Tác phẩm của các nhà văn Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh… sẽ trở lại trong diện mạo mới
Ngoài hai tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng” vừa ra mắt, Sbooks cũng đang làm việc với đại diện gia đình nhà văn Bảo Ninh, Ma Văn Kháng và gia đình nhà văn Ngô Tất Tố để có thể in lại một số tác phẩm.
Hai tác phẩm Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông vừa được Công ty cổ phần Sbooks và nhà xuất bản Văn học tái bản.
Khác với những bản in trước đây, hai tác phẩm từng làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu một thời sẽ trở lại trong diện mạo mới, với phần đầu tư minh họa trau chuốt, ấn tượng của hai họa sĩ Linh Giang và Kim Duẩn.
Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông đều đã được dựng thành phim điện ảnh và truyền hình. Câu chuyện của Núi, của Giang Minh Sài trở lại với độc giả thế hệ mới, cho người đọc hôm nay những hình dung về bối cảnh xã hội, về những số phận trong vòng xoáy xoay vần của thời cuộc.
Cuộc đời của Núi trong Thời xa vắng trượt dài trong những nỗi bất hạnh, từ chiến tranh đến thời bao cấp, những ngã rẽ và cả những điều không thể lựa chọn trước số phận. Cuộc đời của Giang Minh Sài trong Sóng ở đáy sông còn luẩn quẩn hơn khi sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến mà hiện thực là một bi kịch…
“Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng, tác phẩm Lê Lựu có sức sống bền lâu bởi nhà văn đã xây dựng được hình ảnh của nhân vật nông thôn điển hình vào buổi giao thời, là “tiếng chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới”.
Sbooks bày tỏ mong muốn rằng, khi những tác phẩm cũ đến được với thế hệ độc giả mới, có thể bạn đọc hôm nay sẽ nhận diện được cả những vấn đề khác biệt với lớp độc giả đi trước cũng như cảm thụ được những giá trị văn chương của một thời.
Dưới góc nhìn của nghiên cứu văn hóa, thì sự tiếp nhận tác phẩm của người đọc ở mỗi giai đoạn cũng chính là phản ánh những giá trị văn hóa của giai đoạn ấy.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sbooks cho biết, ngoài tác phẩm của nhà văn Lê Lựu, đơn vị cũng đang làm việc với đại diện gia đình các nhà văn Bảo Ninh, Ma Văn Kháng và gia đình cụ Ngô Tất Tố để có thể tiếp tục tái bản các đầu sách có giá trị. Các ấn bản đều sẽ trở lại trong diện mạo mới với phần đầu tư minh họa trau chuốt và giàu cảm xúc.
Lục Diệp
Theo phunuonline.com.vn
Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/tac-pham-cua-cac-nha-van-le-luu-ma-van-khang-bao-ninh-se-tro-lai-trong-dien-mao-moi-a1436597.html