứng xử khi cách ly để gửi link cho mọi người thì tốt biết mấy. Sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn và đội y bác sĩ tuyến đầu sẽ đỡ cực hơn rất nhiều, và cũng bớt đi những trường hợp không chịu hợp tác vì thiếu hiểu biết.

3. Chị Phạm Thị Đăng Thơ, đang cách ly ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: Các khu cách ly tập trung không phải chỗ nào tình trạng cũng giống nhau, có chỗ đã chuẩn bị từ trước khi Việt Nam có dịch, có chỗ chỉ mới được quyết định trong vài ngày gần đây khi lượng người đổ về quá đông và biện pháp cách ly thay đổi. Nếu ai có thân nhân chuẩn bị từ nước ngoài về hay chuẩn bị từ nhà đi cách ly, cần hỏi thăm thêm từ những người đang cách ly từng khu để tự có sự chuẩn bị phù hợp. 

Khuôn viên bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Internet.

Đăng Thơ cho biết chị đang kéo dài thêm thời gian cách ly vì “Tình hình virus diễn biến phức tạp, người ta đã ghi nhận những ca bệnh khởi phát sau 14 ngày, chưa rõ do cùng một nguồn lây hay bị lây từ nguồn khác nhưng để cho thận trọng thì phải cách ly 28 ngày. Trong trường hợp của tôi có lẽ do quy định chưa lường hết nên trước mắt tôi được thông báo là nếu ổn thì 30/3 ra viện, đến 13/4 mới sinh hoạt bình thường được, như vậy tổng cộng 35 ngày.

Thế nhưng, thay vì phàn nàn, chị bảo rằng: Cách ly tập trung thực sự là một nghĩa vụ công dân mà bạn phải nghiêm túc chấp hành, sẽ vất vả và có cả sự nguy hiểm trong đó, nhưng nếu bạn vượt qua được thì bạn sẽ tự thấy mình có giá trị, có nhân cách, xứng đáng làm người, thế thôi!

4. Đi cách ly, “xùy ra” tính cách! Hay hãy cho tôi biết bạn đi cách ly như thế nàotôi sẽ cho biết bạn là ai!  Đi cách ly, từ ban đầu có ý nghĩa là để tập trung những người nghi nhiễm, phòng chống dịch lây lan, đã dần trở nên là nơi trải nghiệm hiếm có cho nhiều người và sau đó, nó trở thành cái gương phản ánh trung thực nhất tính cách của mỗi cá nhân, dù chỉ 14 ngày trong một “xã hội thu nhỏ”. Và mạng xã hội đã giúp đỡ họ tuyệt đối trong việc bộc lộ những tính cách ấy.

Nam vương Cao Xuân Tài tranh thủ những ngày ở cách ly để tập luyện thể dục và thực hiện các clip đưa lên kênh YouTube của mình, góp phần truyền đi thông điệp tích cực trong việc tuân thủ chuyện đi cách ly để phòng chống lây lan dịch Covid-19. Ảnh: Duy Quách.

Từ Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Đăng Thơ tâm sự: Đây là lúc cần chia sẻ, cảm thông, cung cấp thông tin chính xác, đoàn kết và tự nguyện, lan toả năng lượng tích cực, hợp tác cùng chính quyền để dập dịch vì cuộc sống của chính chúng ta. Giờ không còn là lúc để mắng nhau nữa. Virus đang ở cửa miệng của chúng ta rồi đó.!!!

Bây giờ tôi chỉ mong với sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực hợp tác của tất cả chúng ta, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát tình hình và khôi phục phần nào sản xuất kinh doanh trước 30/4 năm nay. Bởi vì nếu khủng hoảng bệnh dịch này kéo dài hơn, phần lớn những người tôi quen sẽ có thể chết vì hệ quả của khó khăn kinh tế chứ không chỉ là Covid-19 nữa.

Tâm sự này, rõ ràng là không chỉ của một người, càng không chỉ là người trong cuộc cách ly.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tam-su-cua-nguoi-di-cach-ly/

Cùng chuyên mục