Xây dựng thương hiệu “Nước mắm Duy Hải”

Chính quyền địa phương và các chủ thể ở vùng biển Duy Hải (Duy Xuyên) đang nỗ lực tìm hướng đầu tư phù hợp để xây dựng sản phẩm nước mắm truyền thống trở thành sản phẩm OCOP.

Hiện nay, hầu hết cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Duy Hải đều chế biến theo cách thủ công truyền thống nên tính cạnh tranh không cao. Ảnh: H.N
Hiện nay, hầu hết cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Duy Hải đều chế biến theo cách thủ công truyền thống nên tính cạnh tranh không cao. Ảnh: H.N

Giữ nghề truyền thống

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Phạm Duy Trinh (thôn An Lương, xã Duy Hải), vốn nổi tiếng với nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Ông Trinh cho biết, ông gắn bó với nghề làm nước mắm đã gần 40 năm nay, dù rất vất vả nhưng nghề này cũng giúp gia đình có nguồn thu nhập tương đối khá. Theo ông Trinh, để tạo ra sản phẩm thơm ngon, chất lượng thì khâu đầu tiên là phải chọn được nguồn nguyên liệu đảm bảo. Hằng năm cơ sở của ông Trinh tập trung nhập cá cơm từ đầu tháng 2 tới cuối tháng 5 âm lịch. Bởi đây là thời điểm nguồn cá cơm nhiều nhất, chất lượng tốt nhất. “Lúc thị trường nước mắm chưa có sự cạnh tranh gay gắt như bây giờ thì mỗi năm cơ sở của tôi muối vài chục tấn cá, còn 5 năm gần đây giảm xuống hơn một nửa. Nước mắm truyền thống thơm ngon, giữ được nguyên chất nhưng người tiêu dùng ít sử dụng. Ngược lại, sản phẩm nước mắm công nghiệp đã pha các chất phụ gia như hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản lại được nhiều người lựa chọn. Nguyên nhân là sản phẩm nước mắm truyền thống có giá thành cao hơn sản phẩm nước mắm công nghiệp. Đây là vấn đề trăn trở của các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Duy Hải thời gian qua” – ông Trinh chia sẻ.

Trên địa bàn xã Duy Hải hiện có 4 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm. Bình quân mỗi tháng các cơ sở này cung ứng ra thị trường 40.000 – 50.000 lít, mang về doanh thu 700 – 900 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập khoảng 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở các huyện lân cận trong tỉnh và TP.Đà Nẵng. Ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải khẳng định, trải qua nhiều thăng trầm, nước mắm ở xã miền biển này vẫn đứng vững và có vị thế riêng trên thị trường, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Song, điều quan trọng nhất là lưu giữ, quảng bá nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của dân tộc.

Tìm hướng phát triển

Hơn 35 năm gắn bó với nghề sản xuất nước mắm truyền thống, bà Trương Thị Liên (thôn An Lương) chia sẻ: “Cơ sở của gia đình tôi hiện đang thiếu nguồn kinh phí đầu tư, trong khi đó việc tiếp cận các kênh vốn vay ưu đãi không phải là chuyện dễ. Địa phương lại nằm trong vùng quy hoạch thực hiện dự án Nam Hội An nên việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất một cách bài bản đang gặp vướng mắc. Vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng hết sức gian nan”. Còn ông Phạm Duy Trinh – chủ cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh nói: “Với chất lượng tốt, sản phẩm nước mắm Duy Trinh của cơ sở tôi đã được các cấp, các ngành lựa chọn và đăng ký xây dựng thành sản phẩm OCOP năm 2019 này. Đó là niềm vui rất lớn nhưng cũng là nỗi lo không nhỏ đối với tôi, vì hiện giờ cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Tôi mong rằng, thời gian tới ngành chức năng cần quan tâm giúp đỡ để gia đình tôi có điều kiện đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất và tích cực hỗ trợ tôi về khâu quảng bá, thiết kế mẫu mã để sản phẩm ngày càng vươn xa ra thị trường”.

Ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải nhìn nhận, dù thua kém cả về mẫu mã, thương hiệu, quảng bá so với các loại nước mắm trên thị trường song có thể khẳng định chất lượng sản phẩm nước mắm Duy Hải là không phải bàn cãi. Theo ông Siêm, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn xã đều nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu sự liên kết trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức và đặc biệt là mạnh ai nấy làm cả về mặt quy trình sản xuất, chất lượng hàng hóa, giá bán trên thị trường…

Để duy trì, phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống và từng bước hướng đến việc xây dựng thành sản phẩm OCOP, ông Siêm cho biết, thời gian tới chính quyền xã Duy Hải sẽ kiến nghị các cấp, các ngành liên quan sớm nghiên cứu, khảo sát bố trí riêng một khu vực để tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng quy mô, đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại. Địa phương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật mới về chế biến nước mắm và phổ biến rộng rãi các quy định, quy trình về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các chủ cơ sở. “UBND xã cũng sẽ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ. Mặt khác, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ dân nâng cấp cơ sở sản xuất, ứng dụng tiến bộ của khoa học – công nghệ, cải tiến mẫu mã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm với mục tiêu tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng việc hỗ trợ xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Duy Hải” và thường xuyên tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại những hội chợ…” – ông Siêm nói thêm.

Hoài Nhi

Theo Quảng Nam Online 

Cùng chuyên mục