Nhớ thương hai chữ Quảng… Nôm!

Trong các tỉnh thành của Việt Nam, có một tỉnh mà tên của nó gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước, đó là xứ Quảng Nam! Ông cha ta, trong quá trình mở mang bờ cõi cứ tiến dần về phương Nam. Cuộc hành trình đó nằm gọn trong hai chữ “Quảng Nam” – nghĩa là mở rộng về phương Nam.

Quán Hoa Giấy...
Quán Hoa Giấy…

1. Sài Gòn, hơn mấy thế kỷ qua, luôn như một người mẹ bao dung giang tay đón nhận những đưa con từ tứ xứ tập trung về. Tài giỏi có. Vụng về có. Hiền ngoan có. Hư hỏng có. Người Quảng Nam, trong dòng người phiêu bạt về phương Nam theo dòng chảy của lịch sử, hầu như đều quy tụ về cái đất Sài Gòn cũng vì lẽ đó. Hành trang chung của những lưu dân xứ Quảng, bên cạnh hình ảnh thân thương của những buổi nắng trưa trên đồng khô cỏ cháy, của những đêm khuya chớp bể mưa nguồn… của vùng đất quê hương, hẳn là hồi ức về những món ăn mang đậm hương vị và bản sắc của cái xứ “chặt to kho mặn”. Họ muốn giữ cái bản chất đó cho bản thân, và cho những thế hệ con cháu mai sau, giữa vô vàn biến động của cuộc sống. Chỉ có người Quảng Nam mới tạo được riêng cho mình một cái chợ bình dân kiểu thôn quê đầy ấn tượng ngay giữa đất Sài Gòn hoa lệ, chỉ để mua bán những đặc sản của quê mình. Chợ Bà Hoa! Cho nên cũng chẳng ngạc nhiên khi Việt Nam ta có đến mấy tỉnh bắt đầu bằng chữ Quảng, nhưng hễ nói đến hai chữ “người Quảng” là hầu như người Sài Gòn nào cũng chỉ nghĩ đến cái xứ Quảng Nam!

Đã hơn nửa thế kỷ, ngôi chợ nhỏ ở quận Tân Bình đó mặc nhiên trở thành biểu tượng của những món ăn xứ Quảng. Mà có phải là những thứ gì đặc biệt, cao sang gì cho cam. Toàn những món ăn thuộc loại bình dân… học vụ! Bánh tráng, mắm cái, mỳ Quảng, cá đối kho dưa, cá chuồn chiên, mít trộn, hến xào, bánh tét, cao lầu… Nếu liệt kê ra cho đầy đủ món ăn nơi đó chắc cũng phải đến cả chục trang giấy A4 chứ không chơi. Nhưng hễ đã nói đến món ăn xứ Quảng là nói cái chất thô mộc, đậm đà. Như bản chất con người xứ Quảng vậy. Có người đùa, một lát thịt heo luộc trong đám giỗ của người dân quê Quảng Nam đủ để người Huế hay người Hà Nội biến thành một đĩa thịt. Nó ú na ú nần. Người dân quê Quảng Nam, khi ăn thích ngồi chồm hổm hoặc bỏ một chân lên ghế, cắn bánh tráng rốp rốp, nói cười hỉ hả, gắp một miếng thịt luộc to tổ bố, kẹp rau chấm nước mắm, ăn mới thấy… đã cái miệng. Vô quán mỳ Quảng nào bất kỳ, khi tô mỳ được dọn ra, nếu thấy một thực khách chưa nếm chi hết mà đã chan ngay muỗng nước mắm vào tô mỳ thì bạn tin chắc đó là dân “Quảng Nôm dzin”! Nếu hỏi, có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời: “En phải en mẹn rứa mới đõa” (xin dịch ra… tiếng Việt: “Ăn phải mặn mặn vậy mới đã”!).

...và món mỳ đậm chất Quảng giữa Sài Gòn.Ảnh: L.H
…và món mỳ đậm chất Quảng giữa Sài Gòn.Ảnh: L.H

2. Nhưng có một điều thiếu sót, đó là người Sài Gòn mỗi khi nói đến món ăn xứ Quảng Nam thì thường chỉ nhắc hai món: mỳ Quảng và cơm gà Tam Kỳ. Hai món đó đúng là đặc sản Quảng Nam thiệt. Nó “tung hoành giang hồ” để biến thành một thương hiệu thuộc một loại “nhất lưu cao thủ”, và khẳng định được bản thân mình, như “phở Hà Nội” hay “cơm tấm Sài Gòn”. Phần lớn các tiệm ăn của người Quảng Nam tại Sài Gòn chỉ tập trung kinh doanh hai món này. Nhưng món ăn đặc sản của xứ Quảng đâu phải chỉ có ngần ấy. Còn biết bao nhiêu là món đặc sản khác nữa. Nhưng rất ít quán khai thác cho đầy đủ các món ăn này.

Trong số rất ít ấy, quán Hoa Giấy ở đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3 gây được ấn tượng khá sâu đậm cho thực khách. Chủ quán dĩ nhiên cũng là người Quảng vào Nam lập nghiệp. Không chỉ vì ở đó có nhiều món ăn xứ Quảng, vừa phong phú vừa ngon, mà quán còn hấp dẫn thực khách bởi kiểu dáng của quán nữa. Nếu bạn chưa bao giờ có dịp đến Hội An để thưởng thức không khí ẩm thực ở đấy thì quán Hoa Giấy sẽ giúp bạn tìm được cảm giác đó. Quán được quét vôi màu vàng giống như tường của những ngôi nhà ở phố cổ Hội An. Những món ăn được đặt trên những cái “trẹt” bằng tre đan, khiến những khách tha hương không khỏi hồi tưởng không khí ngày cũ ở quê nhà. Rau tươi để ăn mỳ ở đây hầu như luôn được cung cấp trực tiếp và nhanh chóng từ Quảng Nam, nhờ những chuyến xe chạy đường dài mỗi ngày. Rau ở đây đã được chọn nên có lẽ còn phong phú hơn cả ngoài quê!

Ở Sài Gòn, nếu có lúc chán những quán cà phê vỉa hè bình dân, chán những nhà hàng máy lạnh sang trọng thì bạn thử một lần ghé đến những quán như quán Hoa Giấy, dù để uống một ly cà phê hay để thưởng thức những món ăn dân dã, bạn sẽ tìm một chút gì đó thân thương của đất Quảng Nam.

Liêu Hân

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục