Phiên bản mới Nhật ký Anne Frank

Bản dịch mới nhất của Nhật ký Anne Frank vừa ra mắt được cho là “cuốn tiểu thuyết” chuyển thể từ bản gốc của cô bé Do Thái với ước mơ trở thành một nhà văn thực sự.

Những dòng nhật ký của Anne Frank gây rung động thế giới. Ảnh: balancedachievemen
Những dòng nhật ký của Anne Frank gây rung động thế giới. Ảnh: balancedachievemen

Hơn 70 năm qua, cuốn Nhật ký Anne Frank vẫn làm cả thế giới xúc động về cuộc sống hàng ngày của nạn nhân Do Thái dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong thế chiến thứ hai qua sự chứng kiến và ngòi bút của một nữ sinh đang lẩn trốn. Vào năm 1947, hai năm sau khi Anne Frank qua đời vì bệnh sốt phát ban trong trại tập trung Bergen – Belsen của Đức, Nhật ký Anne Frank lần đầu tiên ra mắt bạn đọc. Tác phẩm kết hợp các trích đoạn nhật ký gốc của Anne Frank với phiên bản do cha cô, ông Otto Frank biên soạn, chỉnh sửa được xuất bản. Đến nay, Nhật ký Anne Frank được dịch ra khoảng 80 thứ tiếng và bán được hơn 35 triệu bản, là một trong 10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, Laureen Nussbaum (sinh năm 1927) – học giả, nhà văn Mỹ gốc Đức, một người bạn của Anne Frank thời bé may mắn sống sót sau thảm sát Holocaust nói với hãng tin Reuters, phiên bản mới ra mắt vào tuần trước tại Áo, Đức, Thụy Sỹ với tựa sách: Liebe Kitty hay Dear Kitty (Kitty thân mến) mới là bản gốc nhật ký của Anne Frank, chính Anne chỉnh sửa và muốn xuất bản, ra mắt độc giả. Bởi, Nhật ký Anne Frank trước đây là cuốn sách được cha cô chỉnh sửa rất nhiều để nó ra đời.

Tờ Telegraph trích lời một đại diện của Bảo tàng Anne Frank ở Amsterdam rằng, phiên bản Dear Kitty là bản viết còn dang dở của cô gái muốn trở thành nhà văn. Tác phẩm bao gồm “những lựa chọn sáng tạo và văn học mà Anne đã thực hiện sẽ đưa người đọc đến gần hơn với nhà văn Anne Frank”. Khi đó, Anne muốn được xuất bản nhật ký dưới dạng tiểu thuyết. Cuốn sách Dear Kitty được đặt theo tên của người bạn Kitty mà Anne tưởng tượng, thể hiện một cái nhìn sâu sắc về khát vọng tự do và niềm đam mê văn học của nữ sinh tài năng, Anne Frank.

Anne Frank chào đời năm 1929 tại Frankfurt am Main, Đức. Cô bắt đầu viết nhật ký năm 13 tuổi trong lúc 4 người trong gia đình cô đang lẩn trốn tại Amsterdam, Hà Lan thời Đức Quốc xã chiếm đóng. Anne mô tả chân thật về những gì cô suy nghĩ và cảm nhận, trên căn gác bí mật nơi ẩn trú cùng với một cuộc đời bi thảm của Anne trong trại tập trung.

Theo study.com, lúc đầu Anne cảm thấy lạ lẫm với việc viết nhật ký. Cô mong có được một người bạn tốt nhất, một người mà cô ấy có thể chia sẻ mọi thứ và không lo lắng về việc bạn của cô ấy sẽ phản ứng như thế nào. Đây là lý do tại sao cô ấy bắt đầu một cuốn nhật ký danh tiếng. Cô ấy muốn “cuốn nhật ký là bạn của tôi và tôi sẽ gọi người bạn này là Kitty”. Anne bắt đầu những trang nhật ký của mình bằng: “Kitty thân mến. Ví như, vào ngày 4 và ngày 5.8, Anne viết cho Kitty – cô bạn gái xinh xắn rằng: “Để cho bạn thấu hiểu hơn cuộc sống của chúng tôi, thỉnh thoảng tôi sẽ thuật lại hoạt động của một ngày bình thường”.

Cũng theo study.com, nhật ký của Anne không giống bất cứ một cuốn nhật ký nào. Anne coi Kitty là một người bạn thân thiết và viết thư cho Kitty mỗi khi có điều gì muốn kể với người khác. Cuốn nhật ký gây ấn tượng người đọc không chỉ là nội dung, không phải là lời tự sự khô khan mà là lời kể chuyện với một người bạn thân về cảm xúc và tâm tư của Anne.

Anne viết: “Tôi muốn trở thành một nhà văn. Tôi biết rằng tôi có thể viết văn. Tôi muốn tiếp tục sống sau khi qua đời”. Chắc chắn vậy, dòng nhật ký xúc động và tên tuổi của Anne Frank vẫn được nhiều người nhắc đến mãi sau này.

Nam Việt
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục