Phố bên đồi truyền cảm hứng cho giới trẻ
Dự định diễn ra gần 3 tháng từ 8/12/2018 đến 28/2/2019, nhưng do công chúng quá quan tâm, Phố bên đồi mùa thứ 3 đã kéo dài thêm 1 tháng, với tổng lượt xem hơn 45 ngàn người.
Ngày 30/3 tới đây tại nhà máy trà cổ Cầu Đất Farm (xã Xuân Trường, Ðà Lạt), Phố bên đồi sẽ có chương trình truyền cảm hứng cho giới trẻ, giao lưu với sinh viên của 5 trường đại học. Dự kiến sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên và hơn 150 sinh viên kiến trúc, quy hoạch từ Đại học Yersin Đà Lạt, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Lạt, Đại học Tôn Đức Thắng.
Chương trình diễn ra cả ngày 30/3 với hàng loạt các trải nghiệm văn hóa cùng sinh viên, đan xen giữa nghệ thuật và khoa học, thuyết trình về di sản, công bố nghiên cứu về quy hoạch đô thị. Đặc biệt, sinh viên sẽ được tiếp thêm những đam mê trong đêm giao lưu âm nhạc, chia sẻ về Đà Lạt và kết thúc là triển lãm, trao giải thưởng cho cuộc thi.
“Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, thành phố Đà Lạt cũng đang có những thay đổi chuyển mình để bắt nhịp với xu hướng. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị đang thách thức và cuốn trôi những giá trị văn hóa, kiến trúc đô thị cổ… Trong đó, sự biến mất của các công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc trưng có thể nhìn thấy rõ hơn cả. Phố bên đồi muốn được chung tay lan tỏa hình ảnh Đà Lạt tới cộng đồng, góp sức đưa thành phố vượt lên chính mình thông qua lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, củng cố và tạo ra hồn cốt mới dựa trên những giá trị đặc chất Đà Lạt” – quan điểm của ông Nguyễn Trung Hiền, nhà sáng lập Phố bên đồi.
Đây là chương trình nghệ thuật đa hình thái mang tính cộng đồng được tổ chức thường niên tại Đà Lạt. Mục tiêu lớn nhất là định vị Đà Lạt là điểm đến văn hóa độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Thông qua các hình thức nghệ thuật đương đại, hoạt động cộng đồng và du lịch, Phố bên đồi còn khuyến khích công chúng nâng cao nhận thức về bảo tồn đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Quan sát sự kiện này, TS Nguyễn Thị Hậu nhận định: “Từ những quy hoạch và quá trình phát triển Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 đến nay, theo nhận biết của tôi, tính chất đặc thù của Đà Lạt (có thể coi là những ADN của đô thị này) gồm: thành phố “thung lũng ngàn hoa” (địa hình, khí hậu và thực vật đặc trưng); thành phố nghỉ dưỡng, du lịch (chức năng chủ yếu); thành phố của biệt thự, công trình tôn giáo (nhà thờ, tu viện, chùa); thành phố trung tâm của vùng cao nguyên (vị trí địa lý thuận tiện giao tiếp với Tây Nguyên, vùng biển và lưu vực sông Đồng Nai)…
Những ADN này cần được bảo tồn và di truyền trong quy hoạch phát triển Đà Lạt thế kỷ 21. Từ đó có thể phát triển thêm những yếu tố mới phù hợp với bản sắc vốn có: như trung tâm nghiên cứu và giáo dục (các viện nghiên cứu, trường đại học), trung tâm nông nghiệp hoa, trà, cà phê và công nghiệp chế biến… Quá trình đô thị hóa ở Đà Lạt sẽ hình thành các khu vực theo các chức năng trên”.
Phan Thư