“Sử tử ăn chay” Lâm Quách: “Tôi muốn giữ hương vị Tết cổ truyền trọn vẹn”

“Nếu được mơ ước, tôi ước có được không khí Tết cổ truyền như ngày xưa, thời mà công nghệ hay mạng xã hội không ảnh hưởng chúng ta như hiện tại”, Á vương Mister Tourism & Culture Universe 2019 Lâm Quách trò chuyện cùng với 24h Sống Xanh nhân dịp đầu năm mới 2021.

Chào Thanh Lâm. Nhắc đến bạn, mọi người thường hay dùng cụm từ “ tử ăn chay” để diễn tả. Biệt danh này có từ bao giờ? Và cơ duyên nào đưa bạn đến với việc ăn chay trường như hiện tại?

“Sư tử ăn chay” là do tôi tự đặt cho bản thân mình khoảng hai năm trước, khi tôi bắt đầu làm một người truyền cảm hứng về lối sống khỏe mạnh và cân bằng. Ở đây bạn sẽ thấy hai sự đối lập: sư tử (đại diện cho sự mạnh mẽ, quyết liệt nhưng thường gắn với thịt) và ăn chay (hướng đến sự hiền lành và thân thiện). Thông qua đó, bạn sẽ thấy hình ảnh một chú sư tử ăn chay mạnh mẽ, dẫn đầu nhưng đầy tình yêu với sứ mệnh phụng sự cho mọi người.

Hơn 4 năm trước, tôi lập nên nhóm Cứu trợ Động vật SAR. Công việc chủ yếu của nhóm là giúp các bé chó mèo bị bỏ rơi, đánh đập, hành hạ… Các bé sẽ được chữa trị và tìm gia đình mới. Sau hơn một năm hoạt động, tôi có duyên gặp các anh chị hay đọc thông tin về sự thật ngành công nghiệp thịt. Ám ảnh bởi những ánh mắt đó, tôi quyết tâm tìm hiểu và học hỏi rồi chuyển sang ăn chay đến ngày nay.

su-tu-chay-lam-quach

Là một gymer, việc ăn chay có ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển của các múi cơ cũng như sức khỏe của một chàng trai “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” như bạn?

Nếu chúng ta đi vào một phòng tập bất kỳ, tôi nghĩ gần 99% người ở đó là người ăn thịt, thậm chí là “nghiện thịt”. Thế nhưng chỉ chưa đến 10% người trong số đó thực sự tập luyện có kết quả về sức khỏe và hình thể.

Thế nên việc phải ăn thịt để tăng cơ hay ăn chay sẽ giảm cơ là không đúng! Theo quan điểm của tôi, không quan trọng ăn thịt hay chay mà quan trọng là bạn ăn cái gì? Việc lựa chọn đúng thực phẩm là điều tiên quyết.

Hẳn nhiên khi mới chuyển sang ăn chay tôi cũng vấp phải nhiều vấn đề và sai lầm như không đủ năng lượng, quá nhiều tinh bột, không đủ protein… Nhưng từ những sai lầm đó tôi nghiên cứu, học hỏi và tìm ra giải pháp để khắc phục. Điều này giúp tôi chia sẻ đến mọi người những trải nghiệm thực tế và hữu ích nhất khi chuyển chế độ ăn.

Ăn chay có phải là cách sống xanh nằm trong lựa chọn từ những kiến thức về đời sống mà bạn đã quan sát cũng như rút tỉa được?

Điều này đúng, nhưng thực ra quy trình ngược lại (cười). Đó là khi chuyển sang ăn chay thì những kiến thức và lối sống xanh mới đến với tôi.

Như đã chia sẻ ở trên, tôi đến với ăn chay vì tình thương động vật. Sau đó ăn chay dẫn dắt tôi đến với những kiến thức hay những người ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của mình.

Ví dụ như trước đây, các vấn đề về môi trường là một lĩnh vực xa lạ, chán ngắt và mang tính ban ngành nhiều hơn. Còn khi chuyển sang ăn chay, tôi nhận ra sống xanh cho bản thân và cả môi trường rất đơn giản, chỉ từ những hành động nhỏ hằng ngày như đi chợ thì mang túi vải thay vì túi nilon dùng một lần, mang bình nước cá nhân thay vì mua nước chai nhựa… Và cả việc ăn chay cũng là việc làm rất xanh, rất thân thiện môi trường vì ngành công nghiệp thịt hiện dẫn top đầu gây ô nhiễm trái đất. Các cánh rừng trên thế giới như Amazon đang dần mất đi để xây dựng trại chăn nuôi lấy thịt hoặc các vườn ngũ cốc mà số ngũ cốc này chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp thịt. Đó là những mặt trái mà nếu không ăn chay, tôi sẽ không thể biết được.

Ăn chay còn dẫn tôi gặp những người truyền chỉ dạy cho mình biết về thiền định và các hoạt động tình nguyện về môi trường. Gần đây nhất tôi cùng các bạn trong một tổ chức đến Ninh Hải để dọn dẹp bờ biển. Với sự giúp sức hơn 6.000 tình nguyện viên từ mọi ngành nghề như: học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, bộ đội… mọi người hăng hái đi… nhặt rác. Chỉ trong hai ngày chúng tôi làm được việc mà có khi cả năm không làm được. Năm 2021 chúng tôi còn ấp ủ nhiều dự án to lớn hơn, để không chỉ làm sạch môi trường ở Việt Nam mà còn nâng cao ý thức của mọi người hơn nữa.

su-tu-chay-lam-quach

Để duy trì được quá trình ăn chay và sống xanh này, bạn đã phải trải qua những thử thách hay cám dỗ nào?

Phải nói là rất nhiều, như việc mọi người dè bỉu, nhiều khi nhìn mình như người ngoài hành tinh vậy. Bố mẹ ngăn cản vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, bạn bè xa lánh, ăn không đúng cách làm tôi mệt mỏi… rất nhiều khó khăn và cám dỗ nhăm nhe đánh gục mình.

Thế nhưng thử thách lớn nhất là thử thách đến từ chính bản thân. Thay đổi một thói quen đã khó, huống gì thay đổi cả một lối sống. Thời gian đầu tôi gần như phải đấu tranh với bản thân mỗi ngày và suy nghĩ “hay là quay lại trước đây cho khỏe”. Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng lại nhớ đến lý do mình bắt đầu và tự nhủ “Thôi cố thêm chút nữa!”.

Đến bây giờ những vấn đề đó vẫn còn tồn tại, nhưng tôi không xem là khó khăn nữa mà xem đó là một cơ hội để rèn luyện nghị lực mỗi ngày. Khi thay đổi cách nhìn cũng giúp tôi xử lý vấn đề nhẹ nhàng và biết ơn hơn.

Bạn có thường lan tỏa lối sống xanh tích cực đến những người xung quanh mình không? Những phản ứng hay phản hồi bạn nhận được là gì?

Đó gần như là công việc hằng ngày của tôi vì tôi có kênh chia sẻ riêng trên mạng xã hội, Fanpage Sư tử ăn chay với gần 20.000 người theo dõi. Ngoài ra, tôi đang lên kế hoạch phát triển thêm trên các kênh như Instagram, YouTube, TikTok… Ở đó bạn sẽ thấy rất nhiều kiến thức về dinh dưỡng, tập luyện, mẹo sống xanh giảm rác thải… là những nội dung tôi sáng tạo.

Tôi rất may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bạn. Mỗi khi đọc các phản hồi như “anh là người truyền cảm hứng cho em mỗi ngày về sống xanh và lành mạnh” tôi đều rất xúc động và là nguồn động lực mạnh mẽ mỗi ngày.

Bên cạnh đó cũng có những phản hồi tiêu cực, tôi sẽ tiếp thu và kiểm lại đây có thực sự là khiếm khuyết của mình không? Nếu không thì tôi sẽ bỏ qua, nếu có tôi sẽ cảm ơn bạn ấy và tìm cách khắc phục để tiến bộ hơn. Đó là cách nhìn của tôi về phản hồi tiêu cực.

Thực đơn lý tưởng nhất để có vóc dáng, sức khỏe cùng vẻ đẹp khỏe khoắn, tươi tắn bạn đang áp dụng là gì?

“Thực đơn lý tưởng” của tôi hiện tại bao gồm cả món ăn cho thể chất lẫn tinh thần.

Về thể chất, tôi ăn rất đa dạng rau củ trái cây hay còn gọi là “ăn cầu vồng” – ăn càng nhiều màu càng tốt. Tôi không cắt tinh bột vì điều này không tốt cho sức khỏe. Tôi ăn tinh bột đúng cách và đúng loại, ưu tiên tinh bột nguyên cám như yến mạch, gạo lứt… Nguồn đạm thực vật chủ yếu đến từ các loại đậu, diêm mạch, bột mầm gạo. Tương tự với chất béo từ dầu olive, trái bơ… Cách chế biến đơn giản để giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất, không sử dụng gia vị công nghiệp như bột nêm, bột ngọt, nước tương/mắm công nghiệp… Tôi hạn chế tối đa các loại thức ăn nhanh… Thế nhưng tôi sẽ có một ngày gọi là “ngày hưởng thụ”. Ngày hôm đó tôi sẽ ăn tất cả những gì mình muốn như pizza, burger, trà sữa… Lưu ý là một tháng chỉ có 1-2 ngày như thế thôi nhé.

Về tinh thần, tôi dậy sớm, thiền định, chăm sóc cây cảnh, nghe postcard hoặc sách nói, đọc sách (tôi rất thích đọc sách), học hỏi cái mới mỗi ngày, học chơi nhạc cụ, đi làm thiện nguyện, kết bạn với những người cùng sở thích và lối sống… Tôi làm mới bản thân mỗi ngày.

su-tu-chay-lam-quach

Những kỷ niệm hay ký ức ngọt ngào về một cái Tết cổ truyền bên gia đình của bạn là gì?

Cái Tết ấm áp nhất có lẽ là khi tôi còn bé. Lúc đó tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ xí nhưng tận 12 người ở. Nhà nhỏ nhưng bao la tình gia đình. Tết đến có lẽ nhà tôi rộn ràng nhất xóm vì ngay từ những ngày 26, 27 Tết đã chuẩn bị bày bánh chưng ra trước nhà gói rồi cả đám con nít thức nguyên đêm vừa chơi bài vừa canh nồi, hàng xóm thấy vui quá còn ra chơi chung. Ngày Tết họ hàng đến chúc mừng và quây quần bên nhau nói chuyện, chơi trò chơi… Lúc đó tôi là đứa cháu được cưng nhất của ông nội. Tôi ngồi trong lòng ông chơi trò chơi cùng mọi người. Ông chỉ tôi từng cách chơi, ăn thì tôi lấy, thua thì… tôi dỗi đòi ông trả lại. Ông còn len lén giấu quà bánh cô chú tặng để dành cho tôi. Tết ngọt ngào nhất của tôi gắn với ông nội là thế.

Bánh chưng bánh tét, thịt mỡ dưa hành… những món ăn quen thuộc trong ngày Tết buộc phải cắt đi trong phần chay và kiêng khem của bạn. Điều này có khiến bạn cảm thấy tiếc không vì một phần nào đó hương vị Tết đã không còn sự trọn vẹn?

Một trong những sai lầm khi nghĩ đến ăn chay là bạn buộc phải “hy sinh” một món gì đó trong thực đơn. Thật ra hiện tại đều có sản phẩm thay thế mà mùi vị vẫn rất tuyệt vời, ví dụ như bánh chưng bánh tét đều có nhân đậu, chả thì có chả nấm… Tôi không quá quan trọng việc ăn uống mà sẽ quan trọng bầu không khí hay tình cảm gia đình khi sum vầy ngày Tết, đó mới chính là cái giữ hương vị Tết trọn vẹn.

Bạn thích đón một cái Tết cổ truyền ra sao?

Nếu được mơ ước, tôi ước có được không khí Tết cổ truyền như ngày xưa, thời mà công nghệ hay mạng xã hội không ảnh hưởng chúng ta như hiện tại.

Đó là rộn ràng từ những ngày giáp Tết, mọi người nô nức dọn dẹp chuẩn bị. Phố xá rực rỡ hoa mai hay câu chúc… Tôi thích không khí thức khuya canh nồi bánh chưng, thật ấm áp.

Ngoài ra, tôi thích ngày Tết đi chúc nhau với tất cả tấm lòng, sự quan tâm trực tiếp, không còn những câu chúc qua loa rồi lại quay về thế giới ảo với những dòng status, bình luận, chia sẻ. Tôi thích chơi trò chơi tương tác với nhau thay vì game online…

Những ngày Tết bạn thường làm gì và đi đâu?

Tôi thích ở nhà những ngày đầu để mừng Tết với gia đình, lên kế hoạch cho năm mới và nghỉ ngơi. Từ mùng Ba hoặc Bốn, tôi sẽ vác ba lô lên đi phượt.

Bạn thích Tết kéo dài ra hay rút ngắn đi, vì sao?

Nếu nói về Tết 2021 thì tôi nghĩ nên ngắn đi, cả năm “nghỉ Tết” vì Covid-19 tôi quá chán rồi. Còn như bình thường, tôi nghĩ Tết nên giữ nguyên. Cái nên rút ngắn hoặc đơn giản hóa đi là các tập tục hay thói quen mua sắm. Ví dụ mọi người thường có thói quen nấu nướng hay mua sắm quá nhiều vào dịp Tết, điều này dẫn đến áp lực với người phụ nữ của gia đình mà đáng lẽ họ nên được nghỉ ngơi. Hay việc mua sắm dẫn đến nhu cầu sản xuất tăng cao, gia tăng lượng lớn rác thải ra môi trường…

Những điều ước và mong muốn của bạn trong năm mới là gì?

Chắc chắn điều đầu tiên chính là dịch Covid-19 mau qua nhanh để mọi người yên tâm học tập và làm việc. Tôi nghĩ rằng, chính bởi dịch mà chúng ta nhận ra dù làm gì, sức khỏe vẫn là yếu tố hàng đầu. Nên năm mới tôi muốn gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả mọi người, mong chúng ta luôn khỏe mạnh và bình an.

Về bản thân, tôi mong mình đạt được những dự án hay kế hoạch đề ra để có thể giúp mọi người sống vui khỏe, cân bằng và lành mạnh hơn. Những sản phẩm của tôi như sách, sữa hạt… sẽ là người bạn đồng hành trong gian bếp mọi nhà.

Cảm ơn bạn, chúc bạn cùng gia đình hưởng một cái Tết Tân Sửu thật vui và ấm áp!

Trương Quốc Phong (thực hiện)

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục