Sống không rác thải có dễ?
Aigul Safiullina, một cư dân sống ở Hồng Kông, chia sẻ trải nghiệm của cô khi tuân theo lối sống không rác thải, dùng một chiếc lọ thủy tinh nhỏ để có thể kiểm soát lượng chất thải của mình mỗi ngày.
Hai năm trước, tôi đã đưa ra quyết định hơi khó khăn và có phần bất tiện là giữ tất cả rác thải của mình trong một chiếc lọ thủy tinh. Tôi muốn góp phần tạo ra tác động môi trường, ủng hộ hành tinh xanh. Trên thực tế, quyết định này dẫn đến nhiều hệ lụy không lường trước được.
Đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị
Ý tưởng giữ tất cả rác thải, những thứ bạn không thể tái chế, tái sử dụng, làm phân trộn, giống như một cuộc cách mạng. Tôi cố gắng theo dõi tất cả lượng chất thải của mình và giảm thiểu chúng để vừa với một cái lọ nhỏ. Để làm được điều đó, tôi đã thay thế các sản phẩm sử dụng một lần bằng những thứ có thể tái sử dụng.
Quy luật này rất đơn giản: Tránh tạo ra càng ít rác thải càng tốt bằng cách loại bỏ những sản phẩm dùng một lần, tái chế và làm phân trộn, mua càng ít đồ càng tốt và cho bất kỳ rác thải còn lại vào bình. Xem lại lượng rác bên trong lọ hàng tháng và tìm cách giảm hơn nữa vào lần sau. Cố gắng hết sức để cải thiện mỗi tháng và cố gắng đảm bảo chiếc lọ không quá đầy, quá nhanh.
Thực tế, cuộc sống không lãng phí đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị. Cuối tuần là dịp bạn phải tranh thủ đi mua hàng tạp hóa, thực phẩm không bao bì tại chợ vì các siêu thị chỉ bán hàng đóng gói sẵn và sau đó chuẩn bị các bữa ăn trong tuần. Mỗi sáng, tôi đóng gói bữa trưa và bữa tối của mình vào một chiếc túi và chạy quanh thành phố để họp , tham gia các sự kiện. Và tất nhiên, tôi không mua thêm bất kỳ món nào khác, kẻo chiếc lọ quá đầy. Điều này đôi khi trở thành thực tế khó chịu trong vài tháng.
Đồng thời, tôi nhận thấy rằng mình đang trở thành một người cáu kỉnh, dễ nổi cáu. Chẳng hạn, khi vào quán, tôi cự nự người phục vụ vì dọn kèm ống hút bằng nhựa. Tôi cũng phản đối khi nhân viên cửa hàng tiện lợi đưa cho một chiếc túi ny lông.
Tôi phản ứng ra mặt khi bạn bè quên mang theo ly cá nhân. Tôi tin rằng mình vẫn còn nợ một vài người trong số họ một lời xin lỗi vì sự đáng ghét của mình. Có vẻ như tôi đang tự biến mình thành một “cảnh sát không rác thải” đối với những người xung quanh.
Cần hàng trăm người có ý thức
Việc kiểm soát rác thải trong một chiếc lọ có mang lại kết quả gì không? Chắc chắn, tôi có thể thấy rất nhiều người xung quanh mình bắt đầu thay đổi thói quen và các công ty áp dụng các phương pháp bền vững hơn trong văn phòng – nhưng liệu cái lọ có tạo ra sự khác biệt nào không? Chắc chắn, nó khiến tôi được chú ý và ngưỡng mộ, nhưng liệu nó có bền vững và khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn trước không? Tôi có chút hoài nghi về việc này.
Cái lọ trở thành một kiểu áp đặt. Nó khiến tôi rất dễ cáu kỉnh và căng thẳng về mọi khía cạnh của cuộc sống. Tôi sẽ cảm thấy khó khăn khi chấp nhận một số lời mời và quà tặng, và tốn thời gian để tìm cho ra những bữa ăn và hàng hóa không đóng gói thay vì thư giãn cho những thứ không đáng bận tâm. Tôi nói không với những sự kiện mà tôi sẽ rất thích và kết quả là tôi tự cô lập mình một cách không cần thiết. Tôi tự thấy mình bỗng nhiên khắc nghiệt với bản thân hơn trong vài tháng đó.
Rồi một ngày, tôi nhận ra những doanh nghiệp bền vững khác đang tạo ra tác động lớn hơn mà không cần đến cái lọ làm biểu tượng cho cuộc sống không rác thải. Ví dụ, các cửa hàng refill, không có rác thải và không có bao bì với dịch vụ giao hàng không có bao ny lông… Đây là lúc tôi nhận ra điều gì đã giải thoát cho mình: Lối sống xanh cần hàng trăm người có ý thức về việc hạn chế rác thải khi có thể chứ không chỉ vài ba người cực đoan với một chiếc lọ rồi tự làm khổ mình.
Thiệu Kiệt
Theo 24hsongxanh.vn/ GreenQueen
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/song-khong-rac-thai-co-de/