Nội y làm từ sợi cellulose dùng chung cho nam nữ

Một công ty thời trang ở Thụy Điển vừa sản xuất nội y dùng chung cho nam nữ từ vải dệt từ sợi cellulose thực vật, được đóng gói trong bao bì tái chế như một thông điệp về sự quan tâm đến môi trường.

Xơ, sợi cellulose được sản xuất trong nhà máy qua công đoạn chế biến thành bột giấy nhão, ép đùn thành sợi, tương tự như cách sản xuất sợi tổng hợp polyester hoặc nylon. Rayon hoặc viscose là một trong những sợi cellulose được sản xuất phổ biến nhất và được làm từ bột gỗ theo công đoạn trên.

noi-y-lam-tu-soi-cellulose
Sợi cellulose được chiết xuất từ vỏ cây sồi

Thân thiện với môi trường

Kön, công ty thời trang được biết đến với nhãn đồ lót unisex, cho biết họ nỗ lực mang đến cho người tiêu dùng “sự lựa chọn sản phẩm tốt cho môi trường”.

Ông Bill Heinonen, người sáng lập thương hiệu này, nói: “Chúng tôi muốn tạo nên dòng sản phẩm đồ lót không phân biệt giới tính. Thường thì mọi người nghĩ rằng nội y dành cho nữ giới và nam giới phải có đặc điểm nhận dạng khác nhau. Chúng tôi không cố gắng ép buộc bất kỳ ai về ý tưởng hời hợt về thời trang là gì, hoặc bạn nên là ai. Thay vào đó, chúng tôi giới thiệu sản phẩm để họ cảm nhận về sự đơn giản. Mọi thứ không nhất thiết phải được phân loại là nam hay nữ, áo len có thể chỉ là áo len, sữa tắm có thể chỉ là sữa tắm…”

Trên thực tế, việc tạo ra đồ lót v là một thách thức vì thường có sự khác biệt tự nhiên về vóc dáng và kích thước chân, eo giữa hai giới. Do vậy, hãng này phải mất hơn ba năm để phát triển dòng sản phẩm. Các nhà thiết kế đã kết hợp các yếu tố chung của đồ lót nam và nữ để tạo ra sản phẩm.

noi-y-lam-tu-soi-cellulose
Nội y có hai màu cơ bản trắng và đen

Điều quan trọng đối với Heinonen là sản phẩm phải thân thiện với môi trường. Đồ lót được làm từ 95% vải modal, được kéo từ sợi cellulose chiết xuất từ ​​bột vỏ cây sồi hay còn gọi là cây dẻ gai. Đây là loại cây sống lâu năm ở các nước Bắc Âu, có khả năng kháng sâu bọ cao.

Cellulose sau khi được chiết xuất từ ​​bột giấy, được nghiền thành dạng lỏng và được ép qua một thiết bị giống như rây với vô số lỗ nhỏ giúp hình thành sợi. Sau đó, các sợi này được dệt thành tấm vải, được giặt, tẩy trắng và sấy khô, trước khi được trộn với elastane, loại sợi tổng hợp có khả năng đàn hồi đặc biệt, để tạo sự thoải mái cho người mặc.

Theo nhà sáng lập, quy trình sản xuất loại vải từ thực vật này đòi hỏi diện tích đất và có mức tiêu thụ nước ít hơn 10 đến 20 lần so với cotton. Đồ lót chỉ có một kiểu dáng, với hai màu cơ bản là đen – trắng và có bao bì được làm hoàn toàn từ giấy tái chế.

noi-y-lam-tu-soi-cellulose
Chất liệu vải từ sợi cellulose được ghi nhận ít gây hại cho môi trường so với cotton

Có khả năng phân hủy sinh học 100%

Heinonen là một trong nhiều nhà thiết kế đang hình thành xu hướng tạo ra các sản phẩm phi giới tính có chất liệu thân thiện môi trường. Hiện nay, chất liệu vải modal đang được sử dụng phổ biến để sản xuất các sản phẩm may mặc như tất, đồ lót, chăn gối, quần áo.

Modal được sử dụng rộng rãi trong sản xuất quần áo thay thế cho cotton, với sản lượng hàng năm hơn 4.000 tấn trong ngành dệt may Ấn Độ. Các hãng thời trang dùng riêng chất liệu này hoặc có thể kết hợp với len và các loại sợi tổng hợp khác như vải thun…

Đặc tính thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học 100% đã khiến vải modal được chấp nhận trên toàn cầu trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, mặt hạn chế của vải modal 100% là phải ủi do hay bị nhăn, cũng như có giá thành đắt hơn sợi viscose và cotton 100%.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Dezeen

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/noi-y-lam-tu-soi-cellulose-dung-chung-cho-nam-nu/

Cùng chuyên mục