Đình Ông Voi – những hồi ức cũ

Dân Hội An quen gọi tên là đình Ông Voi, chắc bởi vì có cặp voi chầu đứng đối diện vào nhau trước sân đình. Đình được bố trí theo kiểu “nội công ngoại quốc”, cổng tam quan gồm các trụ biểu cao, sân đình rộng.

Vào khỏi tiền đình là một khoảng sân trời vuông vắn, tiếp đến là phần chính đình, nơi những chức sắc ngày xưa dùng để giải quyết việc làng xã. Hai gian tả hữu dùng làm nơi tụ họp. Hậu cung là phần không thể thiếu trong cấu tạo một ngôi đình, là nơi để thờ tự thành hoàng, thánh mẫu và các vị thần phù trợ, bảo hộ theo tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt phần hậu cung trong đình Ông Voi còn có thêm một căn gác cũng là nơi thờ tự các bài vị thành hoàng.

Gọi tên là đình Ông Voi vì có cặp voi chào trước sân

Đến giờ thì cũng không còn mấy ai biết ngôi đình làng Hội An xây dựng từ lúc nào. Người Việt mình sau khi lập làng là đau đáu đến chuyện phải làm đình làng để có nơi cúng bái, thờ tự. Tín ngưỡng tâm linh ngàn đời là thế, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, làng cũng phải có thành hoàng để mà phù trợ cho cả làng bình an, thịnh vượng.

Mà cũng đâu có phải là chỗ chỉ để thờ tự không, đình làng còn là nơi để cộng đồng cư dân trong làng giải quyết những việc công của làng xã. Đồng thời cũng là nơi để tổ chức lễ hội, sinh hoạt của cả làng. Tâm thức của người Việt ngàn năm không hề đổi, nên đình Ông Voi cũng đã được gầy dựng nên sau khi làng Hội An có xã hiệu như những ngôi đình trên khắp đất nước.

Vết tích ngôi đình

Trong chiến tranh lòng dân ly tán, đình Ông Voi gần như bị bỏ hoang, một vài hộ dân di cư đến trú ngụ trong sân đình. Nhớ hồi đó gia đình thằng Ân, thằng Ái bạn tôi sống bên hông sân đình. Chiều chiều cả đám trẻ con xúm lại bắn bi, đá cá cãi nhau ủm tỏi. Vài gia đình vốn dân tị nạn chiến tranh cũng tụ lại ở đây, giờ chỉ còn nhớ có nhà bà Triệu chuyên bán số đề, sau chuyển về đâu không rõ.

Một nơi thờ tự ở sân sau

Hòa bình lập lại, sau những bộn rộn ban đầu, ngôi đình dần được sử dụng lại như công năng của nó ngày xưa. Ngoài việc tổ chức các cuộc hội họp, mít-ting, đám thiếu niên của tụi tôi được bố trí về sinh hoạt văn nghệ, vui chơi.

Việc đầu tiên là tụi tôi biến nó thành sân đá bóng và chơi đủ loại trò chơi hàng ngày. Hết chơi trò lên bờ xuống nước lại chuyển qua đá cầu, đá kiện, đạp mạng lon, đá gà, đá ngựa…, không thiếu trò gì. Cát bụi mịt mù, lấm lem lấm lút mà ngày nào cũng vui như tết, đi học về là xúm lại chơi đến tối mịt. Nghĩ lại, bây giờ trẻ con cứ ru rú trong nhà với chiếc điện thoại thông minh, không còn biết nhiều trò chơi như ngày xưa cũng uổng.

Một góc sân sau đình

Có năm tụi tôi tổ chức cả trại hè trong sân đình rộng lớn. Xúm nhau vào dựng lều, chơi trò chơi lớn, nấu cơm nấu chè, sinh hoạt lửa trại huyên náo cả mấy ngày. Đám thiếu niên phá như giặc nhà trời, nửa đêm kẹp giấy vào ngón chân mấy đứa ngủ mê rồi đốt, suýt gây hỏa hoạn.

Cả đám đầu têu bị kỷ luật tước khăn quàng, nước mắt lưng tròng chạy về nhà xin tiền mua khăn quàng khác đeo lại. Ông Đặng Mai phụ trách đội thiếu niên la trời không thấu. Ổng kêu tụi tôi vào giải thích, lúc đó mới hiểu ra bị tước khăn quàng là không được đeo khăn quàng trong thời gian bị kỷ luật. Hết kỷ luật làm lễ phục hồi đeo lại, chứ không phải bị lấy luôn khăn quàng. Cả đám ngẩn ngơ tiếc tiền mua khăn quàng khác hùi hụi.

Ngày nay sân đình đã “cải biến” thành một trường mầm non

Thập niên 1980, hầu hết thanh niên đến tuổi nếu không đủ tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc vào du kích phường, đều phải tham gia lực lượng dân phòng. Tụi tôi cũng không ngoại lệ.

Ngôi đình được trưng dụng làm trụ sở dân phòng. Ban đêm khoảng chín giờ là tụi tôi ôm lỉnh kỉnh nào là mùng mền chiếu gối, gậy, dây và tất nhiên không thể thiếu cây guitar thùng đến trực. Cả tiểu đội tập trung lại trong sân đình chia ca nhau đi tuần quanh phố suốt đêm.

“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”

Mùa nắng thì ngủ đình mát rượi chẳng nói làm gì, mùa mưa lạnh mới thấy tê tái. Mấy bạn nữ còn cực hơn đám con trai gấp mấy lần. Để chống lạnh chỉ có một cách duy nhất là thức suốt đêm đàn hát, thay nhau đi tuần, kể chuyện cho nhau nghe và chờ sáng.

Mấy anh lớn hơn thì chỉ đi trực với cuộn dây và gậy, khỏi mùng mền chiếu gối lôi thôi. Mười giờ đêm đến đình là bày bộ domino ra ngồi chơi đến sáng. Chờ tới lúc ông Hạo mở cửa quán café ghé qua uống một ly cho tỉnh ngủ rồi về nhà luôn.

Hồi đó có anh Hội đánh domino thuộc loại dữ thần, xuống đến quân thứ ba ảnh ngồi nhẩm chặp là đọc trúng phong phóc mấy quân còn lại trên tay ba người khác luôn. Riết chặp mọi người sợ không dám cho ảnh chơi chung nữa, tiền đâu mà chung cho phỉ.

“Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Ca sĩ Hồng Hạnh ra nước ngoài sống mấy chục năm, lúc trở về chị bảo xa quê nhớ nhất là cái đình Ông Voi và những đêm đi dân phòng. Cả đêm ôm guitar ngồi hát nhạc vàng trên hè phố. Hồi đó tuy còn cấm hát nhạc trước 1975 chung chung, nhưng dân phòng ngồi hát thì cũng chẳng ai thèm để ý. Họa hoằn lắm mấy ông chỉ huy mới bảo: Hát nhỏ nhỏ thôi tụi bây, kẻo trên la. Mà cũng chẳng ai biết “trên” là ai nữa. Hát nhỏ nhỏ được chặp, sướng lên lại hát lớn như cũ.

Ông Sang hồi đó là công an khu vực, cũng ghiền nghe nhạc vàng, rất thích nghe chị Hạnh hát. Lâu lâu ổng đi ngang qua kiểm tra mấy chốt gác, thấy tụi thanh niên ngồi hát bên thềm nhà, đứng lại nghe chặp rồi bảo: Tụi bây vô trong đình ngồi hát đi, cho tau vào nghe nữa. Đứng nghe ở đây về họp lãnh đạo lại la tau mất quan điểm, lập trường.

Vậy là kéo hết vào trong đình ngồi hát. Ngặt nỗi vào hết trong đình lại không có ai ngồi chốt gác. Ông Mẫn đại đội phó đi kiểm tra ngang qua không thấy một mống nào đứng gác, chạy vào trong đình la lối nhặng xị. Cả đám cãi lại bảo công an khu vực biểu vào trong đình ngồi hát. Cãi qua cãi lại rồi cũng huề cả làng. Kiểm điểm xong, ổn định được vài đêm, rồi cũng bổn cũ soạn lại. Bây giờ, mỗi lần gặp lại bạn cũ ngồi nhắc chuyện xưa, thấy thời đó nó đẹp chi lạ.

Không biết hồi trẻ sức đâu mà lắm vậy, cũng may là mỗi tuần chỉ đi trực có hai đêm. Ấy vậy mà cũng có vài giọng ca hay được phát hiện, bổ sung vào ban văn nghệ phường. Rồi cũng có thêm những mối tình nảy nở, nhiều đôi trong số họ sống với nhau đến tận bây giờ. Ngoại ngũ tuần, nhiều hồi gặp lại những người cũ, nói đi nói lại, quanh quẩn rồi trở lại cũng nhắc nhớ với nhau về những ngày đầy thân thương đó.

Còn nhớ những đêm trời lạnh, khoảng 11 giờ khuya, bà già bán chè tào xá ngon nhất Hội An thường gánh ngang qua đình. Thời đó khó khăn, chỉ có nhà giàu mới có tiền ăn chè của bà, cỡ tụi tôi có thèm cũng đứng xa mà ngó. Chè tào xá phải ăn nóng mới ngon nên bà phải giữ lửa cho nóng suốt đêm. Bán gần hết chè, lớp chè đưới đáy nồi cháy sít lại khê quánh.

Cả đám xúm lại đưa cho bà khoảng năm đồng, tương đương giá trị của vài chén chè bà bán thường ngày. Bà phát cho mỗi đứa một cái muỗng, hơn chục đứa xúm lại vét sạch nồi chè. Vị đậu xanh bùi bùi, ngọt ngọt trộn lẫn mùi tần bì xông lên thơm ngát mũi. Nhất cử lưỡng tiện, tụi mình được ăn chè rẻ, bà đỡ công phải cạo rửa đáy nồi cháy khét suốt đêm.

Vật đổi sao dời, cái sân đình đầy ắp những kỷ niệm ngày xưa giờ cũng thay đổi, chỉ còn đôi voi đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Giờ đây trên sân đình cũ đã được xây nên một ngôi trường mẫu giáo. Đứng tần ngần trước sân nhìn lũ trẻ nô đùa, bỗng chợt rưng rưng khi thấy đâu đó hình bóng mình của những ngày xưa cũ.

Nghe nói chính quyền định dời trường mẫu giáo đi để trả lại sân đình xưa, có làm hay không vẫn là chuyện làm đau đầu cho mọi người hàng chục năm chưa ngã ngũ.

Mình nghĩ dùng sân đình làm môi trường để giáo dục một thế hệ mới cũng không phải là chuyện dở, nếu so với hàng ngàn ngôi đình khác đang dần bị biến tướng trên khắp cả nước. Nhưng nếu tìm được một địa điểm để dời trường, trả lại nguyên vẹn không gian xưa cũ của ngôi đình đã ghi dấu ấn vào ký ức người Hội An n hiều thế hệ thì vẫn hay hơn.

Dù sao đi nữa thì giữ được quá khứ tốt đẹp cũng là nền tảng để chúng ta đi vào tương lai.

Hội An 12/2011

Trương Nguyên Ngã

Trích từ sách Hội An – Loanh quanh chuyện phố, sắp xuất bản

Cùng chuyên mục