Tính cách người Quảng trong ca dao xứ Quảng (kỳ 2)

2. Lạc quan, yêu đời, tự hào về quê hương đất nước

Có thể nói tinh thần lạc quan, yêu đời tạo nên sức mạnh phi thường cho con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều này đặc biệt đúng với người Quảng – những cư dân sống trên vùng đất cằn cỗi quanh năm lũ lụt, mưa nắng, bão gió thất thường. Họ đã và đang mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách của thiên nhiên và ngoại xâm là nhờ một phần rất lớn vào sự lạc quan, yêu đời luôn chất chứa trong tâm hồn họ.

“Vốn xưa anh ở trên trời,

Đứt dây rơi xuống mới làm người trần gian.

Vốn xưa anh vẫn đi hàn,

Nồi đồng mâm rách, ai muốn hàn đem ra.

Anh hàn từ nồi bảy tới nồi ba,

Con gái mười tám đem ra anh cũng hàn.

Cô này to lỗ tốn than,

Đồng đâu mà đổ cho tràn lỗ ni.

Hết đồng anh lại pha chì,

Anh hàn chín tháng thì làm gì không có thai.

Sinh ra được thằng con trai,

Về sau nối nghiệp gặp ai nó cũng hàn”.

Những câu ca dao về anh thợ hàn nói riêng và người Quảng nói chung đầy lạc quan, vui vẻ và hài hước. Người đọc thực sự bất ngờ và đầy thú vị ngay từ những câu đầu tiên, giới thiệu về thân thế người thợ hàn “Vốn xưa anh ở trên trời/ Đứt dây rơi xuống mới làm người trần gian”. Đây chỉ có thể là kiểu suy nghĩ và diễn đạt của những tâm hồn vui vẻ, trẻ trung, yêu đời. Các động từ “đứt dây”, “rơi xuống” được đặt liền kề nhau càng tăng tính hài hước và bất ngờ. Người đọc mà nhất là người đọc không phải ở xứ Quảng thì thật sự bị cuốn hút vào công việc của anh thợ hàn: “Nồi đồng mâm rách, ai muốn hàn đem ra/ Anh hàn từ nồi bảy tới nồi ba” để rồi bất ngờ bật cười đến mức không thể ngừng lại được với câu nói đầy hài hước tinh nghịch và táo bạo: “Con gái mười tám mang ra anh cũng hàn”. Sở dĩ, người đọc không thể ngưng tiếng cười là vì các hình ảnh mang tính ám thị đầy hài hước liên tục được đưa ra: “Cô này to lỗ tốn than/ Đồng đâu mà đổ cho tràn lỗ ni/ Hết đồng anh lại pha chì/ Anh hàn chín tháng thì làm gì không có thai”. Đỉnh điểm của bản tính lạc quan, vui vẻ, yêu đời, hài hước và dí dỏm của người Quảng được kết tinh ở câu cuối: “Sinh ra được thằng con trai/ Về sau nối nghiệp gặp ai nó cũng hàn”. Đặc biệt, là chữ “hàn” không còn là một động từ chỉ hoạt động mà trở thành một động từ ám thị, người đọc không cần phải ngẫm nghĩ cũng có thể hiểu ngay ra được ý đồ hài hước và tinh nghịch của dân gian.

“Những người thở ngắn than dài

Nghĩ đời sầu khổ, hơn ai bao giờ”!

Vốn có bản chất lạc quan, vui tươi, yêu đời luôn tin tưởng vào cuộc sống, người Quảng không thích những người u buồn, thiếu niềm tin, ghét những người hay than thở, yếu đuối trước cuộc sống. Muốn vượt lên và thành công trong cuộc sống con người cần nghị lực, trí tuệ, cần cù, chịu khó, kiên cường… nhưng không thể thiếu được bản chất lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Nếu không có được hoặc đánh mất điều đó, con người sẽ lún sâu vào vũng lầy sầu khổ, đau thương. Bên cạnh bản chất lạc quan, yêu đời, người Quảng từ ngàn xưa cho đến nay còn luôn tự hào về quê hương nói riêng và truyền thống dân tộc nói chung.

“Quảng Nam là đất quê mình,

Núi đồi, sông biển rành rành từ lâu.

Thương yêu đùm bọc trước sau,

Cùng trong Đại Việt chung nhau cơ đồ”.

Niềm tự hào về đất và người xứ Quảng luôn được đặt trong mối quan hệ biện chứng với đất nước như mẹ với con, như máu với thịt. Đây cũng là một điểm sáng trong tâm hồn người Quảng. Đó là tinh thần đại đồng, bác ái, đoàn kết, không phân biệt vùng miền. Trên cơ sở đó, người Quảng cũng ý thức cao độ về địa giới của mình trong mối quan hệ ân tình với các tỉnh anh em. “Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân/ Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong/ Tây thì giáp bến sông Bung/ Rừng cao rừng thấp, mấy tầng núi xanh/ Đông thì biển rộng thênh thênh/ Đất đai trăm dặm rành rành như ghi”. Trong phạm vi này, người Quảng luôn tự hào về quê hương mình.

“Đá than thì ở Nông Sơn
Bông Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
Thanh Châu buôn bán nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía tre Đa Hòa
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng”.

Mặc dù là một vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt nhưng người Quảng vẫn đầy tự hào về các sản vật, nghề và làng nghề của quê hương mình như: “vàng”, “chè”, “mía”, “bông”, “ngói Thanh Hà”, “mộc Kim Bồng”, “rừng Ô Gia”, “đúc Phước Kiều”, “Lụa Duy Xuyên”… Trong sách Loại Ngữ, Lê Quý Đôn viết: “Các núi ở phủ Thăng Bình đều có sản xuất vàng… Ở đảo Đại Chiêm có yến, ở nguồn Thu Bồn có quế, huyện Diên Phước có được thạch khối, đường băng hoa, đường đen, đường mật… Ở nguồn Ô Gia có sáp ong, tại nguồn Chiêm Đàn có mật ong… Lại có danh mộc rất nhiều, hải sản cũng lắm” (Dẫn theo Nguyễn Chí Trung, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 82).)

“Điện Bàn gạo trắng nước trong,

Hễ ai đến đó thì không mong về.

Một mai mai một có về,

Tay bồng tay bế, đề huề thất gia”.

Với những sản vật từ thiên nhiên và bàn tay khối óc con người tạo ra, người Quảng luôn tự hào và tự tin mà khẳng định với mọi người rằng đây là vùng đất không chỉ nuôi sống mà còn là nơi hấp dẫn để mọi người có thể gắn bó cả đời và xây dựng gia đình, sự nghiệp đề huề, sung túc.

“Học trò trong Quảng ra thi,

Mấy cô gái Huế chân đi không đành.

Võ Huy, Võ Uất, Võ Hoành,

Quảng Nam ba Võ kinh thành đều ghê”.

Tự hào về quê hương bao nhiêu, họ càng hãnh diện về con người xứ Quảng bấy nhiêu. Những chàng trai xứ Quảng hiền lành, chất phác, chăm chỉ, phong trần đi đến bất cứ nơi đâu cũng làm mê đắm tâm hồn người. Những con người kiệt xuất như: Võ Huy, Võ Uất, Võ Hoành không chỉ có danh tiếng và được nhiều người ở kinh thành nể trọng mà còn có phạm vi ảnh hưởng sâu sắc trên cả nước. Đất Quảng còn là nơi sinh ra “Ngũ phụng tề phi” và nhiều danh nhân kiệt xuất. “Nói đến xứ Quảng – Quảng Nam, người đọc sử – hậu thế không khỏi ngưỡng mộ về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”; nơi yết hầu quan trọng đối với công cuộc Nam tiến mở mang, phát triển đất nước của dân tộc Việt của các chúa Nguyễn đằng trong và các vua triều Nguyễn; nơi sinh ra nhiều danh nhân chí sĩ yêu nước của dân tộc: Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Châu Thượng Văn, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài; quê hương của Ngũ phụng tề phi, tiến sĩ Phạm Tuấn, tiến sĩ Phạm Liệu, tiến sĩ Phan Quang, phó bảng Dương Hiển Tiến, phó bảng Ngô Lý (Ngô Chuẩn) …; Rồi Quảng Nam của chiến khu Nam Ngãi nổi tiếng đánh Pháp năm xưa, cho đến những năm tháng “Trung, dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”” (Nguyễn Chí Trung, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 79)…

“Khi mô vật đổi sao dời,

Đất Quảng Nam hết nước mới hết người tài hoa”.

Ở bất cứ thời kỳ nào, đất Quảng cũng là nơi sinh ra biết bao người tài hoa, kiệt xuất. Người Quảng luôn tự hào: cho đến khi nào trái đất vẫn còn tồn tại, sự sống vẫn cứ sinh sôi thì đất Quảng vẫn còn nhiều người tài hoa. Tự hào về quê hương, đất nước mình, người Quảng luôn biến nó thành những hành động thiết thực. Đúng như bản chất trọng tình nghĩa, thật thà, ngay thẳng, nói ít, làm nhiều…

“Nương dâu xanh thắm quê mình,

Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha.

Con tằm dệt kén cho ta,

Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời.

Tiền dư thì bớt ăn quà,

Để may chiếc áo gửi ra chiến trường.

Áo dư chớ chất đầy rương,

Nỡ quên chiến sĩ gió sương lạnh lùng”.

Những con người cần cù, thật thà, chất phác, tiết kiệm chỉ có thể là những người hiền từ, yêu hòa bình, yên ổn để ngày đêm miệt mài trên mảnh đất quê mình, chăm sóc cho “nương dâu xanh thắm”, nong tằm nhả tơ, dệt nên tấm lụa cho đời no ấm, an vui. Nhọc nhằn, khó khăn và tiết kiệm từng hạt bắp, ngọn rau nhưng vì trách nhiệm với quê hương đất nước khi bị giặc cướp bóc, không cần phải ai nhắc nhở, không cần ai kêu gọi. Đàn ông – trai tráng tự nguyện băng mình vào nơi lửa đạn nguy hiểm nhất để chiến đấu bảo vệ đất đai, mồ mả và truyền thống cha ông mình. Phụ nữ ở nhà đã tần tảo sớm hôm lại càng cố gắng nhiều hơn nữa để vừa thay chồng làm ra hạt bắp, củ khoai nuôi dưỡng mẹ già – con thơ vừa góp một phần gửi ra chiến trường. “Chỉ có những con người với những tình cảm sâu đậm, nặng nghĩa, nặng tình, thủy chung, son sắt như thế mới dành cho cách mạng một sự cống hiến lớn lao và cao cả đến vậy, là biểu hiện cụ thể về tính chất kiên cường và thái độ yêu ghét rõ ràng của người dân xứ Quảng” (Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 211).

“Con ơi nín ngủ đi con,

Cha con trả nợ nước non chưa về.

Đau thương chồng chất tràn trề,

Vì quân gian ác bội thề nước non.

Thương chồng mẹ giữ lòng son,

Thủy chung sắt đá không mòn thời gian”.

Đôi vai gầy guộc mong manh của người phụ nữ xứ Quảng cùng một lúc phải đảm nhận hai gánh nặng. Một là của chính mình từ bao đời nay vẫn thế, hai là của người chồng đã từ giã gia đình lên đường đi cứu nước. Không chỉ nỗi cực khổ, vất vả tăng lên gấp ba lần mà họ còn phải gánh chịu bao đau thương vì sự dã man, tàn ác, bất lương của quân cướp nước và bán nước. Dẫu có bị đọa đày đến tột cùng nỗi thương đau, họ vẫn giữ trọn tấm lòng son sắt, thủy chung bởi tinh thần lạc quan, yêu đời, tự hào về quê hương đất nước luôn chất chứa trong tâm hồn.

3. Trọng tình nghĩa, thủy chung, tin tưởng vào tương lai và chính mình

Điều đặc biệt và thú vị nhất của các nhà khoa học khi nghiên cứu về văn hóa, văn học xứ Quảng là mặc dù luôn sống trong cảnh cực khổ, thiếu thốn, đói rách quanh năm nhưng người Quảng lại rất coi trọng tình nghĩa, tin tưởng vào tương lai và chính mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn ghi nhận “Cuộc đời của người dân vùng cát Quảng Nam khổ nhiều hơn sướng, đói khát nhiều hơn no đủ, nhưng tấm lòng của họ vẫn tràn đầy nghĩa tình và vẫn tin vào ngày mai. Điều ấy quả thật là một sự kỳ diệu” (Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, 2001, tr 42).

“Nghèo tiền, nghèo của không nghèo,

Nghèo nhơn, nghèo nghĩa oán theo có ngày”.

Ở đâu có người Quảng, ở đó có “sự kỳ diệu” này. Mặc dù sống trên mảnh đất “chưa mưa đã thấm”, chưa nắng đã cháy da, quanh năm vất vả, đói, rách nhưng chưa bao giờ họ coi việc thiếu thốn về mặt vật chất “tiền”, “của” là “nghèo”. Cái nghèo thực sự chỉ đến khi thiếu đi cái “nhơn”, cái “nghĩa”. Đây là thứ cốt yếu, quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống của họ. Có “nhơn”, có “nghĩa” con người trở nên giàu có, thanh tao, đáng kính, đáng nể. Đây vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là triết lý sống cao đẹp của người Quảng. Nó có vai trò bảo vệ và duy trì đời sống con người, và hướng dẫn dư luận xã hội… Nếu thiếu đi cái “nghĩa”, cái “nhân” thì toàn bộ nhân cách, đạo đức, các mối quan hệ, đời sống của con người và xã hội sẽ bị dồn vào thế chênh vênh như đứng một chân trên bờ vực thẳm… Vì thế, người Quảng luôn nhắc nhở con cháu và tự nhủ chính mình bằng bài học giản dị.

“Làm người phải nhớ cha ông,

Như cây có cội như sông có nguồn.

Bà con vì tổ vì tiên,

Không phải vì tiền, vì gạo người dưng”.

Bài học làm người đầu tiên và đơn giản nhất là phải nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha ông, phải biết tổ tiên, cội nguồn của mình. Tôi chưa bao giờ được thấy ở bất cứ nơi đâu mỗi khi có giỗ quãy, hậu mã… mà con cháu cả nội lẫn ngoại dù đang công tác, sinh sống hay làm ăn ở bất cứ nơi đâu cũng bằng mọi cách sắp xếp công việc, tranh thủ thời gian về với ông bà, tổ tiên, họ, tộc một cách đầy đủ, đông vui, ân tình và đầy trách nhiệm như ở xứ Quảng. Trân trọng tình nghĩa gia đình, làng xóm, bà con, dòng họ… đã trở thành sợi dây liên kết, thành ánh sáng soi đường, thành lời thầm thì kêu gọi người Quảng trở về với ân tình xứ Quảng. Phương châm sống cao đẹp: “Bà con vì tổ vì tiên/ Không phải vì tiền, vì gạo người dưng” đã tạo nên tính cách, nét đẹp tâm hồn của người Quảng. Dù có phải vất vả mưu sinh ở bất cứ nơi đâu, họ vẫn ngày đêm hướng về quê hương, về gia đình, người thân và bà con lối xóm.

“Ngó lên Hòn Kẽm, Ðá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ, quá chừng bậu ơi,
Chiều chiều, ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”.

“Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Lòng ta thương bạn, nước mắt và trộn cơm”.

Quê hương nơi xa ấy là “Hòn Kẽm”, “Đá Dừng” quanh năm mây phủ, là “Sơn Trà” âm vang tiếng sóng… Ở đó, có cha, có mẹ, có anh, chị em, có cô gái nhà bên thuở nhỏ tắm mưa mà ta thương thầm nhớ vụng, có những người hàng xóm thật thà, mộc mạc nhưng ân tình “tối lửa, tắt đèn có nhau”… Tất cả luôn hiện hữu trong tâm hồn, trong suy nghĩ làm cho nỗi nhớ của ta luôn cháy bỏng, làm cho tình nghĩa trong ta càng nhiều đến mức “ruột đau chín chiều”. Vì thế, dẫu cho:

“Cuộc đời lắm lúc đổi thay,

Nhưng tình quê chẳng đổi thay bao giờ.

Cẩm An xinh đẹp như thơ,

Có dòng sông nhỏ bên bờ dừa xanh”.

Trọng tình nghĩa là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi biến cố của cuộc đời, lịch sử và xã hội để sống thủy chung, son sắt, vẹn toàn.

“Bao giờ Cầu Mống gãy đôi,
Sông Thu hết nước, em mới thôi thương chàng”.

“Bao giờ con sóng bỏ ghềnh

Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”

Dùng cái khách quan để nói cái chủ quan, lấy cái vô hạn để diễn tả cái hữu hạn là một biện pháp vô cùng sáng suốt, hiệu quả và biểu cảm cao của dân gian xứ Quảng. Dùng các danh – động từ chỉ thực thể khách quan tồn tại vĩnh hằng và vô hạn: “sông Thu hết nước”, “con sóng bỏ ghềnh”, “Cù lao bỏ biển”… để bất tử hóa, vĩnh hằng hóa tình yêu đôi lứa thì đúng là một tuyệt chiêu trong nghệ thuật diễn đạt. Chưa bao giờ lòng thủy chung, tình yêu son sắt của con người lại được thể hiện một cách tinh vi, điêu luyện và sống động đến như vậy.

“Trăm năm lòng gắn dạ ghi,

Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không.

Trăm năm một gánh non sông,

Dầu ai xe ngựa cũng không đổi dời”.

Bản chất thủy chung của người Quảng được thể hiện trong mọi phương diện cuộc sống. Thủy chung trong tình yêu đôi lứa, tình cảm quê hương, xóm làng. Thủy chung với đất nước, với dân tộc… Cha ông ta thường nói “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn trong tâm hồn người Quảng “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say/ Thương nhau chưa đặng mấy ngày/ Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi”. Dù chung sống, ăn ở với nhau chỉ một ngày hay đơn giản chỉ là một lời hẹn ước thì người Quảng không thể nào quên được. Dẫu có bao cám dỗ: “đem bạc đổi chì”, “xe ngựa” thậm chí là cái chết cũng không thể nào làm cho họ thay đổi vì “Trăm năm lòng gắn dạ ghi”. Tính cách trọng tình nghĩa, son sắc, thủy chung của người Quảng luôn đi đôi với sự tin tưởng vào tương lai và chính mình.

“Đừng buồn gặp buổi trắng tay,

Đi mua gạo chịu có ngày ngựa xe”.

Lúc rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, tưởng như con người sẽ mất hết nghị lực và niềm tin, cũng chính là lúc niềm hi vọng vào tương lai của người Quảng phát sáng, vực họ đứng lên, vượt qua “buổi trắng tay”, đối mặt và chống lại bi kịch bằng cách “đi mua gạo chịu” để nhìn thẳng và tiến về tương lai với lòng quả quyết “có ngày ngựa xe”. Để điều đó dần trở thành hiện thực, tự bản thân mỗi con người phải nỗ lực chiến đấu và chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. “Tin vào chính mình, tin vào sức lao động cần cù của mình, đó là một triết lý sống giản dị, chơn chất nhưng vô cùng thực tiễn” (Nguyễn Văn Bổn, Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, Tr 53).

“Chớ nên trông đợi ở trời,

Hãy tin vào sức con người sớm trưa”.

Sinh ra đã thấy cát trắng hoang vu, mưa rát mặt, nắng phơi nâu dáng người, chưa quen với con chữ đã quen với việc nhà, việc đồng áng, người Quảng tự ý thức được rằng chỉ có mình mới giúp được chính mình và mình chỉ có thể trông đợi vào chính mình mà thôi. Trông đợi vào người khác là một điều ngu xuẩn vì “Muốn no thì phải chăm làm/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”, trông đợi vào trời lại càng ngu xuẩn hơn vì đó là hành động “Há miệng chờ sung rụng”. Chỉ có chính bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó của mình mới có thể đem lại cho mình miếng cơm, manh áo… Một nhà tâm lý học đã nói rằng: Niềm tin là thứ quý giá nhất trong số tài sản ít ỏi mà không phải ai cũng có được. Có niềm tin sẽ dần có được những thứ khác, thậm chí là có tất cả. Không có niềm tin, những thứ đã có sẽ biến mất và không bao giờ có thêm bất cứ thứ gì. Nhờ có niềm tin vào tương lai, tin tưởng vào chính mình mà bao đời nay người Quảng luôn nổi tiếng là những người kiệt xuất hơn hẳn, trung dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo… trong mọi mặt đời sống, xã hội mà nhất là trong lao động và chiến đấu chống ngoại xâm.

Còn tiếp…

Nguyễn Thanh Tuấn

Theo vannghedanang

Cùng chuyên mục