Tahara, khi nào thì anh lại về Việt Nam?

Giáo sư tiến sĩ Ngôn ngữ học Hiroki Tahara, hay còn được bạn bè gọi một cách thân mật là anh Ta, không chỉ rành giao tiếp tiếng Việt mà khi đọc những gì anh viết cứ phải tự hỏi rằng đây có thực sự là một người Nhật đang viết hay không?! Vì không chỉ sử dụng thành thạo tiếng Việt, Tahara còn biết cách thể hiện khá hài hước. Bạn có thể kiểm chứng qua những dòng chia sẻ dưới đây của vị giáo sư vui tính này.

1. Chọn học tiếng Việt là một điều hoàn toàn bất ngờ với Tahara. Thời học sinh, mỗi kỳ nghỉ dài Tahara đều về quê nội. Quê Tahara là tỉnh Niigata, xứ gạo ngon, rượu sake thơm. Buổi tối nghe đài, các chương trình tiếng Nhật khó bắt sóng nhưng chương trình tiếng lạ thì nghe rất rõ. Hỏi bà nội mới biết là Niigata mình ở gần bán đảo Triều Tiên, buổi tối sóng người ta cứ “xâm nhập”. Ta bắt đầu để ý những ngôn ngữ nước ngoài.

tahara-khi-nao-anh-lai-ve-viet-nam

Năm 1990, Ta thi vào khoa tiếng Triều Tiên, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, nhưng không đậu, phải đi luyện thi một năm. Trong thời gian này, bà nội nói với Ta là “Hay là con học những gì ít người biết đi. Nếu con muốn thi vào ngành ngoại ngữ, chọn ngôn ngữ nào mới mẻ mà mình thích.”  Ta xem lại thông tin của Đại học ngoại ngữ Tokyo, thấy có những thứ tiếng”ít người biết”, trong đó tiếng Thái, tiếng Myanmar thì phải học chữ tượng hình, còn tiếng Việt thì có bộ chữ Latinh. Ta nghĩ, “được rồi, học tiếng Việt cho khỏe.” Lúc đó Ta, cả nhà Ta vẫn không nghĩ là tiếng Việt sẽ làm bạn suốt đời với Ta.

2. Ta là một người nước ngoài rất mê món ăn và mồi nhậu Việt Nam. Dù hồi mới qua Ta ăn cơm Việt Nam thấy… không hợp khẩu vị của mình. Ta không có nói là không ngon hay dở đâu nha, chỉ nói nhẹ nhàng là không hợp, hồi đó còn quá “non” để biết được cái “ngon” của Việt Nam thôi. Nước mắm chưa quen, ăn cơm cũng thấy lạ, chỉ tại vì mình là người của xứ gạo nổi tiếng nhất của nước Nhật, ngay từ khi ra đời nhà chỉ ăn gạo Koshihikari của Niigata nên cảm thấy lạ khi tiếp xúc với gạo xứ khác. (Có lẽ điều này các bạn quê đồng bằng sông Cửu Long có thể dễ thông cảm.) Thời gian đầu, sáng chỉ ăn bánh mì không, ăn uống không đều Ta bắt đầu sụt cân. Ta cao 1m70 mà chỉ còn 48 ký, vậy là ốm hơn người mẫu rồi.

tahara-khi-nao-anh-lai-ve-viet-nam
Gia đình Tahara.

Thấy đứa học trò Nhựt Bổn suy dinh dưỡng thế này, cô N. là phu nhân của thầy Nguyễn Văn Huệ (lúc ấy thầy là giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Ngoại ngữ Tokyo. Ta học với thầy một năm ở Tokyo sau đó lên đường du học ở Việt Nam. Thầy Huệ là người dạy tiếng Việt đầu tiên cho Ta) vừa lo vừa thương, có nhã ý mời ăn cơm gia đình vào chiều Chủ nhật.

Ta nhớ nhất, ở nhà cô N. hay làm sò huyết nướng mỡ hành, chả giò… Từ đó Ta được thực tập món Việt dần dà và bắt đầu ghiền. Tết năm 1993, cô N. mời Ta đến ăn Tết ở nhà. Đó là cái Tết duy nhất Ta ăn Tết ở Việt Nam. Ta được ăn thêm món hoành thánh chiên, và có lạp xưởng cô N. tự làm. Xa nhà, xa gia đình, tưởng mình phải lủi thủi ăn Tết một mình, mà được chào đón như một thành viên của gia đình người Việt. Nếu không có cô N., chắc Ta đã bỏ học lâu rồi.

3. Bí quyết nói sõi, viết giỏi tiếng Việt của Ta ư, không sợ sai, không sợ bị chê cứ nói, cứ viết.

Thực ra Ta biết nhiều người nước ngoài giỏi tiếng Việt hơn mình. Có lẽ các bạn Việt Nam không tin, trên thế giới có nhiều người rành tiếng Việt. Có người giỏi ca dao, tục ngữ, chữ Nôm luôn. Hiện nay Nhật Bản có hơn 100 người được xem như là chuyên gia Việt Nam, họ nói tiếng Việt thoải mái. Còn Ta, tiếng Việt còn hạn chế, nếu hai bà bán hàng trong chợ cãi nhau là nghe không hiểu được, các thanh niên nói tiếng lóng, nói nhanh quá cũng làm Ta khổ. Nhưng do có nhiều bạn người Việt tốt, họ sẵn sàng trò chuyện. Tiếng Việt của Ta từ từ có tiến bộ, cách nói tự nhiên hơn. Nếu không có bạn, chỉ học qua sách vở thì không có tự nhiên được đâu! À, có một điều, có một phần là… như bạn cũng biết Ta có một chút tài “nói đùa”, tính Ta cũng hơi quậy, không phải là tính cách người Nhật điển hình, điều này tính ra có lợi khi học ngoại ngữ nói chung, khi học tiếng Việt nói riêng.

tahara-khi-nao-anh-lai-ve-viet-nam
Tại bưu điện TP.HCM

4. Đến Việt Nam gần 30 năm nên kỷ niệm đáng nhớ rất nhiều, Ta kể một chuyện như thế này thôi. Hồi còn học ở Sài Gòn, khi nào có tiền Ta đi ăn phở gà ở quán Hương Bình trên đường Võ Thị Sáu. (Thời ấy, phở ở quán bình dân là 3-5 ngàn đồng/tô còn Hương Bình thì 8 ngàn một tô. Nên khi nào “dư sức” mới dám đi ăn). Bà chủ rất đàng hoàng, không chặt chém dù bà ấy biết khách này không phải là người Sài Gòn, cũng không phải là người Việt Nam. Bà chủ gọi Ta bằng em, còn Ta thì gọi chị. 10 năm sau, Ta có dịp dẫn đoàn sinh viên đến ăn, bà chủ còn nhớ mặt cựu sinh viên xứ Anh đào, cười tươi hỏi thăm: “Lâu quá chú mới về à?” Ăn xong, bà nói “Hôm nay không tính tiền, chú về là mừng lắm rồi“, Ta cảm động lắm.

Nhưng nói thật thì Ta cũng hơi băn khoăn là… tại sao bà chủ không còn gọi là em mà gọi bằng chú? Hay là mình trông già rồi!? Mình còn trẻ mà! Hỏi thầy Huệ mới biết là người ta quý mến Ta mới gọi như vậy, hồi xưa là sinh viên nay đã trở thành một nhà tri thức, thấy vậy bà chủ có lòng quý mến và kính trọng mới gọi chú.

Được biết như thế, Ta càng mê học tiếng Việt hơn.

5. Khi giao tiếp tiếng Nhật, Ta cũng được đánh giá là một người rất hài hước. Với tiếng Việt, Ta cũng muốn vậy. Tiếng Việt mình học không phải là để cãi với người Việt, không phải để chửi người Việt. Tiếng Việt đối với mình là “món quà” do Trời cho. Nghĩ vậy nên khi sử dụng món này mình luôn phải để ý là nói để cho người ta vui. Tục ngữ Việt Nam có nói là “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau“, quả là như vậy thật.

tahara-khi-nao-anh-lai-ve-viet-nam
Phiên dịch cho công chúa Nhật Bản Akishino năm 1998.

Ta có xuất bản 4 cuốn sách về tiếng Việt, việc xuất bản những cuốn sách này có ý nghĩa khi đối với người Nhật, đất nước con người Việt Nam không còn xa lạ. Năm 2019 hơn 900 ngàn người Nhật đến Việt Nam du lịch, số người Việt Nam sinh sống ở Nhật cũng đông. Nhưng việc học tiếng Việt ở Nhật vẫn chưa được phổ biến, giao lưu giữa hai nước còn tiềm năng rất cao. Với tư cách là một người từng học tiếng Việt hơn một phần tư thế kỷ, Ta muốn đóng góp về vật chất cũng như tinh thần để thúc đẩy quan hệ hai nước Nhật – Việt. Đến Việt Nam du lịch, nếu biết tiếng Việt sẽ vui gấp 10 lần!

6. Ta đang chuẩn bị tiến đến những cột mốc đáng nhớ của mình, kỷ niệm 20 năm làm nghề giáo, 30 năm học tiếng Việt, 30 năm tình thầy trò Việt – Nhật, kế đó là 30 năm lưu học ở Việt Nam. Ta cũng kịp có kỷ niệm để nhớ hành trình học tiếng Việt của mình khi vừa rồi Ta nhận được tin của Bộ Văn hóa – Khóa học Nhật Bản là đề tài nghiên cứu “Bolero, âm nhạc Việt Nam” của Ta sẽ được Bộ tài trợ. Đó là sự việc xảy ra ngày 1 tháng 4, sợ bị mọi người cười cá tháng Tư mà không tin nên chưa bật mí với ai cả.

Ta muốn giới thiệu âm nhạc Việt Nam nói chung, Bolero nói riêng cho người Nhật. Đề tài này nói cho gọn là “Bolero là gì?” Từ hồi nào? Ai từ đâu mang về? Giá trị nó như thế nào đối với người Việt Nam? Trước và sau 75 khác nhau như thế nào (Đây có thể là một điều nhạy cảm)? Giả thuyết của Ta là bolero có thể là dây kết nối của người Việt Nam trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại.

tahara-khi-nao-anh-lai-ve-viet-nam
Tahara với người dân Sài Gòn.

Nếu hỏi Ta hiểu gì về bolero Việt Nam thì chưa hiểu gì đâu bạn ạ. Ta chỉ là một người thích nghe bolero, còn tìm hiểu hay nghiên cứu thì từ nay bắt đầu. Ca sĩ Hà Vân là một người mở đường cho sự quan tâm với âm nhạc Việt Nam của Ta.

Nếu không có gì thay đổi, Hè này, Ta lại về Sài Gòn.

7. Bạn hỏi Ta mới biết là mình đã rất rất tự nhiên khi nói “về Việt Nam“, “về Sài Gòn” chứ không nói “đi Việt Nam” hay “đến Sài Gòn“. Ta tự hỏi mình rồi. Theo Ta, cái từ “về” nghe sướng tai hơn, và ấm áp hơn.

Nhưng không chỉ vậy. Vì Sài Gòn có nhiều kỷ niệm, có nhiều người quen, bạn bè cũng đông nên có cảm giác là “xứ mình”, là “người mình” rồi. Hơn nữa bạn bè của Ta như ca sĩ Hà Vân cũng hay hỏi “Khi nào anh về?” mà câu này có nghĩa là khi nào về Sài Gòn chứ không phải là về Nhật. Họ coi như Ta là người Sài Gòn. Thật hạnh phúc khi có được một quê hương thứ hai.

Giáo sư tiến sĩ Ngôn ngữ học Hiroki Tahara, sinh năm 1972. Năm 1996 – 1999, Hiroki Tahara là tùy viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, phiên dịch tiếng Việt – tiếng Nhật cho nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam và Nhật Bản. Trong năm 1998, Tahara đã phiên dịch cho công chúa Nhật Bản Akishino và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam – Nguyễn Mạnh Cầm.

Hiroki Tahara từng là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Ngôn ngữ, trường Đại học APU; Ủy viên Hội đồng Quản trị Học viện Ritsumeikan. Đã xuất bản 4 cuốn sách: Nhập môn tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt, Học ngữ pháp tiếng Việt, Từ điển Việt – Nhật (viết chung).

Bài: Sơn Trà

Ảnh: Nguyễn Hoàng Việt, NVCC

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục