Ấn tượng mỹ thuật Quảng Nam

Không thể tổ chức trưng bày, song Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung – Tây Nguyên lần thứ 25 năm 2020 vẫn kịp vinh danh các tác giả có tác phẩm tốt, mở đường để anh em trong giới mỹ thuật khu vực tiếp tục đưa tác phẩm của mình tham dự các sân chơi lớn hơn. Và ở lần triển lãm nhưng không… trưng bày này, giới mỹ thuật Quảng Nam vẫn có cơ hội để khẳng định mình.

Triển lãm không… trưng bày!

Trong 25 lần tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, triển lãm lần thứ 25 năm 2020 có lẽ là đặc biệt nhất. Hơn một tháng trước ngày khai mạc, đơn vị đăng cai là Hội VHNT tỉnh Gia Lai đã chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy. Nửa tháng trước ngày khai mạc, Hội đồng nghệ thuật của triển lãm cũng hoàn tất việc chấm sơ khảo, chọn ra 127 tác phẩm từ hơn 200 tác phẩm để đưa vào vòng trưng bày và xếp giải.

Thế nhưng, 3 ngày trước khi diễn ra lễ trao giải và khai mạc trưng bày – dự kiến ngày 11.8, toàn bộ chương trình đã phải hủy bỏ. Các tác giả có tác phẩm lọt vào vòng trưng bày và xếp giải được khuyến cáo chỉ gửi tác phẩm đi, còn người thì “đang ở đâu thì ở yên chỗ đấy”.

my-thuat-Quang-Nam
Nhịp điệu phố xưa (acrylic trên toan) của Vũ Trọng Anh, được giới thiệu dự giải Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2020. Ảnh: VHNT

Họa sĩ Nguyễn Dũng – Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam, trưởng đoàn nghệ sĩ Quảng Nam tham gia Triển lãm Mỹ thuật lần thứ 25 cho biết, khi nhận được yêu cầu “tác phẩm đi, tác giả ở lại”, ai cũng tiếc nhưng đều vui vẻ chấp nhận. “Không được đưa những “đứa con” tinh thần của mình đi “ứng thí” thì tiếc lắm. Tuy nhiên, anh em giới mỹ thuật Quảng Nam đều nghiêm chỉnh chấp hành, vì lúc này phòng chống dịch là trên hết” – họa sĩ Dũng nói thêm.

Trong số các hạng mục được dự báo là sẽ hết sức sôi nổi và hấp dẫn của triển lãm, chỉ một hạng mục được thực hiện, đó là… chấm chung khảo và xếp giải. Theo một thành viên Hội đồng nghệ thuật của triển lãm, đây là một “sự cố” đáng tiếc, làm mất đi cơ hội gặp gỡ, giao lưu của giới mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc ban tổ chức quyết định vẫn chấm chung khảo và xếp giải đã “bù đắp” phần nào sự hẫng hụt của người trong cuộc.

Thông qua việc chấm giải, Hội Mỹ thuật Việt Nam có cơ hội để đánh giá hiện trạng đời sống mỹ thuật ở khu vực, kịp thời vinh danh các tác giả có tác phẩm tốt. Và mặc dù không được trưng bày nhưng tác phẩm của anh em mỹ thuật Nam miền Trung – Tây Nguyên được chọn vào vòng chung khảo lần này vẫn có các điều kiện thiết yếu nhất để tiếp tục tham dự các sân chơi lớn hơn trong năm nay.

Ấn tượng Quảng Nam

Với 22 tác phẩm của 21 tác giả lọt vào vòng trưng bày và xếp giải (đứng thứ nhì, sau đơn vị đăng cai là tỉnh Gia Lai), nhiều người cho rằng Quảng Nam có cơ hội giành được giải thưởng tại triển lãm lần thứ 25 này. Cơ hội ấy càng được củng cố khi mà qua vòng sơ khảo, tác phẩm của giới mỹ thuật Quảng Nam được đánh giá là bám sát yêu cầu của ban tổ chức, đa dạng về đề tài và chất liệu, chất lượng khá đồng đều; một số tác giả tiếp tục phát huy được thế mạnh sáng tạo của bản thân…

Không nằm ngoài dự đoán, trong số 10 giải thưởng của triển lãm lần này (được xét chọn từ 127 tác phẩm của 121 tác giả là hội viên của 9 Hội VHNT Nam miền Trung – Tây Nguyên và Hội Mỹ thuật Việt Nam đang sinh sống trong khu vực), Quảng Nam giành được 2 giải chính thức và 5 đề cử dự giải thường niên năm 2020 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Trong đó, với việc được trao giải B cho tác phẩm “Đêm hội”, tác giả Lê Đình Chinh tiếp tục cho thấy anh không chỉ “có duyên” mà còn lành nghề trong cuộc chơi với tranh sơn mài truyền thống khổ lớn. Bố cục cân đối, chi tiết phong phú, mảng miếng rõ ràng, màu sắc hài hòa… là những ưu điểm nổi bật trong tác phẩm này của Chinh, làm cho bức tranh trở nên lung linh, sinh động về một đêm hội đầy bản sắc. Trong khi đó, với giải khuyến khích cho tác phẩm “Ấn tượng Côn Đảo”, tác giả Trần Đức đi tiếp một bước tự tin hơn với điêu khắc – không chỉ với gỗ hay composite mà anh tỏ ra thuận tay lâu nay, mà còn cả với sắt hàn ở tác phẩm này.

Trong 5 tác phẩm được đề cử tham dự giải thưởng thường niên năm 2020 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm nay, điều thú vị là các tác giả đều khá trẻ. Trừ Vũ Trọng Anh và Lê Bùi Cung Vũ thuộc thế hệ 7x (cùng sinh năm 1979), các tác giả Nguyễn Văn Ân (vừa được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh hồi đầu năm 2020), Nguyễn Danh thuộc thế hệ 8x; riêng Hà Châu thuộc thế hệ 9x. Không chỉ có kỹ thuật tạo hình, xây dựng bố cục, kết cấu tốt, cả 5 tác giả này đều chọn chất liệu đúng với “thế mạnh” vốn có của mình. Đề tài mà họ thể hiện rất phù hợp với yêu cầu của ban tổ chức triển lãm, như các di sản văn hóa, thắng cảnh của quê hương… hoặc đang rất “nóng” như phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường…

Bảo Anh

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/an-tuong-my-thuat-quang-nam-91571.html

Cùng chuyên mục