Rồi vài ba năm sau…

Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), hình ảnh hai mẹ con bà Dy, nhiều khi khiến lòng người thắt lại, và hẳn là sẽ khó quên nếu đã được chứng kiến.

Ở Hội An, dễ dàng bắt gặp anh Tùng trên phố
Ở Hội An, dễ dàng bắt gặp anh Tùng trên phố

Khoảng trời của mẹ và con

Bà Dy, họ tên đầy đủ là Ngô Thị Dy, 85 tuổi, bắt đầu ngày mới của mình gần giống như những bà mẹ… bỉm sữa. Có điều, những bà mẹ bỉm sữa chăm sóc cho đứa con bé bỏng vài tháng, hay vài năm tuổi; còn bà Dy, là chăm sóc cho “đứa con” trai đã bước sang tuổi 60.

Con trai của bà Dy, là Trần Thanh Tùng, là người con thứ 5 mà bà đã hạ sinh. Trong 8 người con của vợ chồng bà, thì Tùng là người kém may mắn nhất từ lúc chào đời. “Nó bị nhiễm chất độc màu da cam” – bà Dy nhẹ giọng. Chất độc màu da cam đã không làm khuyết đi bộ phận nào trên cơ thể Tùng, nhưng nó khiến đầu óc anh không thể ở trạng thái bình thường.

Bữa sáng bên An Hội, nhìn Tùng ngây dại xô ngã chiếc đạp của ai đó đang dựng, rồi khẽ chút giật mình, rồi khẽ chút sợ khi nghe tiếng la, mà thương. “La thì la rứa thôi, chớ ai lại trách Tùng” – người đàn ông trong căn nhà có chiếc xe Tùng vừa xổ ngã, tâm sự.

Sau khi vệ sinh và cho Tùng ăn sáng xong, quãng trời buổi sáng của hai mẹ con bà Dy dường như tách biệt ra. Tùng ngẩn ngơ lang thang khắp không gian phố cổ. Khuôn mặt anh hiền khô, không dấu hiệu nghĩ suy. Lặng lẽ dõi theo, thi thoảng gặp anh cười, vì thấy những cảnh ngộ nghĩnh trên phố.

Nhưng dù có đi đâu thì đi, lang thang ngóc ngách nào thì lang thang, hễ đến tầm khoảng 10g 30, là anh đi về hướng chợ Hội An. Bởi anh biết, ở đó có mẹ anh.

Bà Dy đến chợ, khi thi bán buôn mấy thứ lặt vặt, khi thì mua đồ ăn cho bữa cơm, hoặc là cả hai. Từ quãng thời gian ấy, từ bến đò ở đường Bạch Đằng, dáng hai mẹ con xiêu vẹo trở về nhà. Mười lần như một, bà Dy luôn là người đi trước với lỉnh kỉnh đồ đạc trong giỏ nhựa, còn Tùng là người lẽo đẽo theo sau.

Hơn 50 năm qua, bà Dy mỗi ngày đều chạy theo đút cơm cho con bà
Hơn 50 năm qua, bà Dy mỗi ngày đều chạy theo đút cơm cho con bà

Tôi không cần thiết phải hối thúc nó về, nó tự biết đi theo về mà” – bà Dy giải thích, khi tôi hỏi sao bà không dắt Tùng về. Nhưng gần đến nơi, thì chỉ có bà Dy rẽ vào hẻm để về nhà, còn Tùng thì không, anh đi đi lại lại, quẩn quanh khu An Hội.

Đó là lúc bà Dy tất tả lo bữa cơm trưa, Tùng dường như hiểu điều đó, nên anh không đi xa như hồi ban sáng, để chờ cơm của mẹ. Cũng phải nói thêm rằng, trước đây vài năm, Hội An còn có một người giống Tùng, người này tên Ôn, hay được các bậc phụ huynh đem ra dọa con nít để chúng ngoan ngoãn nghe lời.

Khi ông Ôn mất đi, không ít người đã nhầm ông Ôn với Tùng và tất nhiên, họ vẫn đem hình ảnh ấy ra để “thị uy” con nít. “Biết là họ không có ác ý gì, nhưng lâu lâu vẫn thấy tủi cho con mình” – bà Dy chia sẻ.

Mẹ già chạy đút cơm con

Đâu chừng 11g hơn, từ trong con hẻm nhỏ ở An Hội, thấy bà Dy đi ra, trên tay cầm tô cơm với ít rau thịt. Tùng đang ngồi trên vệ cỏ gần đó, ngoan ngoãn há miệng khi mẹ đút muỗng cơm đầu tiên.

Hắn mà lúc mô cũng như ri thì khỏe” – bà Dy buột miệng. Và khi tôi đang chưa hiểu điều gì, thì Tùng bật dậy, bỏ đi. Bà Dy cũng liền bật dậy, theo sau Tùng, trước khi với lại cho tôi câu này: “Đó, cứ mỗi lần ăn là phải chạy theo đút cơm rứa đó”.

Nhìn cảnh bà Dy chạy theo đút cơm cho con trai mình, mà tôi nhớ cảnh chị hai chạy theo đút cơm cho cháu mình. Có điều, đó là hình ảnh bình thường. Còn với hình ảnh của bà mẹ 85 tuổi và “đứa con” trai 60 tuổi như bà Dy và Tùng, thì nặng trĩu nghĩ suy.

Đó là những hình ảnh mà chúng tôi đã quá quen. Nhiều khi, du khách thắc mắc, chúng tôi giải thích, họ hiểu và bày tỏ sự sẻ chia với những khó nhọc mà bà Dy đang phải giải quyết” – anh Đạt, hàng xóm của bà Dy kể.

Tôi đảo mắt tìm, thì thấy bóng dáng hai mẹ con bà Dy ở tận đầu bên kia cầu An Hội. Vừa bắt kịp, bà Dy kể nghe: “Như ri là đỡ đó, chớ có bữa nó chạy tuốt xuống dưới chợ tề”. Rồi quay sang làm động tác, biểu cảm để “dụ” Tùng há miệng đón lấy muỗng cơm.

Hôm ấy, phải mất gần cả tiếng đồng hồ như vậy, bà Dy mới cho Tùng ăn hết tô cơm được. Sau khi cho Tùng uống nước, bà tất tả trở ngược về nhà “để chuẩn bị ít đồ”, còn Tùng thì ở lại phố, ngẩn ngơ với những nghĩ suy của riêng mình.

Bà Dy lo cho con trai nếu không còn có bà chăm sóc
Bà Dy lo cho con trai nếu không còn có bà chăm sóc

“Để chuẩn bị ít đồ” mà bà Dy nói, là ít hoa đăng hay đồ đạc để mang lên thuyền. Bà Dy kiếm sống bằng nghề chèo thuyền chở khách trên sông Hoài, cũng đã mấy chục năm rồi. “Nhưng nay tuổi cao rồi, nên chèo thuyền ít đi, mà chủ yếu là bán hoa đăng cho khách thả thôi” – bà Dy thêm vào.

Nhưng bây giờ, người bán hoa đăng ở Hội An, có khá nhiều, nên công việc của bà không còn suôn sẻ như trước nữa. “Nhưng biết răng được, trời cho chỉ có rứa. Đừng có ốm đau, bệnh tật để còn đi bán kiếm mấy đồng, còn có sức khỏe chạy đi đút cơm cho thằng Tùng là mừng rồi” – giọng bà Dy lơi đi, nhưng nặng trĩu suy tư.

Tôi bỗng nhớ những ca từ trong bài “Cõng mẹ đi chơi” của nhạc sĩ Quế Sơn, rơi vào đúng mấy chữ “rồi vài bA năm sau…” mà giật mình thảng thốt lo cho bà Dy. Rằng rồi vài ba năm sau nữa, khi sức già của bà ngày càng kiệt đi, hoặc xấu hơn, thì Tùng sẽ ra sao? “Đó là nỗi lo duy nhất của tôi đó…” – bà Dy nhìn ra bến sông, giọng chùng hẳn.

Bài: An Vĩnh

Ảnh: Đỗ Vũ

Cùng chuyên mục