Phát triển du lịch Sơn Trà theo hướng nào?
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành có đề cập “xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà”.
Vùng bán đảo được mệnh danh “lá phổi xanh” của Đà Nẵng cần được phát triển theo hướng nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái
Để cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng cần xây dựng quy chế nghiêm ngặt để giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên, bảo vệ “lá phổi xanh” của TP, bảo tồn các loại động thực vật quý hiếm, đặc biệt là “nữ hoàng linh trưởng” – voọc chà vá chân nâu.
Theo ông Vinh, TP.Đà Nẵng cần xây dựng và đưa voọc chà vá chân nâu thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng để thu hút du khách. Sơn Trà cần quy hoạch thành nơi tham quan, giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Cần hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông cũng như các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà (do sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, thay đổi dòng hải lưu…). Sơn Trà cũng được đề xuất hợp nhất với vùng biển xung quanh đến nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế (như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An)…
“Phát triển du lịch Sơn Trà cần đảm bảo giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường và cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho bảo tồn. Cần quy hoạch, đánh giá và lập kế hoạch cẩn thận; du khách phải trả tiền để nhìn thấy vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Trà chứ không phải bê tông, đồi trọc do sự khai thác ngắn hạn. Du lịch sinh thái sẽ tạo ra thu nhập giúp bảo tồn rừng, thiên nhiên và động vật hoang dã ở Sơn Trà”, ông Vinh nêu.
Năm 2017, ông Huỳnh Tấn Vinh cùng Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam Lưu Hồng Trường đã ký vào thư kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước về “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà”. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng cần tiến hành quy hoạch bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia Sơn Trà theo Nghị định số 117 ngày 24/12/2010 để làm nền tảng cho quy hoạch các loại hình và sản phẩm du lịch thích hợp.
Quy hoạch hơn 1.222 ha đất Sơn Trà cho dự án du lịch
Theo UBND TP.Đà Nẵng, đến thời điểm tháng 12/2012, TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án (11 dự án chưa triển khai) để đầu tư phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại Sơn Trà. Tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.222,5 ha, trong đó đất giao có thu tiền là 94,5 ha, đất thuê 274,19 ha; phần còn lại giao quản lý không thu tiền. Về đa dạng sinh học, theo UBND TP, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Sơn Trà thì vấn đề này “mới được quan tâm đầy đủ”.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), cho biết hiện các hoạt động tại bán đảo Sơn Trà đều dừng lại để chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Về việc phát triển du lịch bền vững tại Sơn Trà, ông Vỹ giữ quan điểm không nên tiếp tục xây dựng các khu lưu trú và xem Sơn Trà là một khu bảo tồn, du lịch sinh thái hoàn toàn tự nhiên. Cần giữ nguyên hiện trạng, biến Sơn Trà thành nơi giáo dục cho thế hệ trẻ; học sinh tại địa phương và những nơi khác đến nghiên cứu, học tập, tạo ra những sản phẩm mà vẫn có thể tạo ra tiền.
KTS Hồ Duy Diệm (Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển VN, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng) băn khoăn: Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là NQ43) có đề cập nội dung “xây dựng khu du lịch (KDL) quốc gia Sơn Trà”, liệu có phải đồng ý cho tác động vào Sơn Trà? Theo ông Diệm, cho xây dựng KDL Sơn Trà, tức sẽ cho xây 5.600 cơ sở lưu trú, dẫn đến sẽ mất 1.058 ha rừng. “Tôi kiến nghị những cơ sở lưu trú nào đã hoạt động, đã có tiếng tăm rồi vẫn giữ nguyên, còn tất cả công trình khác phải tháo dỡ. Chỉ dành Sơn Trà cho việc bảo tồn voọc, trồng rừng…”, ông Diệm nói.
Đề xuất cơ chế kiểm soát đặc biệt
Đầu năm 2017, sau khi dư luận phản ứng trước việc bán đảo Sơn Trà bị cày xới để xây dựng dự án KDL nghỉ dưỡng, UBND TP.Đà Nẵng đã rà soát và nêu quan điểm phát triển KDL quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa – tâm linh…
Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, UBND TP.Đà Nẵng khẳng định bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Do vậy, TP đã đưa ra các nguyên tắc cụ thể. Thứ nhất, giữ lại dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động có hiệu quả.
Thứ hai, phải đảm bảo an ninh quốc phòng, trong đó các dự án tại bán đảo Sơn Trà phải do nhà đầu tư trong nước thực hiện; không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ và khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Thứ ba, phải coi trọng đa dạng sinh học, không ảnh hưởng đến khu vực được các nhà khoa học cảnh báo có nhiều khả năng loài voọc chà vá chân nâu xuất hiện, tập trung chủ yếu tại khu vực phía bắc và đông bắc của bán đảo Sơn Trà. Công trình xây dựng phải tuân thủ quy chế quản lý đặc thù và hài hòa môi trường tự nhiên sinh thái. Thứ tư, đảm bảo về bình độ triển khai các dự án.
UBND TP cũng khẳng định “không có yếu tố cư trú tại khu vực bán đảo Sơn Trà”. Qua rà soát, có 6 dự án không phù hợp với các tiêu chí đã nêu, nên TP kiến nghị điều chỉnh chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú. Xem xét cắt giảm quy mô 10 dự án; giữ nguyên 2 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và phù hợp các tiêu chí trên.
Từ cuối năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị tiếp tục xác định bán đảo Sơn Trà là một trong các KDL quốc gia (đã được Thủ tướng phê duyệt); kiến nghị xem xét các kiến nghị của các nhà đầu tư tại khu vực bán đảo… Thời gian qua, các dự án tại Sơn Trà đều phải tạm dừng để Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện. Cử tri Đà Nẵng rất “sốt ruột” trước thời hạn đưa ra kết luận, và gần 2 năm qua việc phát triển Sơn Trà theo hướng nào vẫn chưa được định hướng.
Đánh giá Sơn Trà “hết sức khoa học”
Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 22/4, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, cho biết NQ43 hoàn toàn kế thừa những cái tốt và những cái phải tiếp tục từ NQ33 được Bộ Chính trị ban hành trước đó.
“Với bán đảo Sơn Trà, trách nhiệm của chúng ta là phải ứng xử hết sức khoa học, trách nhiệm để đảm bảo sự phát triển bền vững của Đà Nẵng nói chung và bảo tồn Sơn Trà nói riêng. Có nhiều ý kiến cho rằng đưa Sơn Trà vào NQ43 cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục làm theo kiểu như thời gian vừa rồi. Tôi xin nói: Không phải đâu! Hiện nay, Sơn Trà đang trong giai đoạn thanh tra. Hậu thanh tra sẽ có đánh giá, rà soát hết sức khoa học. Chúng ta khai thác làm sao để đảm bảo Sơn Trà thực sự là “lá phổi”, là đặc sản quý hiếm mà trời cho”, ông Nghĩa nói.
Doanh nghiệp đề nghị “nâng” lên bình độ 150 m
Trên cơ sở thống nhất của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, các dự án tại bán đảo Sơn Trà được phép phát triển từ bình độ 200 m trở xuống. Tuy nhiên, UBND TP.Đà Nẵng đã rà soát thêm một số tiêu chí và đề xuất 2 nguyên tắc: chỉ được triển khai từ bình độ 100 m trở xuống đối với các công trình có chức năng lưu trú, công trình kiên cố; có thể được triển khai từ bình độ 200 m trở xuống đối với công trình phục vụ vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Theo các chủ doanh nghiệp có dự án tại Sơn Trà, việc chỉ cho phép phát triển dự án từ bình độ 100 m trở xuống “sẽ phá vỡ cấu trúc quy hoạch của dự án”, dẫn đến dự án không thể triển khai được; do đó đề nghị cho phép triển khai từ 150 m trở xuống và giữ nguyên số lượng phòng lưu trú và biệt thự như quy hoạch được UBND TP phê duyệt… Tại cuộc họp báo quý 1/2019 do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức chiều 24/4, ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho biết đối với bán đảo Sơn Trà, nếu trong khu vực 200 m trở xuống có rừng nguyên sinh cũng không được khai thác. “NQ43 có ý là không phát triển khu đô thị và cư trú tại Sơn Trà và chỉ ưu tiên cho du lịch”, ông Trung nói. |
Hoàng Sơn
Theo Thanh Niên Online