Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao”, hai câu thơ trong bài thơ Cảnh Nhàn nổi tiếng của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ mấy trăm năm trước hóa ra lại là “kim chỉ nam” mà nhiều blogger du lịch lấy làm tiêu chí đi du lịch của mình.

Và hiển nhiên là không chỉ các travel blogger, những người ưa xê dịch khác cũng không đứng ngoài cuộc xu hướng này. Thật ra, không đợi dịch Covid-19 mà số đông dân ưa xê dịch mới thay đổi thói quen đi du lịch, nó chỉ góp phần tác động cho xu hướng này ngày một được lựa chọn nhiều hơn thôi.

ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve

Xu hướng xê dịch được ưa chuộng

Nguyễn Trọng Toản, nhân viên văn phòng, ở Gò Vấp, TP.HCM, khá quen thuộc trong giới phượt với thói quen xê dịch khỏi thành phố mình đang sống bằng những chuyến đi. Anh thường tự đi một mình hoặc đi cùng nhóm bạn hợp cạ. Nhóm bạn này, gồm những người tuổi 30, mê đi nhưng lại không chọn những địa điểm du lịch nổi tiếng, những chốn xa hoa, lộng lẫy, khu du lịch đông khách tham quan mà chọn rừng, núi, hồ, thác, biển, đảo… nơi vắng vẻ, ít người qua lại, ít khách lui tới.

Anh Toản cho biết: “Thành phố đông đúc, ngột ngạt, mình không muốn lại gặp toàn những người là người khi đi du lịch. Cũng những địa danh quen thuộc, nhưng người đi du lịch luôn có ý chọn những vùng xa hơn, tránh đông đúc. Thứ nữa, trong thời dịch Covid-19, thì chuyện tìm chốn xa, ít người lui tới cũng là điều cần thiết và phù hợp.”

Những địa điểm mà anh Toản cùng nhóm bạn đến, hầu như đều là những điểm còn ít nhiều hoang sơ, dịch vụ du lịch chưa có nhiều. Các hồ nước tự nhiên hoặc nhân tạo hồ thủy điện, những bãi biển vắng người hoặc chưa bị làn sóng du lịch cuốn đến.

ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve

Cho nên, hồi năm ngoái, dù đã leo núi Bà Đen nhiều lần, khi nghe nói dự án cáp treo và làm khu du lịch lên tận đỉnh Bà Đen chuẩn bị hoàn tất, anh đã thúc giục bạn bè kịp làm một chuyến trước khi những khung cảnh hoang dã trên đỉnh núi đã bị thay đổi bằng hình ảnh quen thuộc của một khu du lịch, kéo theo lượng khách đông đúc. “Có thời gian thì làm một chuyến nghỉ phép với vùng xa như núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc, với Lảo Thẩn, Y Tí, Hoàng Su Phì, hồ Ba Bể… Không thì loanh quanh trong cự ly gần hơn cho phù hợp với những ngày nghỉ ngắn. Từ Sài Gòn, cự ly đến những cái tên như Hòn Sơn, đảo Hải Tặc (Kiên Giang), các vườn quốc gia Tràm Chim, Nam Cát Tiên, Bidoup, núi Chúa, hồ thủy điện Thác Mơ, Dầu Tiếng… Hay những địa điểm quen như Đà Lạt, núi Bà Rá, Chứa Chan… đều không xa và có thể thu xếp đi được. Nhất là dịp Tết.” Anh Toản nói.

Đây cũng là xu hướng chung của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Trào lưu du lịch về với thiên nhiên, xa rời đám đông càng được ưa chuộng hơn trong thời dịch Covid-19. Các điểm du lịch nổi tiếng và đang hot hiện nay không có tên trong lịch trình dự kiến đi chơi của họ, cũng là cách để tránh nguy cơ những chuyến đi thành những chuyến hành xác vì chen chúc. “Hoặc cũng là địa phương đó, có thể vẫn những tỉnh thành phố quen như Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hội An, Huế… nhưng điểm đến chỉ cần lệch đi một chút, xa hơn một chút, là bạn có thể tách khỏi đám đông rồi. Chẳng hạn như hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) vốn đông khách ở khu vực quanh Thiền viện Trúc Lâm, nhưng đi xa hơn, bạn sẽ khám phá nhiều khung cảnh đẹp tuyệt. Hay Hội An, không chỉ có phố cổ mà còn có những khung cảnh đồng quê vùng ngoại ô ven phố thật đẹp và thanh bình”. Travel blogger Hải An cho biết.

Cho nên nếu nghĩ rằng những người đi du lịch là những người có điều kiện và chỉ biết hưởng thụ, thì không hẳn đúng!

ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve

Những chuyến đi xa tìm chốn vắng ấy còn ít nhiều truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Không hẹn mà gặp, chen giữa những chuyến ngao du vùng Đông Bắc, Tây Bắc của nhiều nhóm phượt, còn là những chuyến đi kết hợp ngẫu hứng hoặc chuẩn bị trước việc từ thiện tặng quà, hỗ trợ trẻ em nghèo người dân tộc ở những vùng sâu vùng xa mà các lữ khách đi qua. Dẫu không phải là mục đích chính của chuyến đi, nhưng như thế là cũng đã thể hiện ý thức quan tâm cộng đồng, biết san sẻ yêu thương của những người thích xê dịch rồi.

Đi, không chỉ để lại những dấu chân

Giữ một nếp sống thảnh thơi nhẹ nhàng, người “dại” luôn biết thưởng thức cuộc sống qua những chuyến đi. Có lắng tâm lại ở nơi vắng vẻ mới thấy quý mỗi khi chen chúc giữa phố thị bê tông và rừng người, xe cộ. Bên cạnh những rộn ràng khám phá, thêm nhiều trải nghiệm, bao giờ cũng là lúc người ta cho phép mình hưởng thụ thời gian bình yên. Giây phút quay về bên trong, mà khung cảnh nơi đến và lưu lại ấy, là cơ hội, là chất xúc tác để người ta có dịp tĩnh tại hơn. Một quá trình quay về bên trong bản thân một cách tự nguyện tự nhiên nhất, lớn dần. Nếu bạn thật sự muốn thư giãn và nạp được năng lượng mới, tốt lành.

ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve

Tôi đọc được những ý này, từ cuốn sách của một người suốt đời dành cho xê dịch, nhà thám hiểm lừng danh người Na Uy Erling Kagge, tác giả cuốn Silence: in the age of noise (xuất bản ở Việt Nam với tựa mượn theo câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ).

Là một người có nhiều chuyến đi vào thiên nhiên hoang dã, từng đặt chân tới những vùng đất khắc nghiệt, từng một mình chinh phục Bắc Cực, Nam Cực và đỉnh Everest, hơn ai hết, Erling Kagge hiểu giá trị của sự tĩnh lặng rút ra sau mỗi chuyến đi.

ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve

Và sau nhiều cuộc hành trình không mỏi mệt ấy, ông nhận ra rằng hoàn toàn có thể tìm đến tĩnh lặng ở bất cứ đâu. Bạn không nhất thiết phải đến Sri Lanka để tìm phút giây tĩnh lặng trong khi có thể thưởng thức chúng ngay trong bồn tắm nhà mình. Chúng cũng có thể xuất hiện trong giây phút bạn mải miết dõi theo đường chân trời, nghiền ngẫm dải rêu xanh trên tảng đá, hay chỉ là ánh nhìn trìu mến với đứa trẻ đang bồng trên tay. “Tĩnh lặng nằm ở cách bạn khám phá trở lại, thông qua sự ngưng đọng, tìm những thứ mang lại niềm vui cho bản thân”, Erling Kagge tâm sự.

Đi một ngày đàng, luôn học được một sàng khôn, là thế!

Bài & ảnh: Sơn Trà

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục