Quảng Nam đối diện xâm nhập mặn lịch sử

Độ mặn đã đạt mức lịch sử và có nguy cơ kéo dài đến hết tháng 7, khi nguồn nước ngọt từ thượng nguồn thiếu hụt và ảnh hưởng của thủy triều đang đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của hàng ngàn héc ta lúa hè thu.

Đoàn làm việc của Tổng cục Thủy lợi khảo sát thực tế tình hình hạn hán khu vực hạ lưu Thu Bồn. Ảnh: T.C
Đoàn làm việc của Tổng cục Thủy lợi khảo sát thực tế tình hình hạn hán khu vực hạ lưu Thu Bồn. Ảnh: T.C

Hơn 100ha lúa cháy vì thiếu nước

Báo cáo mới nhất của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, diện tích tưới trong vụ hè thu là hơn 25.500ha, trong đó có hơn 24.000ha lúa, hơn 1.300ha hoa màu, còn lại là nuôi trồng thủy sản. Từ đầu tháng 6.2019 đến nay thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ cao, nước mặn xâm nhập mạnh nên công tác tưới gặp rất nhiều khó khăn. Mực nước các hồ chứa giảm thấp nhanh, việc đưa nước đến các khu ruộng cuối kênh rất khó khăn. Công ty đã tăng cường quản lý điều tiết tưới nên cơ bản đảm bảo nước tưới, đồng thời vận hành nhiều trạm bơm chống hạn cho hàng trăm héc ta lúa ở các địa bàn bị thiếu nước tưới.

Thời điểm hiện tại, nguồn nước sông Thu Bồn liên tục giảm thấp nên nước mặn xâm nhập rất mạnh, đơn vị đã thực hiện đắp đập tại Gò Nổi để ngăn nước mặn xâm nhập vào trạm bơm điện Xuyên Đông và đập dâng Duy Thành tưới cho diện tích hơn 1.400ha và đang hỗ trợ cứu hạn cho một số trạm bơm của huyện Duy Xuyên. Nước mặn xâm nhập rất mạnh trên sông Thu Bồn vào đầu sông Vĩnh Điện từ cuối tháng 6.2019 nên đơn vị đã phải thực hiện đào vét lấy nước đẩy mặn để bơm tưới nhưng đến nay nước mặn đã xâm nhập quá khốc liệt, có tính lịch sử. Trên sông Thu Bồn cách đầu sông Vĩnh Điện (Vòm Cẩm Đồng) về phía thượng lưu 2km, nồng độ mặn đã lên đến 7 phần nghìn; tại bể hút trạm bơm Vĩnh Điện đã 2 phần nghìn và với tình hình này thì diện tích tưới gần 2.000ha thuộc các trạm bơm lấy nước trên sông Vĩnh Điện đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trương Xuân Tý – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay, lưu vực Vu Gia – Thu Bồn thiếu nước ngay từ đầu vụ hè thu, nhưng nhờ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 đang còn nước đã “cứu” cho hàng nghìn héc ta lúa phía hạ lưu. “Theo số liệu quan trắc, mực nước Giao Thủy thấp nhất trong lịch sử, có lúc chỉ còn 0,3m là đạt mức thấp kỷ lục. Tình hình nhiễm mặn đã quá nghiêm trọng. Mặn xâm nhập lên tới cầu Kỳ Lam, vượt qua Cẩm Đồng 4 đến 5km. Tổ hợp các yếu tố bất lợi về thời tiết gồm nắng nóng kéo dài có khi lên đến 40 độ C, đồng bằng gần như không xảy ra mưa, trong khi chỉ có 2 trận mưa dông rất nhỏ vùng tây bắc Quảng Nam với lượng mưa không đáng kể. Chúng tôi đang phải gồng mình chống hạn cho khoảng 12.000ha lúa. Riêng Điện Bàn và Duy Xuyên chịu cả thiếu nước và xâm nhập mặn, trên 100ha lúa đã cháy do không còn nguồn bơm tưới. Năm nay cũng là năm chúng tôi tổ chức nạo vét sông nhiều nhất để giữ nước, nhưng vẫn không xử lý được tình trạng xâm nhập mặn” – ông Tý thông tin.

Khan hiếm nước đầu nguồn

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Đình Hải – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam bày tỏ sự lo lắng khi tình hình vận hành nước tưới ở nhiều địa phương lâm vào thế khó. “Thủy điện Sông Tranh 2 đã phát điện không tuân thủ quy trình của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 1.6, mực nước Sông Tranh 2 đã thấp hơn mực nước của quy trình quy định 9,6m. Ngày 1.7, Sông Tranh 2 về đích trước thời hạn, bỏ lại sau lưng 2 tháng trời dân hạ du không có nước uống, đồng khô cỏ cháy. Hiện nay rất may do A Vương đang dành một kho nước cứu cả hệ Vu Gia, Thu Bồn. Phú Ninh cũng đem nước về cứu. Lần đầu tiên trong lịch sử, mực nước hồ Phú Ninh có thể về mực nước chết khi hết mùa tưới, nhưng chúng tôi không thể không cứu, vì hiện nay không thể lấy nguồn của Thu Bồn về đập Gò Nổi nữa. Duy Sơn lúa đã cháy, 50ha lúa của Duy Vinh sẽ chết. Nhiều nơi khác cũng lâm vào tình trạng tương tự nếu thời tiết diễn biến tiếp tục cực đoan như hiện nay. Bây giờ, buộc lòng phải giữ nước, tiết kiệm nước, và phải nhờ sự hỗ trợ nước từ A Vương cùng những cơn mưa dông cứu lúa. Không còn cách nào khác” – ông Hải nói tại buổi họp.

Mới đây, khi làm việc với Tổng cục Thủy lợi về tình hình hạn hán nghiêm trọng ở hạ du Vu Gia – Thu Bồn, ý kiến này một lần nữa được ông Hải nhắc lại với đoàn làm việc. “Bây giờ chúng tôi phải vận hành theo cách “lấy nước mặn nhốt nước ngọt”, lấy đỉnh triều để nhốt nước ngọt, không để rơi rớt một giọt nước ngọt nào. Chúng tôi chấp nhận sống chung với nó, chấp nhận độ mặn 1,5 phần nghìn khi đỉnh triều, nhưng chúng tôi sẽ bơm dưới 0,8 phần nghìn khi triều lui. Mọi nỗ lực đang giúp vận hành ổn định việc điều tiết nước để cứu lúa, chưa xảy ra khô hạn nặng, nhưng kịch bản phía trước vẫn tiên lượng rất nhiều khó khăn” – ông Hải nhấn mạnh.

Trước những khó khăn hiện tại, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi – ông Nguyễn Văn Tỉnh đã đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh có cuộc họp để đánh giá tình hình hiện tại, dự báo nguồn nước, tìm kiếm giải pháp, xây dựng từng kịch bản cho việc bố trí nước phục vụ sản xuất và có thể đề xuất Bộ NN&PTNT đối với những vấn đề cấp bách. “Về lâu dài, Tổng cục Thủy lợi sẽ cùng với các viện bám sát địa bàn, nắm thông tin dự báo nguồn nước cũng như giúp các địa phương xây dựng từng kịch bản bố trí nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời phải tính đến phương án né mặn, điều chỉnh việc cân đối gieo sạ để lấy nước khi xảy ra hạn hán, tiếp đó là điều chỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để ứng phó với những diễn tiến cực đoan của biến đổi khí hậu” – ông Tỉnh nói.

Thành Công

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục