Những người ưa cãi
Dù dọc dải miền Trung có nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Quảng, nhưng với nhiều người chỉ nói một chữ “Quảng” là hiểu. Là Quảng Nam. Không lộn được. Cũng như cá tính, khí chất con người đất này.
Việc ra đời một cuốn sách lựa chọn những nhân vật đại diện (tạm gọi là vậy) cho cả một cá tính của vùng đất có lịch sử 600 năm, mà tiêu chí chỉ chọn những người đang còn sống, như cuốn “Cá tính Quảng” thoạt đầu thấy là khá “nghịch”. Bởi nhắm mắt cũng liên tưởng tới các bậc Quảng “gộc”, từ Phan Khôi tới Bùi Giáng. Trước đó là Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Ông Ích Khiêm, Thái Phiên, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, cho tới những bậc thầy dân gian Tú Quỳ, Thủ Thiệm,…
Dù cuốn sách đã chia cá tính Quảng ra 5 lĩnh vực: Cãi-Ngông-Hề-Chơi-Làm, nhưng tôi cho rằng đậm đặc và chi phối nhất vẫn là “đức tính Cãi”. Với “Quảng”, nói cãi là còn nhẹ, mà phải gọi là chướng. Những tố chất khác từ máu cãi này mà ra. Cả ngông lẫn chơi. Hề cũng phừng phừng cái chất cãi/chướng. (Nói nhiều về cãi không khéo lại xảy ra cãi nữa thì gay!).
Hơn nữa, liệu cá tính người Quảng đương đại có nhạt bớt đi không? Có! Nơi nào cũng thế. Cũng là bình thường, bởi thời đại quá thay đổi. Không gian làng xã cũng không còn đậm đặc nữa. Quá nhiều thứ để lo toan lẫn thụ hưởng. Với lại cãi cũng phải có người nghe, người nói đế, người xướng kẻ tuỳ, cả người… cãi lại, chứ không rơi tõm, phí mất cả cãi!
Nhưng khi đọc vào, thấy bị thuyết phục. Bởi bản thân cá tính những nhân vật được nhắc đến vẫn đậm đặc như thường. Trần Anh Hùng (1962) cứ kỳ khu và kén chọn với điện ảnh, kể cả những dự án phim lớn như “Rừng Nauy” với Nhật hay mới đây nhất là “Vĩnh cửu” (Éternité) với Pháp cũng cứ làm theo ý mình. Theo kiểu dân Quảng hay nói là “để đó tui!”. Là Cung Tích Biền (1937), cây bút lừng danh từ trước 1975, phiêu bồng mà tự tại giữa mọi biến thiên lịch sử, đời người. Một đồng hương Thăng Bình với Cung Tích Biền là Nguyễn Nhật Ánh (1955) cũng vậy, viết như “bửa củi” mà cứ hồn nhiên như trẻ con, ngơ ngác của một cậu bé suốt đời nhớ quê. Thi sĩ “Người đàn bà ngồi đan” Ý Nhi (1944) qua cái nhìn của bạn thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là cực đoan “không cần biết người ta thích hay không thích chỉ biết rằng TÔI là như thế!”. Điều ít ai biết rằng thi sĩ Phan Vũ tác giả trường ca “Em ơi Hà Nội phố” quê gốc Đà Nẵng – Quảng Nam, nay đã 93 tuổi vẫn trẻ trung, yêu và làm việc sáng tạo “bất chấp tuổi”. Là Lê Kinh Tài (1967) vẽ không giống ai, thậm chí có người còn nói là… chưa biết vẽ! Nhưng những bức “quệt, bôi, trát, phết” nhìn vào muốn cãi lộn ấy lại bán chạy ào ào. Triết gia Bùi Văn Nam Sơn (1947) quan hệ họ tộc rất gần với Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng bên dòng Thu Bồn đất Duy Xuyên. Riêng việc ông cho ra đời bộ sách “chat” với triết gia đã quá cố cũng là kiểu “cãi” của dân Quảng. Chẳng phải những triết gia lừng lẫy thế giới ấy (như René Descartes, Hannah Arendt, John Locke) không còn “ngồi dậy” được để… cãi, mà trong sách ông để cho các “cụ” ấy cãi thoải mái. Nhu cầu tương thoại/luận lý từ hiện tượng triết gia/Quảng Nam Bùi Văn Nam Sơn thật thú vị. Cũng nói thêm: dân Quảng Nam làm báo giỏi vì cãi giỏi. Một thời ở Sài Gòn hàng loạt tổng biên tập, chủ bút đến bỉnh bút đều là người Quảng.
Rồi nữa, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng (1942) lúc nào cũng thùng thình trên mình chiếc… bao tải (hoặc đại loại như vậy) như chàng cao bồi không tuổi ngó vô cũng đã thấy kỳ rồi. Tượng của ông luôn gây ra cái sự cãi. Từ tượng Quang Trung Nguyễn Huệ tới cả cái đầu rồng, đuôi rồng của cây cầu Rồng nổi tiếng Đà Nẵng mà ông vẽ mẫu (hiện đã sừng sững giữa sông Hàn) cũng gây “cãi nhau to”. “Cãi thấy…chết” như lời cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh.
Người đọc còn được thấy phía sau sâu lắng của những ngôi sao showbiz. Danh hài Hoài Linh quê gốc Đại Lộc rất mê và thuộc thơ Bùi Giáng. Về Đà Nẵng diễn, 2-3 giờ sáng nhớ quê bèn “cải trang” chạy về Điện Bàn, Đại Lộc “nhìn quê nhà chìm trong giấc ngủ yên lắng mà lòng phơi phới”. Sự thèm quê, nhớ quê của người nghệ sĩ từng “không nhà không cửa, bôn ba cầu thực”, thậm chí còn tự nhận mình là “dân đầu đường xó chợ”, giản đơn là vậy! Như tâm sự chất chứa nỗi đời “trong cái cười lúc nào cũng ẩn tàng cả cái bi. Tìm được cái cười trong cái bi, cái bi sẽ vơi đi”.
Là sự trộn lẫn chất “ngông” cùng cách chơi đẹp của Đàm Vĩnh Hưng, những cơn “phiêu” của Mỹ Tâm hát với người khiếm thị hát rong trên vỉa hè giữa nửa đêm, tự nhận mình “kể chuyện cười thì người nghe im re, nhưng nói vô duyên thì thiên hạ rần rần cười”. Là ca sĩ Ánh Tuyết nói lái nói hoang thôi rồi. Nội chuyện kỳ công làm cả một album “hát tiếng Quảng Nôm” cũng chẳng giống ai. Là Lê Cát Trọng Lý luôn “trọng lý”, đầy quyết liệt. Những nhạc phẩm của cô cũng toát lên điều đó, và đầy trúc trắc và thăm thẳm phiêu lãng như rừng biển núi đồi miền Trung.
Tôi nhớ tới truyện ngắn “Qua sông” viết năm 1991 của nhà văn Cung Tích Biền dựng lại một câu chuyện về những cư dân đầu tiên nơi xứ Quảng gần 600 năm trước. Sau ngần ấy thời gian của lịch sử và đời người, ông chiêm nghiệm ra “Mỗi một con người sớm mai đẩy cửa ra đường đã nhanh chóng có một thằng bản ngã của nó huênh hoang và lếu láo bước theo… Ngày ngày chúng ta phải cứ hòa nhập với kẻ thù, chung cùng một trái tim”. Đó là con người/loài người nói chung. Còn mảnh đất Quảng Nam này “Những dấu vết xưa, nay có xóa nhòa, tà huy hay bừng sáng, hy vọng nối hy vọng, khổ đau chồng chất khổ đau, máu pha máu, mồ hôi cạn dần trên mỗi xác thân lương thiện, cuộc sống con người có khai mở, sự lạc hậu tối tăm có thể bị đẩy lùi; nhưng không phải thế, vì vậy, mà những manh tâm nơi con người cứ tuần tự phai tàn đi”.
“Cá tính Quảng” (Nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng, 2018) là cuốn sách tập hợp 23 nhân vật xứ Quảng đương đại, ra đời từ tâm huyết của một cô gái quê Quảng Nam cũng đầy chất “bướng bỉnh” có tên là Mỹ Nguyễn. Rời quê nhà vào Nam học hành, rồi quyết tâm khởi nghiệp từ con số 0, nay mới tuổi 28, Mỹ Nguyễn đã chững chạc trong vai trò Tổng giám đốc Công ty cổ phần FSmart chuyên về lĩnh vực truyền thông. Cuốn sách nằm trong dự án Tủ sách Nét Quảng cùng trang web netquang.vn kết nối những người con xứ Quảng ở khắp nơi. |
Trần Tuấn
Theo Tiền phong