Những bức thư tay chữa lành trái tim vụn vỡ
Tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình là thứ sẽ tồn tại mãi theo thời gian, mặc cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến, và chỉ có gia đình mới có thể giúp những trái tim tan vỡ được hồi sinh.
Là một nhà văn cũng là một bác sĩ tâm thần học về tâm lý trị liệu gia đình, Gérard Salem đã mang đến một tác phẩm “chữa lành”: Trưởng thành khi biết khoan dung (nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành).
Quyển tiểu thuyết hoàn toàn là những bức thư được các nhân vật trao đổi với nhau. Nhưng mỗi bức thư mang đến một điều kỳ diệu riêng, và tổng hợp lại trở thành một câu chuyện xuyên suốt, đầy cảm xúc và tính nhân văn. Mở đầu là bức thư Boris gửi cho cha mẹ khi anh được bác sĩ Yuri khuyên làm để giúp ích cho quá trình trị liệu, và kết thúc tác phẩm là bức thư của Sabine – đứa con, đứa cháu gái gửi cho cả gia đình của mình.
Qua từng bức thư, các nhân vật trưởng thành hơn, khoan dung, thấu hiểu nhau hơn. Các mối quan hệ khác của những thành viên trong gia đình dù là cha mẹ – con cái hay vợ chồng, các chị em gái, những đứa trẻ đều nhờ những bức thư tay mà gắn bó, biết chia sẻ với nhau hơn trước. Điều kỳ diệu của từng bức thư chính là đến cuối cùng đại gia đình của Lionel và Sophie được tụ họp vào đêm Giáng sinh. Boris gỡ bỏ được nút thắt bấy lâu với cha mẹ mình, những đứa con được quây quần bên cha mẹ, những đứa cháu được ông bà ôm gọn trong vòng tay và những điều thiêng liêng được trở về với họ sau những biến cố…
Những bức thư được viết bằng tay trong thời đại mà các cách thức liên lạc qua điện thoại, internet phổ biến thật sự quý giá. Người mẹ Sophie đã viết trong thư cho Boris rằng: “Mẹ đã hít hà thật lâu tờ giấy kia, mực viết kia, phong bì kia, vì muốn tìm thấy mùi hương của con, (…), Rồi mẹ đọc đi đọc lại thư con, tim đập nhanh. Nước mắt làm nhòa mắt mẹ và mẹ đã phải nhìn từ đầu đến cuối nhiều lần nét chữ nghiêng nghiêng của con…”.
Hay như tình cảm mà người cha Lionel khó bày tỏ cho con trai mình bằng lời nói thì nay đã được thể hiện một cách mãnh liệt qua từng câu chữ của chính ông: “Ta muốn rằng lá thư này trái ngược với Thư gửi cha của Kafka. Đây là một lá thư gửi con trai. Ta đang cố phanh trần trước mặt con chính tấm lòng mình. Cho dù lý tưởng của con ngày nay có là gì đi nữa, cho dù lý tưởng của con có khác của ta đến mức nào đi nữa, trước hết con rất quan trọng đối với ta, con là một phần cuộc đời ta”.
Trưởng thành khi biết khoan dung để lại cho người đọc một cảm nhận thấm thía rằng, dù cho mỗi người sống cùng gia đình mình theo những cách hoàn toàn khác nhau thì hãy luôn vững tin rằng gia đình luôn ấm áp, yêu thương như đốm lửa nhỏ âm ỉ, cháy mãi trong trái tim mỗi thành viên. Trong mọi khốn cùng tuyệt vọng, thì đốm lửa ấy vẫn không hề tắt. Tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình là thứ sẽ tồn tại mãi theo thời gian, mặc cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến.
Và chỉ có gia đình mới có thể giúp những trái tim tan vỡ được hồi sinh.
Nhà văn Gérard Salem sinh năm 1946 tại Beirut, mất năm 2018 tại Lausanne (Thụy Sĩ). Ông là nhà văn, bác sĩ tâm thần học về tâm lý trị liệu gia đình. Các sáng tác văn học của ông chủ yếu lấy đề tài từ nghiên cứu về tâm thần học và tâm lý trị liệu. Gérard Salem thường xuyên tham gia hội thảo ở nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Ý, Pháp) và hợp tác với những chương trình nghiên cứu quốc tế chuyên sâu về trị liệu gia đình tại các bệnh viện và trường học. |
Hồng Hạnh
Theo phunuonline.com.vn
Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/nhung-buc-thu-tay-chua-lanh-trai-tim-vun-vo-a1437706.html