Quê hương trong lòng người xứ Quảng
Ai cũng có một nơi để nhớ, để thương. Ai cũng có một miền quê với bao kỉ niệm êm đềm thuở ấu thơ. Ai cũng có trong tim mình một hình bóng quê nhà mà mỗi khi đi xa ta đều thổn thức nỗi nhớ mong. Nỗi niềm của một người con xa quê khó ai có thể nói thành lời. Mỗi chúng ta bất cứ ai khi bắt gặp những lời tâm tình trong lời thơ của tác giả Dương Quang Anh đều xốn xang một nỗi niềm khi nghĩ đến quê hương.
Quê hương- không hiểu bao giờ hai tiếng ấy đã trở nên thân thuộc đối với tôi từ thuở bé. Ngay từ những ngày chập chững đến trường tôi đã được cô giáo dạy hai tiếng “quê hương” nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi quê hương là gì? Chỉ biết rằng ở nơi ấy có cánh cò bay rập rờn trên cánh đồng lúa chín, có tiếng trở mình của rặng tre đầu làng, có tiếng chèo thuyền của ai ngoài ven sông,… Nơi ấy là nơi tôi đã lớn lên từ lời ru ngọt ngào của mẹ mỗi khi đêm về, là giọng kể ấm áp của bà mỗi trưa hè oi ả, nơi ấy tôi có thể nhìn thấy bàn tay rám nắng của cha, dáng lưng còng của những người dân lam lũ nơi miền quê nghèo. Vì thế mà hai tiếng quê hương ngân lên trong tôi thật bình dị và gần gũi. Có lẽ cũng bắt nguồn từ những tình cảm chân thành tha thiết dành cho quê nên nhà thơ Dương Quang Anh mới viết nên những vần thơ giàu cảm xúc đến thế chăng?
Bài thơ mở đầu bằng một lời hỏi nhẹ nhàng kèm với một lời thông báo:
“Em ra không mai anh về đất Quảng
Trời miền Nam giáp Tết quá nôn nao”
Trong những ngày giáp Tết, ở một nơi xa xôi, trong lòng con người ta thường trào dâng những cảm xúc bồi hồi, nôn nao khi nghĩ về quê hương. Chính cảm thức không gian, thời gian đó đã làm cho khổ thơ đầu nhuốm màu tâm trạng và dậy lên một nỗi khát thèm: “Thèm chi mô một chén rượu hồng đào”. Mỗi một người con xứ Quảng khi đọc được lời thơ này không ai không nhớ đến câu ca:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”
Có lẽ người ta say xứ Quảng bởi hương vị nồng nàn, mặn mà của nó như chính lòng người dân nơi đây. Nhớ đến quê hương tác giả không chỉ nhớ đến đặc sản rượu hồng đào mà còn nhớ đến những sản vật bình dị trong gian nan, nhọc nhằn:
“Em ở biển ngon khoai trườn nổng cát
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo”
Đó đều là những hình ảnh rất thực về xứ Quảng gắn liền với cuộc sống mưu sinh của con người. Không náo nhiệt, sôi động như thành phố mang tên Bác, không phồn hoa, tráng lệ như đất Hà thành kinh kỳ, cũng không rạo rực một nhịp sống sôi động như thành phố trẻ Đà Nẵng, Quảng Nam – một vùng đất nghèo thuộc vùng duyên hải NamTrung Bộ níu giữ lòng người bởi tấm lòng đôn hậu, mặn mà của lòng người. Tuy cuộc đời lăn lộn trong sương gió nhưng người xứ Quảng chăm lao động, cần cù, lại chịu thương, chịu khó. Bởi vậy khi nhớ đến vùng quê máu thịt của mình tác giả lại nhớ về hình ảnh của người cha lam lũ:
“ Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đã thấm”
Nhớ về hình ảnh của người mẹ tảo tần:
“ Lận đận một đời quảy gánh gieo neo
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”
Khổ cực là vậy nhưng trong lòng vẫn mang một niềm tự hào về quê cha đất mẹ, vẫn gắn bó tha thiết với quê hương. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng họ luôn chia sẻ cho nhau những tình cảm chân thành bằng những sản vật mà tự tay mình làm ra:
“ Biển trên em con cá chuồn ngon lắm
Anh trên nguồn trái mít phải lòng theo”
Hai câu thơ gợi nhớ một hình ảnh lao động, sinh hoạt. Nơi ấy là quê nhà của anh và em nặng nghĩa, nặng tình. Nơi ấy đang chờ đợi những người con xa xứ quay trở về quê nhà.
Trong nỗi niềm tác giả, hình ảnh quê nhà cứ hiện về dồn dập trong lòng người xa xứ tạo nên những đợt sóng tình cảm dâng trào cuộn xoáy, bật thành một tiếng gọi giục giã: “Về thôi em bận lòng chi xứ lạ”. Dẫu “con sông kia vẫn bên lở bên bồi”, dẫu “mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi”, dẫu quê hương ta còn muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng tình quê vẫn mãi đậm đà, người Quảng Nam vẫn mãi bám đất, bám làng, thủy chung, son sắt cùng quê cha, đất tổ: “Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi”.
Hơn thế điều tác giả xốn xang nhất, mong ngóng trở về quê nhất là sự chờ đợi của mẹ cha: “ cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”. Nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo câu ca dao: “ Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng – Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Có lẽ điều mà làm trăn trở nhất mỗi khi chúng ta xa quê không chỉ là tiếng gọi quê hương mà đó chính là dáng hình cha mẹ ở quê nhà. Hình ảnh cha mẹ ngóng trông con quay về quả thực đã có sức ám ảnh rất lớn đối với người đọc đặc biệt là những người con xa xứ.
Tiếng lòng của một người con xa quê, tâm tình của một người con xứ Quảng đã được thể hiện một cách giàu cảm xúc qua những lời thơ đậm chất Quảng trong lời thơ “Về thôi em”. Bất cứ ai khi xa quê đều chứa chan một nỗi niềm khó nói nên lời bởi quê hương là nơi chôn giấu bao kỉ niệm thuở ấu thơ cũng là bến đỗ bình yên nhất cho mỗi đời người.
Chiều hôm nay những cơn mưa rào mùa Hè lại về trên đất Quảng, lặng ngắm những giọt mưa rơi bên thềm bất chợt ngân lên trong tôi lời ca: Về đây thăm Quảng Nam trong lòng tôi nghe xốn xang, núi cao như tình mẹ sông dài dài tình cha trìu mến…..
Trần Phương Anh – chuyên văn Nguyễn Bỉnh Khiêm Quảng Nam
Theo blog Dương Quang Anh
Theo hopamviet