Những con cừu cô độc

Năm 2012, khi làm nghiên cứu ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đặt ra một số câu hỏi cho nhóm trẻ em từ 8 đến 10 tuổi, trong đó có yêu cầu các em viết lên nhiều tấm thẻ khác nhau, nêu tên những người xung quanh liên quan nhất đến em, thì hàng loạt những “đầu mối” được kể ra, từ cha mẹ, thầy cô giáo cho tới bác hàng xóm, trưởng thôn, công an viên, cán bộ ủy ban xã.

Nhưng khi chúng tôi hỏi “Ai trong số này có thể bảo vệ các em?”, lũ trẻ trở nên lúng túng. Chúng đưa mắt sang ngang, rồi ngập ngừng ghi ra được vài ba đáp án. Và cũng không lý giải được vì sao em chọn đáp án đó.

Ảnh minh họa

Quả thực bọn trẻ không biết tìm ai khi có vấn đề liên quan đến sự an toàn của chúng, đặc biệt là những vấn đề đớn đau thầm kín. Trong một cuộc khảo sát khác về vấn đề lề hóa ở trẻ em tại Na Rì, Bắc Kạn, tôi cũng từng gặp những bé gái bị xâm hại, bị lừa bán đi và may mắn trở về. Nhưng trước hay sau sự việc, các em đều có rất ít kênh để kể về những gì mà các em phải đối diện, ngay cả với cha mẹ mình.

Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam của UNICEF cho biết, hệ thống hiện hành không có một phương tiện đặc biệt nào và chưa có thủ tục “thân thiện với trẻ em” để các em có thể tự thực hiện quyền tố cáo của mình.

Hôm qua, trong cuộc họp báo tại huyện Việt Yên, Bắc Giang về việc thầy giáo bị tố cáo uống rượu, “sờ soạng” nhiều nữ sinh lớp 5. Phó chủ tịch huyện nói “không có dấu vết nghi vấn”, và rằng vị thầy giáo “chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số em”.

Tôi tin trong bất kỳ cộng đồng nào, dù xã hội tiên tiến, văn minh nhất, vẫn len lỏi những cá nhân có vấn đề. Các nghiên cứu xã hội học cũng đã chỉ ra rằng chúng ta không nên khái quát hóa hành vi của những “kẻ có bệnh” trở thành hành vi của cả một nhóm người liên quan hay tệ hơn là cả ngành đó. Bởi chúng ta ai cũng từng gặp những thầy cô đáng trọng.

Một câu hỏi quan trọng: tại sao các thầy làm được như vậy với hàng loạt đứa trẻ khác nhau? Từ kinh nghiệm tham gia một số nghiên cứu, khảo sát của mình, tôi thử trả lời: Vì giữa thầy giáo và đám trẻ tồn tại mối quan hệ quyền lực không cân xứng. Một bên là kẻ nắm quyền chi phối và bên kia là những người yếu thế, không có tiếng nói. Đứng trước một mối quan hệ quá chênh lệch về quyền lực, những người yếu thế bị tách lẻ, cô độc lại càng sợ hãi và co cụm. Càng sợ hãi, các em càng yếu đuối trước sự lạm dụng, nếu có, của phía kia.

Thử hình dung, trong một ngôi trường đóng cổng, xung quanh ông thầy giáo và lũ trẻ còn những ai? Ngoài khung giờ ấy, liệu các em với sự non nớt và yếu thế của mình, có dám cất tiếng nói với người khác về hành vi của thầy giáo? Điều đó chỉ xảy ra khi em có điểm tựa là sự hiểu biết vững vàng, có một cơ chế để lên tiếng, để tự bảo vệ mình và các em phải hiểu sâu sắc chính cơ chế ấy.

Mặc dù mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại, nhưng các nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra, một số nhóm đặc biệt có nguy cơ cao hơn so với những trẻ em bình thường. Đó là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thuộc nhóm dân tộc thiểu số, trẻ em kém phát triển, trẻ em sống xa cha mẹ, ở những nơi có nhiều bất ổn, xung đột chính trị. Đặc điểm chung của các em là ít có tiếng nói, nghèo khó, ít được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó hoặc không có khả năng chống đỡ khi bị xâm hại.

Những văn bản lặp lại rất nhiều từ “bảo vệ trẻ em” có ý nghĩa gì nếu những chênh lệch và các khoảng trống quyền lực kia còn tồn tại? Hành vi xấu không tự nhiên mà có, lặp lại và ngang nhiên đến vậy. Nó được dung dưỡng hoặc lờ đi bởi một hệ thống.

Chúng ta cần sửa đổi từ nguyên nhân chứ không phải chỉ trích tấn công một cá nhân – chỉ là một mắt xích trong hệ thống. Bắt giam, đuổi khỏi ngành vị này thì sẽ còn những vị khác nếu cách thức tương tác của những người có liên quan đến trẻ em vẫn như cũ, nếu các em vẫn không thể tìm ra một điểm tựa – là nơi lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của chúng.

Cho nên, dù tiếp tục mở rộng điều tra thêm những trường hợp tương tự cũng không đủ, mà cơ quan bảo vệ trẻ em, ngành Giáo dục cần thực hiện các nghiên cứu, phân tích một cách độc lập, khách quan để thấy: cơ chế vận hành hệ thống trường lớp đang “ban” cho người lớn thứ quyền lực nào; hệ thống bảo trợ và chăm sóc trẻ em còn những tồn tại gì, có thực sự làm đúng chức năng phận sự của nó không; tương tác giữa các cơ quan này và trẻ em ra sao.

“Cần một ngôi làng để nuôi dưỡng một đứa trẻ”, câu ngạn ngữ châu Phi viết. Và để trẻ bị xâm hại, cũng là lỗi của cả ngôi làng.

Nguyễn Thu Quỳnh
Theo Vnexpress.net

Cùng chuyên mục