Nghệ sĩ sơn mài Saeko Ando: “Hội An là ngôi nhà thứ hai của tôi”

Vào năm 2017, với tư cách là người Nhật góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống sơn mài gần như đã mai một của Việt Nam, chị đã vinh dự là một trong số ít khách mời được trò chuyện với Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko nhân dịp ông bà đến thăm Huế. 24h Sống Xanh đã có cuộc trò chuyện với chị để hiểu hơn điều gì tạo nên sự khác biệt giữa sơn mài Việt Nam và Nhật Bản.

nghe-si-son-mai-saeko-ando
Nghệ sĩ sơn mài Saeko Ando.

Chào Saeko Ando, được biết khi mới qua Việt Nam, giai đoạn đầu chị ở Hà Nội, vậy cơ duyên nào đưa chị đến và chọn Hội An để gắn bó?

Vào năm 1995, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, Hà Nội là một thành phố rất tĩnh lặng và thơ mộng, nhịp sống nơi đây chầm chậm trôi đi và mọi người rất hòa đồng, hầu hết mọi người đánh giá cao giá trị tình cảm hơn là vật chất và lợi ích. Nhưng thành phố này ngày càng trở nên ồn ào và tấp nập, môi trường ô nhiễm ngày càng nặng và đang ở mức báo động. Tôi luôn xem Hà Nội là quê hương thứ hai của tôi, nhưng tôi cần phải rời đi trước khi đánh mất tình yêu mà tôi dành cho nơi đây.

Sau đó, tôi đã sống ở TP.HCM được một năm, sự ô nhiễm ở đây cũng chẳng kém gì Hà Nội. Kinh nghiệm sống ở thành phố lớn trong nhiều năm khiến tôi quyết định chuyển đến sống tại Hội An, với mong muốn hai con trai của mình được trải nghiệm cuộc sống nông thôn trước khi chúng đến tuổi trưởng thành và học tập ở nơi khác.

nghe-si-son-mai-saeko-ando
Tác phẩm sơn mài Orpiment, 45 x 90cm, 2012. Ảnh: NVCC

Người Nhật được mặc định biết Hội An nhiều hơn những địa điểm khác của Việt Nam, chị biết Hội An qua đâu và Hội An đã truyền cho chị cảm hứng gì?

Vào năm 1995, không có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. TP.HCM là nơi duy nhất đủ tiện nghi đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. Thậm chí Hà Nội cũng chưa thực sự là điểm đến phổ biến của du khách. Khi tôi đi từ Bắc vào Nam bằng tàu hỏa, tôi đã dừng chân ở Đà Nẵng và ghé qua Hội An. Hội An khi đó vẫn còn là một thị trấn nhỏ với rải rác một vài con đường được trải nhựa. Nơi đây thật tuyệt vời. Bây giờ, tôi cũng đã trở thành một phần của cộng đồng người Hội An, tôi nhận ra Hội An vẫn là điểm đến thu hút mọi người từ các nền văn hóa khác nhau. Tôi có một học viên trẻ đến từ Vinh và một vài nhân viên địa phương. Tôi cũng có không ít bạn bè từ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam cũng như từ rất nhiều các quốc gia khác nhau như Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp, Bỉ, Anh, Úc, Canada, Mỹ, Thái Lan, Nhật… Không giống như hầu hết người nước ngoài sống tại các thành phố lớn ở Việt Nam, họ không được phân công đến Hội An để làm việc, mà chọn lựa Hội An như ngôi nhà thứ hai để phát triển sự nghiệp của bản thân.

Tôi thành lập một xưởng tranh ở Hội An. Bên cạnh việc sáng tác các tác phẩm sơn mài theo phong cách của riêng tôi, tôi còn đào tạo các nghệ nhân và truyền kinh nghiệm kiến thức từ các bậc thầy sơn mài ở Hà Nội cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi hy vọng thiết lập nên một nơi với tên gọi “Sơn Mài Hội An”, nó mang tính cộng đồng kết hợp với sự đa dạng về văn hóa.

nghe-si-son-mai-saeko-ando
Tác phẩm sơn mài Metamorphosis, 50 x 50 x 3.8cm, 201. Ảnh: NVCC

Chị có thể chia sẻ một vài ý để so sánh tranh sơn mài Nhật và Việt Nam. Ở Việt Nam chị thích họa sĩ sơn mài nào nhất? Tại sao?

Sơn mài Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau. Đầu tiên là do chất liệu. Cây sơn Việt Nam và cây sơn Nhật Bản là hai giống khác nhau. Sơn tự nhiên Nhật rất cứng, vì vậy nó trở thành vật liệu lý tưởng để làm nội thất và vật dụng hằng ngày như hộp, khay, đĩa, đũa… Vì nhà truyền thống Nhật Bản bao gồm các cột và mái được ngăn bởi các cánh cửa trượt, người Nhật vẽ lên đó để làm trang trí cho ngôi nhà thay vì treo các bức tranh trên tường. Vì vậy, sơn mài Nhật Bản không đơn giản là đồ thủ công sử dụng hàng ngày như ở Việt Nam. Chúng thường được xem là những đồ vật có giá trị nghệ thuật làm phong phú thêm cuộc sống tương tự như những bức tranh trong văn hóa châu Âu.

Sơn mài tự nhiên Việt Nam thì lại quá mềm để sử dụng cho những mục đích đó, nhưng lại rất lý tưởng cho vẽ tranh sơn mài với nhiều lớp và các vật liệu đa dạng được mài trước khi đánh bóng. Với độ cứng vừa phải thì việc đánh bóng làm cho bề mặt phẳng hơn và với mục đích treo trên tường thì các tác phẩm sơn mài sẽ không bị trầy xước do quá trình sử dụng.

Bên cạnh đó, sơn mài Nhật Bản thường tạo ra các hoa văn trang trí, không giống ở Việt Nam, các nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Đối với tôi, sơn mài Việt Nam phù hợp với phong cách của tôi.

Tôi rất thích tác phẩm sáng tạo của Oanh Phi Phi bởi vì tác phẩm của cô luôn lấy cảm hứng từ chất liệu sơn ta, giống như cách tôi tiếp cận nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Thật thú vị khi xem sự khác nhau giữa các tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi, mặc dù những gì chúng tôi đang cố gắng làm là giống nhau, chính là khám phá tiềm năng của sơn ta Việt Nam.

Để mang nghệ thuật đến gần với cuộc sống, chị có nghĩ đến việc sẽ áp dụng kỹ thuật sơn mài của mình lên vật dụng sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như chén, bát, bàn, ghế, bình hay không?

Nghệ thuật là một phần cuộc sống của tôi và ngược lại. Vì vậy tôi không cố để mang nghệ thuật vào cuộc sống của mình. Nhưng tôi có sự thôi thúc tìm kiếm những vật dụng có thể làm sơn mài xung quanh tôi. Tôi nhặt những hạt giống, những miếng gỗ hay mảnh vụn và phủ sơn ta lên nó.

nghe-si-son-mai-saeko-ando
Tác phẩm sơn mài Microuniverse, 40 x 40 x 1.5cm, 2020. Ảnh: NVCC

Tác phẩm nào của mình làm chị cảm thấy tâm đắc nhất cho tới bây giờ?

Thật khó để chọn một trong các tác phẩm của mình. Mỗi một tác phẩm là sự phản ánh bản thân trong các thời điểm khác nhau của cuộc đời tôi. Lúc tôi mới bắt đầu làm tranh sơn mài, tôi rất vô tư và vui tươi. Ngay cả sự thiếu kinh nghiệm và kỹ năng của tôi cũng làm cho tác phẩm trở nên quyến rũ và cá tính hơn.

Vào giai đoạn tiếp theo, trọng tâm các bức tranh thể hiện vẻ đẹp của động vật và thế giới tự nhiên xung quanh. Tôi đã sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp để tạo nên hiệu ứng và kết cấu, làm tăng thêm vẻ đẹp của sinh vật đó.

Và trong vài năm trở lại đây, chất liệu sơn ta càng ngày lôi cuốn tôi, tôi chú trọng tối đa hóa các đặc tính của sơn ta.

Tôi không còn lập kế hoạch và làm theo những ý tưởng đã định trước. Tôi làm theo cảm xúc và bản năng ở mỗi quy trình tạo nên một tác phẩm sơn mài. Tôi cảm thấy có đủ tự tin và kinh nghiệm để xử lý mọi tình huống phát sinh ngoài dự định. Tôi đánh giá cao mỗi giai đoạn trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật tranh sơn mài của bản thân, vì vậy mỗi một bức tranh đều có ý nghĩa và giá trị của riêng nó.

Vì sao chị ít chọn chủ đề hiện thực mà thích biểu hiện và trừu tượng?

Chủ đề chính của tôi từng là động vật và các sinh vật khác. Chúng không thực tế lắm, nhưng bạn có thể nhìn vào tác phẩm và nhận ra đó là sinh vật gì. Càng về sau, khi tôi tiếp tục tạo ra các tác phẩm sơn mài, tôi nhận ra rằng những điều thu hút tôi không chỉ là hình dạng và dáng vẻ của sinh vật. Nguồn cảm hứng của tôi là chi tiết của các sinh vật như cấu trúc da, vảy, móng, vỏ, cánh… Tự nhiên là nghệ sĩ, nhà thiết kế và kỹ sư giỏi nhất trong vũ trụ này.

Và tôi nhận ra rằng sự ẩm ướt và bóng của sơn ta mang đến cảm nhận về sự sống của sinh vật mà không cần mô tả toàn bộ hình dáng của nó. Sau đó tôi bắt đầu tạo ra các tác phẩm với kết cấu, màu sắc và hình dạng để người xem cảm nhận sự sống qua các giác quan và tâm hồn.

Với một số người xem, tranh của tôi rất trừu tượng. Nhưng với tôi, chúng đều là các tế bào, cơ quan hay cấu trúc của các sinh vật mà tôi đã phát minh ra. Điều đó khiến tôi cảm thấy tôi là một phần của vũ trụ.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thanh Phong (thực hiện)

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

 

Cùng chuyên mục