Ở Nhật Bản, đổ rác cũng phải học
Chưa đi thì yêu, đến rồi thì thương. Phải ở Nhật Bản lâu mới biết rằng xứ sở này không chỉ có hoa anh đào, núi Phú Sĩ hay những cô gái mặc kimono.
Ở Tokyo, mỗi quận sẽ có quy định khác nhau về màu đựng bao rác, như Shinjuku-ku thì có thể dùng bao nylon mua hàng đựng rác vào rồi đổ cũng được, nhưng ở Kogainei-shi thì phải mua hai loại bao rác theo quy định: Bao màu vàng để đựng rác đốt được, bao màu xanh đựng rác không đốt được.
Không chỉ vậy, mỗi quận cũng có lịch đổ rác khác nhau. Ai cũng phải nắm được lịch đổ rác ở khu mình để biết được thứ mấy đổ rác đốt được, thứ mấy là dành cho rác không đốt được, ngày nào đổ rác nhựa có thể tái chế, ngày nào là rác cồng kềnh, hay ngày nào cho rác chai lọ thủy tinh…
Chỉ kể đến đây, có lẽ nhiều người đã phải nhăn mặt vì độ phức tạp và phiền phức của việc đổ rác ở Nhật. Đừng nghĩ đến việc cứ gom hết vào một túi rồi quăng ra đống rác là được, bạn hoàn toàn có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng nếu như bị bắt quả tang vứt rác bừa bãi. Vậy nên mỗi đứa trẻ Nhật Bản từ nhỏ đã phải học cách đổ rác, và cả những người nước ngoài khi sống và làm việc ở đây cũng vậy.
Câu chuyện đổ rác tại Nhật Bản chỉ là một trong rất nhiều góc nhìn khác về đất nước này được thể hiện qua cuốn sách Nhật Bản: Hoa anh đào, Kimono & gì nữa? của tác giả Tama Duy Ngọc. Là người được “thần may mắn” mỉm cười trao cho một cơ hội du học ở đất nước hoa anh đào sau 10 năm không ngừng nỗ lực và nuôi mộng Đông du, Tama Duy Ngọc đã có được ba năm trải nghiệm quý giá ở nơi đây. Cô nhìn thấy một Nhật Bản khác lạ hơn những suy nghĩ thông thường.
Ví dụ, đến Nhật Bản, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì ở đây có thật nhiều dịp để mọi người tặng quà và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trải dọc suốt từ tháng 1 cho đến tháng 12, hoặc hiểu thêm về ý nghĩa của văn hóa mặc đồng phục khi đi tìm việc của sinh viên Nhật. Các địa điểm công cộng như bưu điện, nhà sách, cửa hàng đồng giá cũng trở nên gần gũi hơn khi những nhân viên tại đây luôn niềm nở và hướng dẫn khách hàng rất nhiệt tình.
Bên cạnh những câu chuyện đẹp, Tama Duy Ngọc còn chia sẻ nhiều thêm những thông tin hữu ích dành cho những ai có mối quan tâm thực sự và muốn tìm hiểu về Nhật Bản, đặc biệt là những người làm việc trong các công ty Nhật, có đối tác là công ty Nhật hoặc muốn du học hay làm việc tại Nhật. Đơn giản từ lộ trình du học tại Nhật Bản cho đến thủ tục đăng ký tạm trú cho người ngoài hay quá trình tuyển dụng ở các công ty Nhật.
Qua lăng kính của một cô gái từng ở và có mong muốn truyền đạt lại cho người Việt về Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc hiện ra vô cùng sống động, gần gũi và cũng rất đỗi bình dị. Đúng như tựa đề của cuốn sách, Nhật Bản không chỉ có hoa anh đào, những cô gái mặc Kimono mà sẽ còn có nhiều hơn thế nếu chúng ta quan tâm đến và muốn khám phá nó.
Nhưng cuộc sống ở đất nước này không phải lúc nào cũng màu hồng. Nơi đây chẳng dễ dàng gì cho người nước ngoài sống và làm việc, bởi lẽ bản thân cuộc sống của người Nhật cũng có quá nhiều nguyên tắc. Quan trọng hơn là bạn vẫn còn niềm tin ở đất nước này, sẵn sàng yêu thương nó như chính quê hương của mình, thì bạn sẽ tìm thấy hứng thú với con người và văn hóa nơi đây để sẵn sàng “yêu lại từ đầu”.
Thu Hoài
Theo Zing.vn