Phố cũ ngày cách ly

Những nhộn nhịp của phố cổ Hội An đã khép lại sau cánh cửa im ỉm khóa, nhưng ẩn sau đó là những câu chuyện cuộc sống vẫn lặng lẽ diễn ra mỗi ngày…

1. Nguyễn Thị Bảo Nguyên là nhân viên của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam tại TP.Hội An. Gần 3 tuần nay chị vẫn đi làm bình thường. Mỗi sáng, Nguyên đến cơ quan, ngồi vào vị trí quen thuộc của mình, mở máy tính cập nhật những thông tin mới về tình hình dịch Covid-19, sẵn sàng trả lời khách khi có yêu cầu.

“Dịch bùng phát, tụi em chỉ nghỉ tuần đầu là phải đi làm lại vì rất nhiều khách điện thoại đến văn phòng nhờ tư vấn, nên mọi người phải chia ca đến cơ quan trực” – Nguyên nói.

pho-cu-ngay-cach-ly
Phố cổ Hội An vắng vẻ ngày cách ly. Ảnh: V.L

Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam vẫn hoạt động đều đặn. Mỗi ngày, nhân viên trung tâm nhận hàng chục cuộc điện thoại từ du khách còn mắc kẹt đến những người có công việc muốn đến Hội An.

Hội An những ngày chống dịch “sôi động” với các lượt xe tuyên truyền lưu động ngược xuôi khắp phố, không ngừng nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức phòng chống dịch. Trên các diễn đàn mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp lời kêu gọi chung tay cùng Hội An chống dịch. Từ quyên góp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đến giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Dường như ẩn sau vẻ yên lặng của phố là một không khí sôi nổi đầy trách nhiệm, ai cũng có thể hoạt động vì cộng đồng, như chuyện về chàng trai trẻ Phạm Công Định. Từ ngày dịch bùng phát, Định tự nguyện vào “tâm dịch” phun thuốc sát khuẩn. Những gia đình có ca F0, F1, những nhà có đám tang, các xe chở hàng hóa thiết yếu ra vào khu cách ly, khu phong tỏa… đều được anh và các đồng nghiệp đến phun thuốc khử trùng. Định cho rằng, đây là việc nên làm vì an toàn cho cộng đồng cũng là an toàn cho người thân, gia đình và chính bản thân mình…

Hội An nhân tình là vậy. Ai cũng thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Trên những tuyến đường phố, mỗi ngày tiếng chổi tre của những công nhân môi trường vẫn lặng lẽ quét lá vàng rơi. Họ âm thầm làm việc, bởi dù dịch bệnh thế nào thì Hội An cũng phải sạch, đẹp.

2. Phố ngày cách ly khó thể nói những điều vẹn toàn, đâu đó vẫn gợn lên nỗi buồn mùa dịch khi hàng nghìn lao động ngành du lịch mất việc làm. Đứa em làm việc cho một công ty du lịch nhắn tin: “Em lại nghỉ không lương rồi, sắp tới chưa biết thế nào”. Nó mới chỉ đi làm lại hơn hai tháng, sau đợt dịch hồi tháng 3. Ông anh chủ một khách sạn thì có vẻ chán nản hơn: “Mình cho nhân viên nghỉ hết rồi, cũng tội, nhưng bây giờ biết làm sao được, thôi cùng thông cảm chia sẻ nhau”. Dịch lần này như đòn “nốc ao” đối với dịch vụ du lịch ở Hội An. Có lẽ còn lâu lắm du lịch Hội An mới trở lại như ban đầu.

pho-cu-ngay-cach-ly
Người dân Hội An vẫn lặng lẽ với công việc của mình trong phòng chống dịch. Ảnh: V.LỘC

Tôi để xe máy tại Chùa Cầu, bắt đầu đi bộ quanh phố cổ, khung cảnh buồn tẻ đến nao lòng. Cảm giác như nơi đây đã bị bỏ hoang lâu lắm rồi, dù chỉ mới 3 tuần trước phố còn chen chúc người. Bây giờ hầu như nhà nào cũng cửa đóng then cài. Thi thoảng mới bắt gặp vài ngôi nhà mở cửa nhưng cũng chỉ hờ một cánh dè dặt. Một người đàn ông ngồi trước nhà trên đường Lê Lợi, bên kia đường, nơi những cánh cửa khóa chặt. Thấy tôi, ông đứng dậy, ưỡn người, vung tay vài cái như thể đã ngồi đó lâu lắm rồi. “Dịch dã buồn chú hỉ” – tôi đứng bên này đường hỏi với qua bắt chuyện. “Ừ chán”, ông uể oải trả lời như không muốn nói, mắt quay nhìn về phía cuối đường, nơi những chiếc ghe du lịch vắng khách nằm phơi nắng trong buổi chiều đầu thu.

Hơn 20 năm qua, phố cổ sống nhờ vào du lịch. Trong khoảng 1.130 di tích kiến trúc nơi đây, phần lớn kinh doanh buôn bán hàng lưu niệm, thời trang, nhà hàng, cà phê… Nếu không bán một mặt hàng nào thì những ngôi nhà phố cổ cũng được chủ nhân chuyển nhượng hoặc cho người nơi khác đến thuê kinh doanh.

Theo UBND TP.Hội An, hiện có khoảng 300 ngôi nhà trong phố cổ đã được người dân sang nhượng chủ sở hữu, chưa kể một số lượng lớn nhà đã được cho thuê để kinh doanh buôn bán. Với hơn 70% cơ cấu kinh tế là thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế Hội An xem như phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch. Dịch Covid-19 bùng phát, khách rút đi các tuyến đường Bạch Đằng, Nguyến Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi… bỗng trở nên đìu hiu, quạnh quẽ.

3. Mấy hôm nay, trên mạng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp Hội An lại xôn xao bàn luận về tương lai, lối thoát cho ngành du lịch. Nhiều ý tưởng được đưa ra nhưng cuối cùng đều bế tắc, bởi nói gì thì nói, khi dịch Covid-19 chưa bị diệt trừ thì khoan bàn đến chuyện du lịch, nên thôi cứ xuôi theo dòng. Dự báo, nhanh nhất quý I.2021, hoạt động du lịch mới rục rịch trở lại, mà không riêng gì doanh nghiệp du lịch, hầu như ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng.

Những ngày này, ngoại trừ đường Nguyễn Tất Thành còn nhộn nhịp do nhà thầu đang thi công thì phần lớn đường phố Hội An vắng vẻ. Khách sạn đóng cửa, những bãi biển hoang vắng, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài khách Tây đi trên đường, có lẽ họ là những cư dân sống tại phố Hội, hoặc cũng có thể bị mắc kẹt chưa về nước. Chiều nắng, dòng sông Hoài bình yên tĩnh lặng, đứng bên phố nhìn sang An Hội, nơi được xem là điểm dịch hiện nay của Hội An vắng tanh, dưới bến những ghe thuyền kẹp nhau sóng soài. Bỗng thèm nghe một tiếng chèo khua mạn thuyền và tiếng mời chào mua đèn hoa đăng thả sông của các bà, các dì, các cô để nguyện cầu về một ngày phố đông vui trở lại…

Vĩnh Lộc

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/pho-cu-ngay-cach-ly-91840.html

Cùng chuyên mục