Nguyễn Nhật Ánh viết về nỗi ám ảnh cái chết trong sách mới

“Cảm ơn người lớn” tiếp nối cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” khi nhóm bạn đối diện với nỗi lo âu về tuổi tác.

Cảm ơn người lớn là tác phẩm thứ 44 của nhà văn gốc Quảng Nam do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Sách ra đời đúng thời điểm tròn 10 năm cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ phát hànhđược xem là phần tiếp theo với các nhân vật Mùi, Tủn, Tí sún, Hải cò…

Ở cuốn mới, Nguyễn Nhật Ánh viết nhiều về nỗi ám ảnh tuổi già, cái chết. Sách có chương Bạo chúa thời gian, miêu tả bốn người bạn thuở ấu thơ gặp lại ở độ tuổi 50. Họ không còn trò chuyện về những trò chơi quen thuộc, những dự định điên rồ. Thay vào đó, họ hỏi thăm về nồng độ cholesterol trong máu, bệnh gout… Ngày trước, họ nhìn trái tim nghĩ đến tình yêu, giờ chỉ liên tưởng đến phòng khám sức khỏe, bệnh động mạch vành. Ý niệm về thời gian thường trực trong các nhân vật, như lời chia sẻ của nhân vật Mùi: “Ước gì sống không nghĩ đến thời gian, nghĩ đến là thấy tức nghẹn họng”. Sách đề cập tới một nghịch lý khi làm người lớn: thuở bé thèm nhiều món, đến khi trưởng thành, làm lụng kiếm tiền lại không dám ăn.

Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt sách sáng 7/11 tại TP HCM. Ảnh: Mai Nhật.
Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt sách sáng 7/11 tại TP HCM. Ảnh: Mai Nhật.

Những câu hỏi về cái chết được đặt ra trong một số chương. Nhà văn nêu vấn đề: “Bạn có sợ chết”, “Bạn cảm thấy gì khi nghĩ đến cái chết”. Rồi ông tự trả lời: “Tôi không sợ nhưng tôi cảm thấy buồn. Những cái chết luôn gieo vào hồn tôi một nỗi quạnh hiu. Mỗi khi một người quen biết qua đời, lòng tôi lập tức hóa thành tháng mười một mưa dầm”. Dù chật vật với những lo âu của tuổi trung niên, những người lớn trong sách vẫn giữ tinh thần trọng nghĩa khí, yêu thương đùm bọc xóm giềng, như bầy trẻ thuở nhỏ.

Cảm ơn người lớn cũng là một trong những ấn phẩm được ông đăng dẫn nhiều bài thơ tự sáng tác, bên cạnh các cuốn Mắt biếc, Những cô em gái… Khi viết về thời gian, nhà văn liên tưởng tuổi tác biến tóc người ta thành hoa lau: “Sông chưa kịp lớn/ Hoa lau đã già/ Lòng như chợ vãn/ Vắng chân người qua/… Gặp em bữa nọ/ Tóc xõa ngang mày/ Hồn ta lá đỏ/ Về thức bên cây…”. Sáng tác thơ trong sách văn xuôi là sở thích của Nguyễn Nhật Ánh – một cây bút xuất thân là nhà thơ. Theo ông, sự lồng ghép đó thể hiện tư duy nhất quán giữa thơ và văn khi cùng kể về một câu chuyện, đề tài. Ngoài ra, đó cũng là cách ông giải tỏa “cơn khát” sáng tác thơ, bởi tập thơ gần đây nhất của ông phát hành vào năm 1994.

Cuốn "Cảm ơn người lớn".
Cuốn “Cảm ơn người lớn”.

Truyện được in 150.000 bản, trong đó 130.000 bìa mềm và 20.000 bìa cứng, họa sĩ Hoàng Tường vẽ minh họa. Nhà xuất bản đầu tư chất liệu in – một loạt giấy từ Nhật Bản – phù hợp bảo quản trong khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Truyện sẽ được ra mắt ở một số nơi khác như California (Mỹ), Tokyo (Nhật), Đài Bắc và Cao Hùng (Đài Loan), Đông Âu… thông qua các hội sách.

Sách phát hành toàn quốc vào ngày 17/11. Sáng cùng ngày, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ ký tặng sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP HCM). Nhà văn cũng có buổi ký tặng tại Thư viện Hà Nội sáng ngày 9/12.

Sách Nguyễn Nhật Ánh từng nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh. Năm 1994, phim Áo trắng sân trường được ra mắt, do Lê Dân đạo diễn, dựa trên truyện Nữ sinh, dàn diễn viên bao gồm Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Ngô Mỹ Uyên… Năm 1998, phim Chú bé rắc rối dựa trên truyện cùng tên được Phùng Ngọc – diễn viên phim Đất phương Nam – đóng vai chính. Năm 2004, phim truyền hình Kính vạn hoa được ra mắt, với các diễn viên: Ngọc Trai, Tiểu Long, Anh Đào… Phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn, ra rạp vào năm 2015, mang đến doanh thu kỷ lục ở phòng vé Việt. Tác phẩm Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh cũng sắp được đạo diễn này chuyển thể lên màn ảnh.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục