Sài Gòn trăm bước: nặng tình với di sản Sài Gòn

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng một lần nữa lại không giấu được những trăn trở nặng tình với di sản đô thị Sài Gòn trong tập sách vừa ra mắt: Sài Gòn trăm bước.

Sách Sài Gòn trăm bước. Ảnh: newshop.vn
Sách Sài Gòn trăm bước. Ảnh: newshop.vn

Trong cái nhìn của một nhà kiến trúc, ông ghi lại những dòng cảm xúc của không chỉ riêng mình mà từ nhiều cuộc đối thoại/tâm tình/phỏng vấn/trao đổi… với rất nhiều “ngôi thứ hai” diễn ra ngay trên đường phố Sài Gòn.

Có lẽ chính hoàn cảnh ra đời những tản văn trong tập sách này là một liên tưởng đến ký tượng “trăm bước” trong nhan đề sách.

Dụng ý lấy tản văn làm nền, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng dễ khiến người đọc giật mình khi nhận ra đằng sau những trang văn nhẹ nhàng như thủ thỉ tâm tình kia lại chính là trải nghiệm, cảm nhận khắp cả “tam thiên đại thiên” cung bậc Sài Gòn.

Nói vậy không ngoa, bởi trong “trăm bước” trò chuyện tâm tình trên phố như vậy, Sài Gòn của Nguyễn Ngọc Dũng có cả lịch sử hình thành đô thị kể từ khi nơi đây vốn là vùng đất thấp không được mấy ai đoái hoài cho đến khi chúa Nguyễn cho người vào khẩn hoang, di dân đặt chân định cuộc…

Rồi thời gian và bàn tay, khối óc con người đã kiến tạo nên một đô thị Sài Gòn độc đáo ra sao, cho đến ngày hôm nay cũng chính đôi tay và lòng người đã đặt Sài Gòn vào thực tại phải đối diện thế nào…

Sài Gòn có chiều sâu trong lòng một anh bạn tha hương mấy chục năm gặp lại, Sài Gòn còn là căn gác trọ trong hẻm nhỏ “không số không sẹc” trở thành nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng đứa cháu nhỏ những năm dài du học…

Và Sài Gòn còn lắng sâu hơn, thổn thức nhiều hơn, hoài niệm dai dẳng hơn, trong tâm sự của biết bao thân phận…

Và trong tâm sự của chính tác giả nữa. Không ai khác hơn, chính ông đã gọi “Sài Gòn – quy hoạch là di sản”, bởi ông đã tìm và thấu hiểu rằng: “Cha ông ta khi xây dựng bất cứ công trình kiến trúc, đô thị, khu phố, lăng tẩm nào cũng chú trọng đến cảnh quan, thế đất, thiên nhiên trong môi trường.

Bởi vậy, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị TP.HCM phải quan tâm bảo vệ cả một quần thể, hay nói đúng hơn là bảo vệ quy hoạch đã được định hình thành ký ức, kỷ niệm, hồn đô thị của các thế hệ cư dân đã dày công vun đắp qua nhiều biến cố của lịch sử, nó không chỉ là từng công trình hay điểm tuyến đơn lẻ”.

Và trong từng câu chuyện của Sài Gòn trong tập sách lần này, người ta còn nhận ra một thông điệp ngầm nơi tác giả. Có cái gì như nuối tiếc cho việc quy hoạch đô thị Sài Gòn hôm nay, bởi từ 20 năm trước lẽ ra Sài Gòn đã hiện thực hóa các ý tưởng về xây dựng đô thị vệ tinh để đón đầu giải quyết vấn đề di dân cơ học, hay khai thác lợi thế kênh rạch để xây dựng các tuyến đường thủy nội đô vừa tạo bản sắc đô thị sông nước vừa thoát nạn ngập nặng như bây giờ…

Nhưng khí chất Sài Gòn không phải là nuối tiếc và than vãn, hàng loạt vấn đề đô thị Sài Gòn cũng được tác giả nêu ý kiến giải pháp một cách trách nhiệm và xác đáng: kẹt xe, công nghiệp hóa hợp lý, ứng xử với cây xanh, xây dựng thành phố chuyên đề…

Sài Gòn trăm bước, và sẽ còn dài bất tận trong lòng công chúng mai sau.

Tác giả còn dành một phần nội dung giới thiệu trích ngang các công trình kiến trúc đặc biệt của Sài Gòn như một cẩm nang phục vụ du khách đến với Sài Gòn.

Đó là các di sản hành chính văn hóa Sài Gòn, khách sạn xưa, nhà thờ, đền chùa, đình – lăng mộ, chợ, bảo tàng, bệnh viện, cả những cây cầu và lễ hội, các chế độ giáo dục từng hiện diện và những công viên còn hoạt động…

Lam Điền
Theo Tuổi Trẻ Online

Cùng chuyên mục