Sài Gòn trong mắt một người Quảng
Một người Quảng Nam “rin” rời xứ vào Sài Gòn làm báo, đã hai chục năm. Hai năm trước, ngoảnh lại quê nhà, Lê Công Sơn (công tác tại báo Thanh Niên) có tập tạp bút “Răng mà thương mà nhớ” như là một sự tri ân xứ sở. Nay, với “Loanh quanh Sài Gòn” anh góp thêm những quan sát, cảm nhận, yêu thương mảnh đất mình gắn bó, trưởng thành một cách đậm nét. Bao nhiêu người đã viết về Sài Gòn quá hay, quá sâu sắc, tưởng không còn gì để nói, vậy mà Lê Công Sơn vẫn có điểm nhìn riêng, không lẫn với ai và thu hút người đọc.
Từ những giải mã về thành Gia Định xưa, Lê Công Sơn chỉ ra cho người đọc rằng dấu tích gọi là cổng thành Gia Đình chỉ là… cái bót lính gác! Phát hiện ra công trình kiến trúc đầu tiên của người Việt ở Sài Gòn là tòa nhà La Sainte Enfance dựa theo bản vẽ của Nguyễn Trường Tộ. Hay như về ngôi trường Collège Indigène sau đó đổi thành Trường Trung học Chasseloup-Laubat nay là Trường THPT Lê Quý Đôn mà Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk từng theo học. Những tư liệu thú vị về “thâm cung bí sử” của Dinh Độc lập, những câu chuyện thực hư về đường hầm bí mật từ Dinh Gia Long ra Chợ Lớn, về trụ sở tòa án cổ “độc nhất vô nhị” ở Sài Gòn, về bảo tàng đầu tiên ở Nam Kỳ, những câu chuyện về chợ Bến Thành, về chợ Bình Tây; những ký ức xa xôi về ảnh viện Sài Gòn xưa… rồi đến cả việc đặt/đổi tên đường với những Kha Vạn Cân/Kha Vạng Cân, Lương Nhữ Học/Lương Như Hộc… hay những nhân vật khá lạ với nhiều người: Tinh Thiều (một tướng tài thời Lý Bí), An Tư công chúa (thời Trần Thánh Tông) đến… cho một cả cầu thủ quần vợt nổi tiếng khắp Đông Dương là Nguyễn Văn Chiêm/Chim cũng được đặt tên đường mà nhiều người biết đến!
Viết về chốn tâm linh, có nhiều bài viết về đình cổ và mộ cổ. Đình cổ có Thông Tây Hội, Bình Tiên. Mộ cổ có khu mộ cổ “độc nhất vô nhị” có thể xây dựng thành công viên văn hóa mộ táng ở Gò Quéo đến mộ các danh tướng như Huỳnh ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh hay Tả tham tri Phạm Quang Triệt quê gốc Quảng Nam… đến Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Giảng… Nhiều ngôi mộ có giá trị kiến trúc và nghệ thuật độc đáo lưu giữ “dấu chân” những người đi tiên phong khai mở đất Sài Gòn – Gia Định hoặc đất Thủ Đức với mộ ông Tạ Huy – Tạ Dương Minh, người được tôn xưng là tiền hiền Thủ Đức (Thủ Đức là tên hiệu của ông). Rồi Lăng Ông Bà Chiểu đến mộ hai cô hầu của Tả quân Lê Văn Duyệt, chuyện về Điện Ngọc hoàng (nơi Tổng thống Mỹ từng ghé thăm), hoặc gian nan câu chuyện trùng tu nhà thờ Đức Bà. Chuyện người Sài Gòn, được kể đến có Chú Hỏa hay Hui Bon Hoa, đại phú Đông Dương ở Sài Gòn, về cụ Vương Hồng Sển với kho báu đồ sộ để lại cho người Sài Gòn, về chuyện Cô Năm Sa Đéc, “thánh đường cải lương” đến cả những người làm báo xứ Quảng ở Sài Gòn…
“Loanh quanh Sài Gòn” được tái bản sau một tuần phát hành ghi nhận sức hấp dẫn của tập sách. Càng trân trọng hơn khi Lê Công Sơn đã dành tất cả tiền bán sách (125 triệu đồng) để giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt tại Quảng Trị và Quảng Nam.
Lê Trâm
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/sai-gon-trong-mat-mot-nguoi-quang-106053.html