Tam khúc Lý Sơn

Trong ngày, có hai thời điểm mà tôi thích nhìn ngắm nhất: bình minh và hoàng hôn, nếu vào dịp Rằm, thì thêm đêm khuya. Trong năm, có một quãng thời gian hay gợi cho tôi nhiều cảm xúc: tháng Ba Âm lịch, nhưng phải là ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Sau này, khi tha phương, mỗi khi tháng Ba về, nỗi niềm lại duềnh lên như sóng nước quê nhà.

1. Căn nguyên là từ chuyện đi… mót tỏi. Hồi đó, dịp này là dịp thu hoạch tỏi, mà dân Lý Sơn quen gọi là nhổ tỏi. Xong, chủ rẫy để đất vậy một thời gian rồi mới làm đất để trồng hành, chứ không phải nhổ tỏi xong là trồng hành như chục năm đổ lại đây. Thời gian chủ rẫy cho đất “nghỉ ngơi”, là những nhà vì kinh tế khó khăn đi mót củ tỏi còn sót lại.

 

Tam-khuc-Ly-Son
Cảnh Lý Sơn.

Sau này lớn lên, tôi mới biết việc mót tỏi ở đảo cũng giống như trong đất liền người ta đi mót khoai, mót sắn. Và điều này có nét tương đồng, là chủ yếu do lũ trẻ làm. Người lớn, nhiều khi… nâng cao quan điểm: “Bọn bây phải biết phụ giúp ba má cho bớt khó khăn chứ!”.

Tôi không rõ mấy đứa bạn tôi ngày ấy có ghi nhớ điều đó, hay nghĩ gì sau khi được giáo huấn như vậy hay không. Bởi tôi đi mót tỏi ở tâm thế khác bọn chúng. Là vì thật ra, ba má tôi khi ấy làm ăn cũng có dư dả chút, nên tôi không cần thiết phải làm điều mà đám bạn tôi hay làm; thậm chí, nhiều lúc tôi còn bị ăn đòn nếu ba má phát hiện ra. Việc tôi đi mót tỏi khi ấy, chỉ là vì ham vui. Nên sau khi mót xong, tôi thường cho lại mấy đứa bạn.

Tam-khuc-Ly-Son
Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung

Sau này lớn lên, tôi mới biết rằng người lớn quan niệm tỏi là “của để dành”, trong khi hành là làm để ăn ngay. Tức là như thế này, sau khi thu hoạch tỏi xong, người ta sẽ phơi tỏi cho khô, rồi trữ lại, đợi khi nào có giá cao thì bán để tối đa hóa lợi nhuận.

Vào chiều của những ngày phơi tỏi, bọn nhóc chúng tôi leo lên mái nhà, hay chỗ nào cao cao để nhìn người ta sàng tỏi. Vì thích ngắm vỏ tỏi bay bay trong gió, rồi ngồi tưởng tượng là tuyết như trong mấy bộ phim coi trên truyền hình. Bọn trẻ bây giờ, hình như rất ít đứa đi mót tỏi, chúng cũng có nhiều thú vui khác thay vì ngồi ngắm vỏ tỏi bay vào mỗi chiều như ấu thơ của tôi.

Tam-khuc-Ly-Son
Phơi tỏi để dành khi nào được giá thì bán.

2. Đi mót tỏi, điều ám ảnh nhất là tiếng ốc u của những người đi tuần tra, mà chúng tôi quen gọi là “trùng sương”. Hồi ấy, những người đi trùng sương dùng tiếng ốc u để “trao đổi” với nhau và gửi lời cảnh báo đến những kẻ xấu đang có ý định xâm hại tài sản của người khác. Chúng tôi sợ tiếng ốc u vì hai lẽ: thứ nhất, thỉnh thoảng chúng tôi… nhổ trộm vài cây tỏi ở những rẫy chưa thu hoạch; thứ hai, là những người đi tuần dọa đánh chúng tôi vì cái tội dang nắng sẽ đổ bệnh!

Thật ra, tiếng ốc u vang sớm nhất trên biển, như cách ngư dân “nói chuyện” với nhau trong cảnh sóng gió ầm ầm. Đó cũng là “phương tiện” liên lạc của đội Hùng binh Hoàng Sa. Có một quy ước hẳn hoi: 9 tiếng, là gặp địch; 6 tiếng, là họp thuyền. Và đôi khi, tiếng ốc u như khúc ca bi tráng của người lính Hoàng Sa trên biển Mẹ. Còn trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đó là âm thanh mà lớp hậu bối thông báo cho tiền nhân, tất nhiên là trong cõi tâm linh, về trùng phùng trong tiết trời tháng Ba. Cái âm thanh này, là thanh âm mà người Lý Sơn ngóng đợi nhiều nhất trong buổi lễ, để rồi vỡ òa trong cảm xúc, sau “lệnh” của pháp sư.

Tam-khuc-Ly-Son
Lễ cúng và thả thuyền nan trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Có mấy bận, trong cái âm hưởng tháng Ba tri ân, tháng Ba chộn rộn như thế, tôi tìm đến nhà ông Võ Chú, cốt để nghe ông kể về “còi lệnh”. Ông dáng người nhỏ thó, đượm vẻ trầm mặc của biển, kiểu của buổi chiều mùa con nước rút để lộ từng mảng san hô. Còi lệnh mà tôi vừa nói, là theo lối văn vẻ, bởi người Lý Sơn thì tượng thanh hơn: ốc u. Chợt nhớ bà Đỗ Thị Hảo, người đàn bà hát ru Hoàng Sa: “Con ơi con ngủ cho ngay/ Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng/ Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta…”.

Ông Chú say mê kể tôi nghe chuyện ốc u, một loài ốc mà bao đời nay, người Lý Sơn dùng thanh âm của nó để truyền tải nội dung thông tin. “Nhưng sao lại là ốc u?”. “À, vì ốc này âm thanh to hơn, vang xa hơn. Mà thật ra, nó là một loại ốc gai, to hơn cả lòng bàn tay người lớn, ruột rỗng và xoắn. Lấy thịt ăn, chọt đít vỏ ốc, là thổi được…”. Nhưng không nhiều người thổi được, hoặc không thổi tốt. “Tốt là tốt như thế nào?” – tôi hỏi. Tóm lời ông giải thích, thổi tốt nghĩa là âm đủ mạnh và chắc. Nhưng trên hết, là nghe được tiếng thổi thì biết ai là chủ nhân.

Tam-khuc-Ly-Son
Ông Chú thổi ốc u tại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

3. Khi đôi chân vặm cùng tháng năm trưởng thành, tháng Ba còn gợi cho tôi đôi điều nghĩ suy về Lý Sơn, mà chính xác có chút lo sợ. Tôi lo sợ Lý Sơn sẽ bị cuốn theo những toan tính trong dáng hình những khối bê tông và thật sự, ít nhiều đã bị như vậy. Những toan tính ấy, đã khiến Lý Sơn mất dần hình ảnh của ban xưa mà lẽ ra, phải được giữ lấy cho công cuộc làm du lịch theo xu thế bền vững mà thế giới đang thực hiện. Và cái sợ hơn cả, là những đề xuất làm dự án lấn, lấp biển vô tội vạ.

Thường, đó là những dự án khoác chiếc áo “làm phát triển cho Lý Sơn”, nhưng thật ra là khai thác cùng kiệt tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên biển đảo. Tất nhiên, Lý Sơn vẫn phải cần một vài dự án mang tính quy mô để tạo cú huých cho phát triển du lịch, nhưng không phải theo kiểu làm ào ào. Và những dự án lấn, lấp biển theo kiểu thế giới hay làm, cũng phải cần cân nhắc hợp lí, mà điều tối thiểu nhất, là phải thể hiện được tâm tư, nghĩ suy của người dân.

Tam-khuc-Ly-Son
Nông dân Lý Sơn thu hoạch tỏi

Lan man những điều ấy, bất chợt tôi nhớ những thông tin không vui gì liên quan đến đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đã triển khai khoảng 5 năm nay. Đây là một kế hoạch dài hơi mà khi đi vào thực tế đời sống, sẽ mang lại giá trị phát triển bền vững. Tiếc là ở chặng cuối, khi còn khoảng 4 tháng nữa là đón đoàn chuyên gia của UNESCO về việc thẩm định công nhận Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh là công viên địa chất toàn cầu, nhưng lại nảy sinh những vấn đề lẽ ra chỉ nên có ở giai đoạn mới bắt đầu. Điều đó, có thể sẽ làm dang dở đề án này, và Lý Sơn, lại chông chênh với con đường phát triển bền vững…

Bài & ảnh: Xuân Thọ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục