Lắng nghe cơ thể mình

Thỉnh thoảng chúng ta nhận được tin sốc về một người nào đó ra đi đột ngột. Nhiều nguyên nhân như ung thư, tắm khuya bị đột quỵ, thường xuyên ra vào nơi chênh lệch nhiệt độ nhiều… Điều lạ là dường như những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y đang dần được… trẻ hóa. Phải chăng năng lực đề kháng của chúng ta đang yếu đi?

Nguyên nhân về y khoa thì nhiều lắm, Tây y và Đông y đều luận được, nhưng bất lực trước những tai họa bất ngờ. Nếu chỉ biện biệt với hàng đống kiến thức, chữ nghĩa sẽ không tìm ra cách phòng chống bệnh tật, mà có nhẽ cũng khiến bệnh tật thêm trầm trọng. Vậy thì chúng ta thử đặt câu chuyện ra ngoài y học để bàn xem có góc nhìn nào khả quan hay không.

Không có máy móc thiết bị nào có thể đo đạc và hiểu được cảm xúc tình cảm của thằng người. Không một ông bác sĩ giỏi nào có thể cảm nhận được hết nỗi đau của bệnh nhân. Chúng ta có thể có rất nhiều tiền, đến những bệnh viện xịn nhất thế giới, nhưng chỉ có bản thân mới tự hiểu mình. Chỉ có sự lắng nghe cơ thể một cách tinh tế mới chẩn đoán được cái chúng ta cần. Bởi trước khi xảy ra một tình huống nguy nan, cơ thể luôn có những chỉ dấu báo trước mà chúng ta không để ý thấy.

Nói đến lắng nghe cơ thể, nhiều người cho rằng khó. Đúng là khó, nhưng có lý do khiến cho việc lắng nghe cơ thể trở thành khó. Thậm chí nhiều người muốn học cách lắng nghe cơ thể. Rất tiếc, việc lắng nghe cơ thể lại là việc không thể dạy và học.

lang-nghe-co-the-minh
Ảnh minh họa. Nguồn: tranquithanh.com

Thực tế, lắng nghe cơ thể không khó. Ai cũng có khả năng thiên bẩm tự lắng nghe cơ thể mình. Có rất nhiều biểu hiện của cơ thể, mà chúng ta lắng nghe được thì sẽ cảm nhận được sự đổi thay nào đó (có thể tiêu cực hay tích cực). Ví dụ miệng đắng không muốn ăn có nghĩa là chúng ta nên kiểm tra vấn đề của túi mật, vì nơi đây tiết ra dịch tiêu hóa. Nếu bị táo bón, chúng ta cần biết rằng như vậy là hệ thống xả thải của cơ thể đang có trục trặc. Chất thải lâu ngày không xả sẽ gây ô nhiễm, tức là táo bón sẽ khiến chúng ta tích độc trong cơ thể. Nếu môi khô nẻ, có nghĩa là tỳ (tụy) của chúng ta đang hoạt động không tốt, vì thế tiêu hóa kém, thực phẩm ăn vào nhưng không chuyển hóa dưỡng chất nuôi cơ thể. Nếu chân lạnh, đầu nóng thì tức là âm dương không hòa hợp, sẽ ủ bệnh nan y. Bởi thuận nhẽ thì đầu phải mát và chân phải ấm. Những người bị sốt thì đầu thường bốc hỏa, nếu đầu dịu mát thì sẽ hết sốt,….

Có những chuyện lắng nghe cơ thể để thấy sự thay đổi tích cực trong cơ thể. Ví như việc tuyên truyền khuyên răn nhau bỏ thuốc lá rất khó. Nhưng có nhiều người tự nhiên bỏ được thuốc dù đã nghiện thuốc lá vài chục năm. Bởi khi họ bỏ thuốc là lúc mà họ hút thuốc không còn thấy ngon nữa, mà khi đó có cảm giác khó chịu. Có nghĩa là cơ thể họ phản ứng không dung nạp khói thuốc nữa. Có những chuyện thật như đùa, bởi trên đời vẫn có những bà mẹ vô tâm khi con gái dậy thì mà cũng không biết, lại cứ ngỡ con mình mắc bệnh. Và thế là lập tức đưa con đi viện. Chuyện điển hình của việc vô tâm với cơ thể.

Dù rằng ai cũng muốn níu kéo sức trẻ và tuổi xuân, nhưng nguyên lý tự nhiên không cho chúng ta chống lại sự lão hóa. Có những việc chúng ta làm được ở tuổi 20, không có nghĩa là sau 40 tuổi chúng ta vẫn làm được. Nhiều cầu thủ bóng đá xuất sắc đã giải nghệ ngay sau 30 tuổi, dù biết rằng chơi bóng đem lại rất nhiều vinh quang và tiền bạc. Trong cơ thể chúng ta, gân cốt cũng như sợi dây chun, dùng lâu thì sẽ giảm khả năng đàn hồi. Nhưng nếu chúng ta không lắng nghe cơ thể, để biết được tác động của tuổi tác, chúng ta sẽ dễ bị sụp lưng dù chỉ cúi xuống nhặt một mẩu giấy.

Điều cản trở chúng ta lắng nghe cơ thể là vì chúng ta quá quan trọng việc lắng nghe người khác. Hàng ngày, chúng ta luôn dỏng tai hóng xem cô hoa hậu nào bị dính scandal, ông quan nào dính phốt, tay hàng xóm làm gì mà lắm tiền thế, thầy nào dạy giỏi để cho con đi học, chùa nào thiêng để đi lễ, đánh lô con nào đây, ăn quán nào thì sang chảnh, đi đâu có view đẹp để selfie,..

Khi có vấn đề về sức khỏe, chúng ta lắng nghe bác sĩ Google, thầy thuốc Facebook. Chúng ta cuồng tín vào một ông giáo sư, chúng ta tin tưởng vào một ông tiến sĩ ở nơi nào đó xa lắc xa lơ,… nhưng khi đi viện khám chúng ta lại không miêu tả được bệnh tình. Vì chúng ta đâu có lắng nghe những tín hiệu của cơ thể.

Đủ mọi thể loại trend lôi kéo chúng ta, thân xác tàn tệ bị xé thành hàng trăm mảnh. Đôi khi đi nghỉ dưỡng mà chả phải là đi nghỉ vì điện thoại vẫn mở. Đi thay đổi không khí, về với tự nhiên để hít thở trong lành nhưng vẫn book vào phòng điều hòa, thì còn hưởng thụ gì khí trời trong mát.

Thời đại bùng nổ thông tin khiến chúng ta được học tập, giải trí đa dạng, nhưng thời đại này cũng khiến chúng ta lúng túng vì bội thực tin tức. Nhiều khi chúng ta chưa bị ngộ độc thực phẩm, nhưng đã nhanh chóng mắc bệnh vì ngộ độc thông tin. Hàng ngày, có cả ngàn thứ âm thanh tạp nham lọt vào tai, dội vào não thì lấy đâu ra chỗ để lắng nghe xem mình muốn gì, mình cần gì?

Khi lọc được những tạp âm vô nghĩa của đời sống thường nhật, tự khắc ai cũng có thể tự lắng nghe cơ thể mình. Và lắng nghe cơ thể chính là liệu pháp đơn giản và hiệu quả để phòng bệnh từ xa.

LY. Vũ Dũng

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục