Quê ta có cái… chợ Cồn
Ông bảo vệ ngay cổng chợ nói: “Chủ yếu bán sỉ nớ anh, người ta đi chợ tham quan là chính”. Tám giờ rưỡi sáng, nhiều lô chưa mở cửa, rõ là chỉ chơi “lớn”, chẳng thèm bán buôn lặt vặt.
1. Tôi đi qua hàng ăn, khá đông khách. Nam thanh nữ tú, đàn ông đàn bà xì xụp ngồi ăn. Nhớ một bữa tôi nhậu ở nhà người quen, ông này nói: “Thịt heo ni tôi mua ở chợ Cồn, hàng thịt của bà Bé, bà ni bán mấy chục năm rồi, heo luôn ngon”. Đúng ngon, heo quê, miếng mô ra miếng nấy. “Lòng, muốn nhậu phải tới sớm”, ông dặn. Ôi thôi, thiên hạ bao nhiêu kẻ muốn nhậu, riêng chi tôi, sớm là khi mô chứ. Một sáng tôi chạy từ bệnh viện về, lúc đó tầm 3 giờ, ngang qua chợ, xe rau từ Hội An, Đại Lộc đổ ra, giăng kín bên phía đường Ông Ích Khiêm, gần chỗ hiệu thuốc tây Hồng Đức kéo tới ngã tư Hùng Vương – Ông Ích Khiêm. Hồi mới chia tỉnh, anh Tấn làm ở tòa soạn bổn báo mách tôi đề tài: Chợ tín chấp. Theo anh, chợ Cồn sáng sớm, kẻ bán người mua, quen mặt mấy chục năm, tiền gối đầu, nợ để đó mai trả, chẳng ai quỵt ai, toàn lương dân cả… Tôi nhớ, rồi lại nhớ cảnh báo: Vô chợ Cồn, coi chừng mấy con “hai ngón”, móc túi nhanh hơn điện. Ông nào lạ, lảng vảng thường xuyên mà không mua, cứ lấn vô chỗ mấy bà mấy cô đang mê say theo xanh đỏ tím vàng áo quần, giày dép, là cảnh giác liền. Nói chơi rứa thôi, biết ai gian ai ngay, mình thủ thân vẫn hơn.
Bà Năm nói giọng Huế, giữ xe đạp ngay hông chợ, nửa nằm nửa ngồi, ngáp dài: “Không bằng hồi xưa mô, tau làm ăn cũng không ra, chừ mấy ai đi xe đạp mà giữ. Như mi gửi cái xe đây, 2 ngàn chứ mấy”. Thêm cái xe của tôi nữa, thì của nả thu vô trong sáng nay của bà, là chiếc thứ 2, vị chi 4 ngàn đồng… “Hồi xưa được lắm”. Đó là bà tiếc, còn tôi thì nhớ. Hồi đó gọi là Trung tâm Thương nghiệp, nghe có vẻ đường lên công nghiệp hóa thênh thang, nhưng dân thì chán hàn lâm, bèn gọi như cũ cho gọn là chợ Cồn. Thời Quảng Nam – Đà Nẵng những năm bao cấp, ngăn sông cấm chợ, trăm thứ đổ về đây. Bao lần tôi theo má tôi ra đây mua thuốc tây… lậu. Nhà bà bán thuốc ngay chợ, nhưng bà không bán ở nhà, có lẽ sợ công an hốt, nên bán vải kiêm thuốc. Thuốc là từ Sài Gòn, mấy ông đi tàu viễn dương mang về.
Chợ quê tạm bợ, èo uột, ra ngó cái chợ to vật vã, tô đá rửa, mùi vải, mùi đồ ăn thơm ngát, đứa nhà quê như tôi lóa cả mắt. Mấy ai có xe máy mô. Mợ tôi bán vải, đi bộ từ đường Lê Độ tới đây. Xe đạp giữ kỹ, không thì tiêu liền. Tôi biết có một ông, giờ đã giải nghệ, nghề chính trước đây là “hai ngón”, tướng đi ẻo lả, giọng nói bán phần, nghe thằng chuyên nhậu với tôi nói ông giả gái, làm ăn ở chợ, bị công an thộp cổ, có bữa nghe ông nói với mấy bà già: “Hồi nớ chợ Cồn vui chứ mô như chừ”. Tôi có thêm ký ức muôn đời không quên. Bữa tôi từ Huế về, đói xơ rơ, tóc dài phủ gáy, ghé hàng chị dâu của cậu. Đang đi, chân đá nghe cái “reng”. Ngó xuống thấy hộp dầu cù là (cao sao vàng). Ngó trước sau không ai để ý, bèn nhét túi, bụng mừng rơn. Liền tìm chỗ vắng cạy ra, trong hộp là đồng 5 hào bằng nhôm, tức mình ném cái roảng, phì cười cho mình, nghèo nên thảm.
2. Bà Thu, hàng vải nói: “Chị bán sỉ là chính, ở đây ít đồ hàng hiệu em à, khách ở các huyện ra chơi, ghé mua, chứ hàng hiệu đắt, ai mua nổi, rồi họ dựng cửa hàng quảng cáo, vô đây làm chi. Khách mối của chị là Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình… Bán được em, quen rồi nên không đến nỗi, nhưng không bằng hồi trước”. Đồ nhôm, khí tự, nhang, trầm, đèn đuốc, ở đây la liệt. Chị Thành, một người vài bận vô đây mua, nói: “Lạ lắm, chỉ có chợ Cồn mới có hai ki ốt bán đồ cho người già là đồ bà ba, còn chỗ khác khó mà thấy. Đồ niêm yết giá, nhưng thách… cũng thuộc loại “cậu”, 500 ngàn cái áo, trả 300 cũng bán”. Thì chợ mà, thuận mua vừa bán, nói thách như chợ, chốn nào tìm thật thà, cứ tìm đi, sẽ biết.
Nếu ở Đà Nẵng, chợ Hòa Cường là một đầu mối nông sản cho thành phố, thì ở đây là đầu mối vải vóc, gia dụng cho các địa phương với sức mua vừa phải. Những chuyển động của thị trường đã phân khúc khách hàng. Chợ Hàn, khách nước ngoài nườm nượp, mua đồ hải sản khô, hàng lưu niệm; khách trong nước thì mắm là đối tượng đầu tiên nhắm tới. Tôi lội trong chợ, chú ý ngó chứ không thì đụng mấy bà đang ngồi thử trái cây. Dù ngăn nắp, bảng biển, thêm nhiều cảnh báo về cháy nổ, không hút thuốc, nhưng sao vẫn thấy nó như chợ quê. Mùi chợ quê đượm, có lẽ do cách ăn vận của khách. Cha con vợ chồng, giọng xứ mình đặc sệt, dắt nhau đi ngó nghiêng, hỏi han, trả giá. “Nó là chợ trung tâm của thành phố”, một người khẳng định.
Trung tâm chi chưa nói, nhưng rõ là nó to, gồm một dãy nhà 3 tầng, hai dãy nhà 2 tầng và 6 khu lòng chợ là nhà cấp 4. Đây là một trong những khu chợ lớn nhất Đà Nẵng. Đã có thời kỳ, chợ Cồn là chợ bán sỉ và lẻ lớn nhất của Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam. Cái tên “chợ Cồn” có từ thập niên 1940, do chợ nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên. Chợ Cồn không chỉ là một không gian mua sắm quan trọng của Đà Nẵng, nó còn ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn những người con đất Quảng. Đầu năm 1984, chợ Cồn được xây dựng với mục đích trở thành nơi buôn bán và du lịch lớn nhất miền Trung. Đúng là nó đã chiếm lĩnh ngôi vương suốt một thời kỳ dài, để bây giờ, khi chuyện mua bán trăm hoa đua nở, nó hình như đã lép vé trước vô số siêu thị, chợ ta chợ tây bùng nổ. Hàng hóa, đối tượng khách, những chọn lựa cụ thể lẫn truyền miệng đã khiến nó đong đưa.
Đó là thiên đường ẩm thực. Các trang web giới thiệu về nó không tiếc lời khi đưa ra nhận định trên. Đồ ăn ngon, giá vừa phải. “Vô đó không mua hàng sỉ, thì ăn” – chị Vũ Liên Hoa, quê Đại Minh nói khi ra tìm hàng nhôm nhựa về bán.
3. Với người Quảng Nam – Đà Nẵng, chợ Cồn đâu chỉ là ký ức. Thuở đó, đi chợ Cồn mua đồ, oách lắm. Đứng ở sân trước chợ nơi giao cắt Ông Ích Khiêm – Hùng Vương, ngó qua bên kia là siêu thị Big C. Thời buổi cạnh tranh, không vô chỗ này thì ghé chỗ kia. Phải có thêm ngọn núi nữa để biết núi này cao hay thấp. Ý nghĩ đó đến trong tôi khi tiếng loa cát sét xập sình. Ai muốn mua máy cát sét một thuở, cứ ra đây, còn đó. Bây giờ, nhìn chi cũng mau ngán. Xã hội tiêu thụ nó nuốt chửng ý nghĩ mình rồi dán suy tư khác vào mà mình đâu có hay.
Tôi vẫn loay hoay thêm trong ý nghĩ, một cái chợ hoành tráng nhất miền Trung, giờ dù cái thân vẫn y nguyên thế, nhưng nó nhôm nhoam, vẻ bụi bụi chẳng còn bắt mắt nữa. Đem nó sánh với chợ Đông Ba, Bến Thành, như là biểu trưng thương hiệu mua sắm của một vùng đất, thì đó là chuyện của ngày đó. Người ta đã mê mải chạy đâu đó mà không chịu thay đổi để biến nó vẫn là giấc mơ có thực. “Không phải, nó vẫn là nó, nhưng sự đầu tư mang tính chắp vá đã khiến nó không đuổi kịp người ta. Theo mình, hãy thực sự biến nó thành chỗ ẩm thực đúng gu dân Quảng vừa ngon, vừa sạch sẽ, vừa dân dã mà hiện đại, văn minh, mình đừng có đua tùm lum, cứ nắm át chủ bài đó, sẽ thắng” – anh Phước, một nhà báo chuyên theo dõi mảng thị trường của một tờ báo ở đây, phân tích. Anh nói thêm: “Ông vào đó mùa ni, tầm 9 – 10 giờ sáng, ông sẽ biết vì sao khách ít đến mua sắm lẻ”.
Tôi từ chợ quay ra lúc 9 giờ rưỡi, mồ hôi ướt đẫm. Vậy tôi biết rồi, chợ Cồn bí bách, nóng khủng khiếp, hèn chi ở thời buổi cửa kính, máy lạnh sáng choang thơm tho mát mẻ này, nó bị tụt hạng…
Phóng sự của Trung Việt
Theo Quảng Nam Online