Người đón ánh sáng nhân gian

Dịch Covid-19 khiến Hằng Ross phải tạm ngừng leo núi một mình trong đêm tối. Nhưng Góc ảnh của tờ The Daily Echo, nhật báo vùng Southampton vẫn chọn đăng những khuôn hình tràn ngập ánh sáng nhân gian by Hằng Ross. Không chỉ luồng ánh sáng, mà nguồn cảm hứng sống cũng không ngừng tràn qua ống kính của người phụ nữ gốc Việt ở Anh này.

Ngày rời London

Chuyện tôi tới nhà Hằng Ross ở Portsmouth không nằm trong kế hoạch ban đầu. Tôi định chơi London 5 ngày trước khi lấy tàu đi Liverpool, sau đó sang Scotland. Rồi nghĩ lại, tự hỏi mình sẽ làm gì ở London với hai đứa con nhỏ? Giao thông công cộng quá đắt đỏ, mới nạp 10 bảng vào thẻ, nhảy một chặng bus và một chặng tàu tổng cộng nửa tiếng từ ngoại ô vào trung tâm đã hết tiền. Tháp Big Ben còn trùng tu đúng Hè hai năm trước. Đã mang tiếng cưỡi ngựa xem hoa, mà đến cái mặt đồng hồ còn không được ngó?!

Vừa may Hằng Ross gợi ý “Đến cảng Portsmouth chỗ tớ đổi gió đi.”

nguoi-don-anh-sang-nhan-gian
Ảnh chụp bình minh Dorset của Hằng Ross

Cùng lúc, tôi cập bến nhiều loại hình nghệ thuật, văn học, điêu khắc, hội họa, âm nhạc ở Portsmouth. Và được bước vào góc sống vừa đủ êm đềm để sáng tạo vừa đủ rộn ràng để đỡ nhớ nhà của Hằng Ross.

Tên đầy đủ của Hằng là Hằng Lê Ross. Cô theo họ chồng từ khi kết hôn với Shaun Ross – người đàn ông hào sảng và mạnh mẽ sinh ra, lớn lên từ thành phố cảng biển quân sự lâu đời Portsmouth phía Nam nước Anh. Chuyến tàu vừa đổ khách xuống cảng, mới đi bộ mươi bước đã thấy lồng ngực mình mở căng ra, tràn đầy khí và gió mát lành. Hình ảnh đối ngược đập ngay vào mắt. Tòa tháp Spinnaker cao nhất Anh giống cánh buồm vừa nhô lên từ biển. Khu mua sắm Gunwharf Quays cũng bóng lên màu sầm uất trong cái nắng hào phóng rót xuống hải cảng. Nhưng ngang tầm mắt thôi, một tượng đài đôi màu xám xanh nhìn ra bến phà Gosport: bé gái ống chân vùi dưới bùn, vành môi cong thơ trẻ, tay vén váy tay dâng đồng xu lên ngực một người đàn ông cầm ống bơ, quần cũng xắn cao trong tư thế lội nước.

Người ta khắc lại cảnh này và đặt trên cảng để nhắc một thời Portsmouth từng buồn như thế nào. Để mua vui cho khách, và để kiếm được vài shilling lẻ, những đứa trẻ nghèo bò, trườn, ngụp hẳn xuống bùn trình diễn trò đứng bằng tay, cắm đầu xuống lớp sình lầy mò các đồng xu khách đứng từ trên cầu ném xuống.

Sống trong bầu không khí đặc biệt ấy, trong thứ hiện tại vừa sắc quá khứ vừa nét tương lai này, Hằng Ross – bạn đồng khóa cấp ba 1991 – 1994 tại Hà Nội của tôi đã tìm thấy niềm đam mê cầm máy. Nhưng phải có cú hích đặc biệt, những tác phẩm của cô mới rời góc ảnh riêng tư để ra với công chúng. Mọi sự bắt đầu từ Shaun Ross.

Vừa qua phà Gosport đã thấy Shaun và Hằng đứng chờ. Hiếm rể Tây nào như Shaun. Anh nồng nhiệt, dễ bắt chuyện và hiểu chuyện. Anh không tạo cảm giác khác biệt văn hóa ở nhiều khía cạnh. Vì thế bạn bè Việt chúng tôi hay gọi anh bằng cái tên thân mật anh Xôi. Ngẫm ra, thế gian mấy đàn ông được như anh. Lần đầu thăm vợ chồng anh mà tôi kéo theo hai con nhỏ, thêm chị gái ruột và bạn của chị gái. Kể cũng ngại. Lúc ấy đang giữa trưa, nắng tháng Bảy ở cảng biển bắt đầu gắt gỏng trên da thịt và chói chang tầm mắt. Xôi đội mũ cối bộ đội mang ở Việt Nam sang, đứng nướng thịt ngoài vườn đãi bạn của vợ. Tôi nhớ mãi hình ảnh người đàn ông Anh mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tay phe phảy quạt, miệng rôm rả chuyện biển, chuyện cảng, chuyện tàu bè, chuyện Việt Nam…

nguoi-don-anh-sang-nhan-gian
Vợ chồng Hằng Ross

Ôm con chờ vợ

Vài tháng sau chuyến thăm của tôi ở Gosport Hè 2018, Xôi quyết định tặng vợ món quà ý nghĩa đúng Boxing Day – ngày nghỉ lễ 26/12 sau Giáng sinh tại Anh. Dự báo trời sẽ có nắng. Xôi thức dậy từ 5 giờ sáng, cùng vợ ngồi xe hai tiếng đi Durdle Door chụp ảnh thời khắc mặt trời chiếu qua cổng đá. Đây là cơ hội nắng đẹp hiếm có, chỉ xảy ra vào tháng Mười Hai và đầu tháng Một trong năm tại biểu tượng Durdle Door, di sản thế giới ở Dorset phía Tây Nam nước Anh.

Định mệnh gắn họ vào những chuyến đi. Trước chuyến ngồi xe buýt hai tiếng đi đón ánh sáng nhân gian kể trên, Hằng kể chuyến đi dài nhất tới nay là hành trình Hà Nội – Tokyo – Texas để gặp Xôi, rồi cùng bay sang Sao Paolo, hướng tiếp tới Rio de Janeiro ở Brasil. 48 giờ trên máy bay và loanh quanh sân bay, cho một chuyến công tác, còn kết hợp một chuyện quan trọng nữa. Trên bãi biển Copacabana, (lại dính líu đến biển!), Shaun Ross – viên quản lý bán hàng kiêm thiết kế linh kiện kiểm tra độ chính xác của tàu biển tại Anh đã quỳ gối cầu hôn Hằng. Lúc đó Hằng đã là Phó Giám đốc đối ngoại cho Vina-Nichi (Centre for Technology Development, áp dụng công nghệ thích hợp về sinh học và môi trường, ứng dụng công nghệ vi sinh của Nhật ở Việt Nam).

Hằng bảo vì công việc mà cả hai cùng phải đi nhiều. Quá nhiều. Nhưng cho đến giờ, Xôi vẫn cùng vợ trong nhiều chuyến đi không liên quan công việc chuyên môn của anh. Tôi nghĩ đây là cách nuôi dưỡng tình yêu của họ, dần thành thân thuộc, hiểu nhau đến độ biết vun đắp niềm đam mê cho nhau. Thế mới gọi là thành công của hôn nhân, của trạng thái sống và của sự quyết định chung sống.

nguoi-don-anh-sang-nhan-gian
Vợ chồng Hằng Ross

Dĩ nhiên, không phải lúc nào Xôi cũng bên Hằng. Anh khuyến khích, đi cùng, rồi ôm con nhỏ lùi lại phía sau chờ vợ. Tôi rất thích cách Hằng tả Xôi thường lùi lại phía sau như thế nào để Hằng tiến lên phía trước. Hằng phải xoay xở một mình chọn thế đứng và khoảnh khắc chụp ảnh. Chẳng ai thực hiện đam mê của mình bằng bàn tay và đôi chân người khác. Chuyến đi đúng Boxing Day hai năm trước, Xôi đưa vợ đến Dorset rất sớm. Khi anh lùi về phía sau, Hằng bị hai thợ săn ảnh chuyên nghiệp chen ngang tranh cơ hội chớp khoảnh khắc mặt trời chiếu qua cổng đá.

Bị đẩy lại phía sau, vô tình ống kính của Hằng bắt được khuôn hình giá trị: bóng hai người đang quỳ gối trước sự huy hoàng của mặt trời hiện ra từ cổng đá thiên nhiên dựng trên biển. Một trong hai người chen ngang được Hằng cho xem bức ảnh cô vừa chụp, thốt lên “Thôi, tôi thua rồi!” Có vị khách cùng chuyến xe buýt trên đường về được Hằng cho xem ảnh, chợt hỏi “Cô là thành viên nhóm Dorset Club hay sao mà chụp đẹp thế?” Hằng chợt nghĩ, tại sao không thử gửi ảnh đến câu lạc bộ này nhỉ. Bình minh Dorset trở thành bức ảnh đầu tiên của Hằng được đăng trên tờ The Daily Echo, tái in tạp chí Dorset Living và vinh dự được chọn trưng bày trong Triển lãm ảnh của vùng.

Hơn 20 bức ảnh chọn đăng báo đến nay by Hằng Ross, rất nhiều bức được in rất nhanh, công lao hậu trường của Xôi và Sam rất lớn. Hằng thương Xôi và thương Sam – con trai bé bỏng lắm. Để có những bức ảnh như mong muốn, nhiều ngày Xôi và Sam phải dậy sớm, Xôi căng mắt lái còn Sam ngủ gục trong xe. Tới nơi, Hằng cặm cụi leo núi trong bóng tối một mình, còn Xôi quay lại xe ôm con ngồi chờ. Hằng tả “Xuống núi thấy hai bố con ngủ co quắp trong xe vì lạnh. Yêu lắm hai cái đuôi đi đâu cũng lẽo đẽo theo.

nguoi-don-anh-sang-nhan-gian
Hằng Ross và chồng trong chuyến đi Na Uy

Góc sân và khoảng trời

Sự đơn giản cũng là sự tinh tế tột cùng – Simplicity is the ultimate sophistication. Hằng thích câu nói này của Leonardo Da Vinci. Cô mê man vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên và say mê ngắm sự chuyển mình của thời tiết. Khi lá đồng loạt đổi màu. Khoảnh khắc nụ hoa hé mở. Giọt sương đánh đu vào lá cỏ mỏng. Bông sen sắp tàn gắng tựa cánh úa vào lá xanh. Cho nên, chụp ảnh kiểu này đòi hỏi lắm công phu.

Na Uy là điểm yêu thích đầu tiên của cả hai vợ chồng bởi vẻ đẹp tự nhiên, phong cảnh hùng vĩ. Xôi thuê xe tự lái từ trước bình minh cho đến khi mặt trời lặn, dọc những kênh đường trập trùng núi, mênh mông biển. Chạy xe cả ngày, trong túi chỉ có mì tôm và trái cây mang theo chống đói. Khi bão tuyết, lúc nắng lành, mỗi cuối tuần rong ruổi chặng 2.000 cây số là chuyện thường. Khoảng trời của họ cứ thế mà rộng mãi ra.

Dịch Covid-19 hoành hành, những chuyến rong ruổi như vậy phải tạm dừng, ngày 16/7/2020 tờ The Daily Echo vẫn đăng bức ảnh mặt trời trôi lên vừa vặn lọt cửa sổ pháo đài Corfe do Hằng Ross chụp minh họa cho bài viết 10 ngôi làng gây hiệu ứng đặc biệt nhất khi chụp lên ảnh và chia sẻ trên Instagram. Hằng đã leo lên núi từ 5h sáng để chờ khoảnh khắc này. Nhưng là từ năm ngoái.

Có lúc tôi tự hỏi, chân chạy quen rồi, những tháng ngày loanh quanh ở nhà vì dịch bệnh này, có khi nào Hằng mất cân bằng, mất cảm hứng. Rõ ràng nguồn ảnh của Hằng Ross vẫn đang có cách vận hành riêng, không dừng lại. Đáng quý hơn, xem ảnh cũ, Hằng bảo cảm hứng lại tràn về, muốn cầm máy lên đường. Hóa ra, chính cô cũng được nuôi dưỡng cảm hứng từ tác phẩm của cô, từ cách sống của cô. Và rồi, mạch sống ấy tràn ra xung quanh, thấm vào người xem ảnh. Bức ảnh Hằng chụp chân dung Ngân Trương in bìa tự truyện Tôi đang và sẽ sống kể về cuộc chiến suốt 8 năm chống căn bệnh ung thư vú là ví dụ. Nhân vật trong ảnh, Trương Thanh Ngân, bạn chung của Hằng và tôi, để đầu trọc, đôi mắt đẹp được trang điểm kĩ đang nhìn xuống. Trông Ngân gần như đang nhắm mắt. Kì lạ, từ tư thế nhìn xuống này lại bật lên vẻ kiêu hãnh, ung dung như cô đang nhìn thẳng vào mắt độc giả mà bảo: bạn thấy đấy, tôi đang vui sống và yêu sống.

nguoi-don-anh-sang-nhan-gian

Trở lại khu vườn trên cảng biển Portsmouth mùa Hè 2018. Dưới ánh mặt trời là rộn rã tiếng cười bố mẹ, chị gái và các cháu của Hằng từ Việt Nam sang chơi. Là khói thơm thịt nướng ngào ngạt bay ra từ chiếc lò than nơi Xôi đầu đội mũ cối tay phe phảy quạt. Một góc sân bừng lên màu xanh rau muống, cà chua, kinh giới, tía tô, húng quế, thì là, ngải cứu, lá lốt, rau răm… Hằng đang có cả không khí Việt Nam dưới bầu trời nước Anh đấy thôi. Mong ước sống giàu chắc cũng chỉ đến thế là cùng.

Thoắt cái mà Hè này, Hằng không đi xa được, bố mẹ cũng chẳng thể sang thăm. Xôi lặng lẽ ra biển mò ốc hương, bắt cua mang về cho vợ nấu bát bún riêu bún ốc mát mẻ ngày Hè. Khi anh từ biển trở về, bếp đã thơm mùi bánh Hằng tự tay ủ bột và nướng. Bánh mì đen, bánh mì húng hạt dẻ cười, bánh mì hạt óc chó và quả chà là, bánh sữa chua hạnh nhân… Cô cũng đã kịp ra vườn hái hoa mang vào, bày bánh lên đĩa. Trong khi chờ chồng con cùng ngồi vào bàn, Hằng lôi máy ra đón lấy góc bình minh khi ánh dương từ biển bắt đầu tỏa hơi ấm trên khoảng vườn xanh…

Kiều Bích Hương

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục