Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Sử dụng phân bón hữu cơ và các biện pháp sinh học trong công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại, hạn chế các chất kích thích tăng trưởng… là những giải pháp chính trong sản xuất nông nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường được nông dân thành phố áp dụng trong nhiều năm qua.
Tại các vùng sản xuất rau sạch và an toàn như La Hường (quận Cẩm Lệ), Túy Loan (xã Hòa Phong), xã Hòa Phú, xã Hòa Khương… thuộc huyện Hòa Vang, bà con nông dân luôn tuân thủ việc không sử dụng các chất bảo vệ thực vật khi gieo trồng và sản xuất để giữ tiêu chuẩn nông sản sạch theo chuẩn VietGAP và sử dụng những loại phân hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng để bảo vệ môi trường đất, hạn chế thải độc hại ra môi trường…
Tại vùng rau an toàn La Hường, nhiều nông dân còn tận dụng cây lục bình ủ thành phân tạo giá trị dinh dưỡng để trồng các loại rau, củ, quả. Anh Phan Ngọc Phu (trú tổ 36, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), một nông dân trồng rau nơi đây cho biết: “Sau khi vớt cây lục bình, chúng tôi sẽ mang về ủ liên tục trong vòng từ 20 – 30 ngày. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi vẫn liên tục vớt và ủ để bảo đảm lượng phân cung cấp cho cây trồng. So với các loại phân khác, phân hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội như không làm hư chất đất, tạo độ tơi xốp, tăng độ phì nhiêu, tiết kiệm được lượng phân bón lớn trong quá trình canh tác”.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn La Hường Trần Văn Hoàng, trong quá trình trồng trọt, bà con nông dân luôn có những giải pháp xử lý an toàn theo hướng sinh học nhằm hạn chế sâu bệnh tấn công như phun các chế phẩm gừng, ớt ngâm vào rượu hoặc sử dụng các loại thuốc sinh học được phép sử dụng theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố…
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng hỗ trợ các đèn, bẫy dùng năng lượng mặt trời để thu hút và diệt côn trùng. “Việc ra đồng của nông dân là thường xuyên nên khi xuất hiện sâu bệnh, bà con xử lý rất nhanh chóng. Nhờ đó, giảm thiểu khả năng gây hại của côn trùng, sâu bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Trần Văn Hoàng cho hay.
Còn tại huyện Hòa Vang, từ năm 2013, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đã được Hội Nông dân huyện thử nghiệm tại một số xã như Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong… Đây là mô hình sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mang lại năng suất cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, thay đổi thói quen, tập quán canh tác của người nông dân. Đến nay, mô hình này đã được triển khai sản xuất trên toàn huyện nhằm giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Hồ Văn Hiệp, Trưởng thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) cho biết: “Sau hơn 3 năm triển khai, giống lúa hữu cơ đều cho năng suất cao và được giá. Hiện nay, nông dân trong thôn đã tiếp cận được quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong vụ lúa hè thu vừa qua, toàn thôn có 6 ha lúa hữu cơ Thiên Ưu 8. Mỗi sào (500m2) có thể thu hoạch từ 10 – 12 bao lúa tươi”.
Ngoài ra, nhiều hộ nông dân trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn huyện cũng đã ứng dụng những giải pháp công nghệ để giải quyết lượng bã thải nấm trong hoạt động sản xuất, giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với một số đơn vị như Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm triển khai một số lớp đào tạo, tập huấn cho hội viên nông dân học cách xử lý bã nấm làm phân vi sinh.
Người nông dân đã tiết kiệm nhiều chi phí trong việc đầu tư về phân bón nhờ vào tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, đồng thời giảm thiểu chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ra môi trường. “Hội nông dân huyện luôn tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường cho người nông dân bằng các phong trào, mô hình như “3 không” trên cánh đồng; vận động bà con dùng chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ trong gieo trồng và sản xuất để cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ vậy, ý thức của người nông dân cũng được nâng cao, tạo ra nhiều sản phẩm sạch, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn của thành phố”, ông Nguyễn Văn Vân cho hay.
Văn Hoàng
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/sang-24-10-viet-nam-khong-co-ca-covid-19-moi-trong-cong-dong/