Oán thù trớ trêu của tiểu thuyết gia Lại Văn Long
Lại Văn Long vừa phát hành tiểu thuyết Oán thù trớ trêu, như là phần tiếp theo của tiểu thuyết hình sự Mật danh Đ9. Lại Văn Long định danh ngòi bút đậm chất hình sự từ truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện đầu thập niên 1990.
Đây cũng là hành trình tiếp tục phá các vụ án bí ẩn, phức tạp của một đội đặc nhiệm, với các nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối của bộ truyện Hồ sơ lửa như đại tá Minh, trung tá Lâm, thiếu tá Thanh và các trinh sát như Hoa, Thu, Định, Lễ… Nhưng trong phần này thầy trò đại tá Minh gặp phải “án chồng án” với sát thủ vô hình.
Quá trình điều tra lại dẫn dắt lực lượng phá án đến với một nhân vật nữ hư hư, thực thực, lúc là người Chăm, lúc lại hóa người Kinh. Cô ta (sau này là bà ta) được cơ quan chức năng lẫn nhân dân trong vùng xác nhận đã chết, được lập mộ bia từ 15 năm trước, bỗng lù lù xuất hiện với tư cách có liên quan đến rất nhiều án mạng từ quá khứ cũng như trong hiện tại. Những vụ án gây kinh hoàng bởi hung thủ sử dụng “ngải rắn” và thủ pháp “vô hình”, nên ghi hình cũng không được.
Kết thúc bất ngờ của tiểu thuyết Oán thù trớ trêu càng làm cho độc giả thêm tin vào mầm thiện trong mỗi con người; tin vào luật “lấy oán báo oán, oán chồng chất; lấy ân báo oán, oán tiêu tan”.
“Lại Văn Long luôn đau đáu hướng về thân phận của con người, vì thế các nhân vật trong truyện của anh có tính cách số phận khác nhau. Ẩn dụ dưới trang văn ấy, người đọc có thể nhận ra chiều sâu tình cảm của nhà văn luôn khát khao cái đẹp, căm ghét cái xấu. Anh đã để cho cảm xúc của mình dồn nén, mạnh mẽ, sẻ chia, đồng cảm và anh đã yêu đến đắm say với số phận các nhân vật của mình, chính điều này đã giúp anh thăng hoa trong từng tác phẩm” – nhà thơ Phạm Xuân Trường nhận định.
Lại Văn Long chia sẻ: “Từ thời mở cửa đến nay, nhất là từ khi Việt Nam có Internet, tôi có cái nhìn đa diện hơn về cuộc chiến 1954 – 1975. Tôi cũng như bất kỳ người Việt nào, đều khát vọng hòa hợp hòa giải dân tộc. Trong những bài báo được giải thưởng của tôi, trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết đã viết, tôi đều tập trung cho khát vọng này dưới nhiều cách mô tả, kể cả cách viết huyền ảo như trong các tác phẩm của mình, tôi đều nhắc đến hòa hợp hòa giải dân tộc với cách thức mềm mại, dễ cảm nhất. Tôi sẽ còn đeo đuổi đề tài này trong các sáng tác tiếp theo của mình”.
Anh cho biết đang liên hệ với một số nhà xuất bản và các đơn vị phát hành để in tiếp các phần còn lại của Hồ sơ lửa như Gia tộc tướng cướp, Vỏ bọc thần thánh, Lật án tử hình, Làm đĩ triệu đô… để thành một bộ tiểu thuyết hình sự khoảng 2.500 – 3.000 trang in (tùy theo khổ sách). Anh đã hoàn thành bộ tiểu thuyết này!
Phan Thư