Người dành cả đời tái dựng chân dung thành phố Istanbul

Istanbul là thành phố, nhân vật, đời sống, tâm tư, trăn trở quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo văn chương đồ sộ của nhà văn Orhan Pamuk.

Orhan Pamuk là một tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được trao tặng giải thưởng Nobel Văn học năm 2006, là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận vinh dự đó. Ông sống và sáng tác ngay tại quê hương, thành phố Istanbul.

Istanbul là nhân vật chính quan trọng nhất trong sáng tác

Orhan sinh năm 1952, ở khu Nisantasi giàu có thuộc thành phố Istanbul. Từ nhỏ Orhan đã đặc biệt gắn bó với những đường phố của Istanbul. Ông thích lang thang khắp các đường phố, ngắm nhìn, suy tưởng và sau đó vẽ lại. Lúc ấy, ông đã từng mơ ước trở thành họa sĩ để có thể vẽ lại thành phố từ tâm trí của ông. Ông dùng phần lớn thời gian rảnh của mình để vẽ.

Một góc view bên bờ vịnh Bosphorus, thành phố Istanbul.
Một góc view bên bờ vịnh Bosphorus, thành phố Istanbul.

Sau một thời gian, Orhan nhận ra rằng, những bức vẽ của ông, không đủ sức nặng để tái hiện lại linh hồn của Istanbul mà ông luôn đau đáu và khao khát. Ông đã quyết định trở thành nhà văn khi đang đi dạo trong đêm giữa đường phố. Và từ ấy, mọi cuốn sách của ông đều lấy bối cảnh của thành phố này. Các tiểu thuyết như Bảo tàng ngây thơ , Sách đen, Tên tôi là Đỏ, và đặc biệt là cuốn tự truyện Istanbul: Thành phố và hồi ức, đều mang đậm dấu ấn của Istanbul, gợi lên cả một thành phố đẹp đẽ và u sầu, choáng váng vì mất phương hướng bởi cuộc giằng xé trong cuộc đụng độ giữa các phe phái Hồi Giáo, và bởi sự quyến rũ ồ ạt của văn hóa Phương Tây.

Istanbul là nhân vật chính đặc biệt nhất trong sáng tác của Orhan. Ông cẩn trọng nghiên cứu tâm hồn của những điều bé nhỏ nhất trong thành phố, để xây đắp lên một Istanbul tuyệt diệu vô cùng.

Istanbul: Thành phố và hồi ức được Orhan Pamuk viết năm 2003, như một tri ân sâu sắc ông dành cho Istanbul. Cuốn sách không phải tự truyện về một cá nhân, mà về một mảnh đất. Linh hồn của mảnh đất đã được gây dựng trong suốt bao nhiêu năm huy hoàng, sôi động và lộng lẫy, để rồi đến khi bị “cưỡng bức” trước nền văn minh Âu Châu, trở thành một thân xác hoàn toàn khác, thì linh hồn bỗng chỗ không xa lạ với nơi trú ngụ, và trở thành cái u linh huyền ảo, chỉ còn tồn tại trong kí ức vương vấn của những con người đã từng được đắm chìm trong cái riêng tư lộng lẫy của vùng đất Istanbul mà chưa hề bị trộn lẫn với cơn bão Âu châu từ xa xôi ập vào, những người tràn trề lòng hoài vọng như Orhan Pamuk.

Thói quen của Orhan Pamuk là đi dạo trong thành phố. Ông thường nói "Tôi thuộc về thành phố này".
Thói quen của Orhan Pamuk là đi dạo trong thành phố. Ông thường nói “Tôi thuộc về thành phố này”.

Ông say đắm Istanbul, say đắm sống trong lòng thành phố chứng kiến mọi đổi thay, hoang tàn của thành phố. Chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của Orhan là đến Geneva cùng cha vào năm 1959, và không rời Istanbul cho đến mãi năm 1982, với những chuyến thỉnh giảng nước ngoài ngắn hạn. Orhan luôn nói rằng “Tôi thuộc về thành phố này”, “Tôi yêu thành phố với hai sắc trắng đen như đã viết trong Istanbul”.

Ngay trong cuốn tiểu thuyết mới nhất đã được dịch ra tiếng Anh với tựa đề A Strangeness in My Mind, Orhan một lần nữa lại lấy Istanbul là nhân vật trung tâm, thông qua nhân vật Mevlut, người bán hàng rong ở Istanbul. A Strangeness in My Mind đi theo hành trình của Mevlut qua mọi ngõ ngách, qua các con hẻm nghèo khổ, xưa cũ, chụp lại, tưởng tưởng tượng và ghi chép lại, trong suốt 40 năm. Cuốn sách được xem là một lá thư bày tỏ tình yêu vô cùng đối với những điều đẹp đẽ nhất đang dần mất dấu trong thành phố.

Viết tiểu thuyết như tưởng tượng một cái cây

Orhan Pamuk từng nói rằng “Trí tưởng tượng của con người rất hạn chế. Ta không thể nào tưởng tượng trước toàn bộ cuốn tiểu thuyết dày 600 trang giấy”. Vì thế nên ta chỉ có thể tưởng tượng nó từng phần, “giống như tưởng tượng một cái cây”, “ta nghĩ về thân cây, tiếp đến là một số các nhánh cây, và lá cây”.

Khi bắt đầu viết tiểu thuyết, ông thường đi bộ rất nhiều trong thành phố vào ban đêm, nhìn ngắm và ghi chép, đôi khi chụp lại tất cả mọi thứ. Ông bắt đầu viết từ một góc nhỏ, xem nó như từng tế bào tạo nên thân cây, sau đó sẽ viết dần đến những góc khác nhau, cho đến khi cuốn tiểu thuyết trở thành một cái cây đẹp đẽ. Orhan đặc biệt quan tâm đến vẻ đẹp của cuốn sách. Ông luôn nhấn mạnh rằng, tôi không thể quan tâm đến điều gì khác hơn là vẻ đẹp của cuốn sách, và vì thế, ông luôn đi đến nơi cùng sâu nhất của cuốn sách, soi chiếu rồi viết lại, viết lại, viết lại. Ông cũng cho rằng, việc sáng tác tiểu thuyết không phải là một công việc hoàn toàn đơn độc, khi các nhà văn có những người biên tập giỏi. Ông sẵn sàng tương tác với các biên tập, để lấy ra được những ý tưởng tốt nhất cho tiểu thuyết của mình.

Bảo tàng ngây thơ là cuốn tiểu thuyết đặc biệt nổi tiếng của Orhan Pamuk. Tại thành phố Istanbul, ông cũng đã xây dựng một bảo tàng thực sự, lưu giữ những đồ vật, câu chuyện gắn liền với lịch sử và hồi ức về thành phố Istanbul.
Bảo tàng ngây thơ là cuốn tiểu thuyết đặc biệt nổi tiếng của Orhan Pamuk. Tại thành phố Istanbul, ông cũng đã xây dựng một bảo tàng thực sự, lưu giữ những đồ vật, câu chuyện gắn liền với lịch sử và hồi ức về thành phố Istanbul.

Bảo tàng ngây thơ là “cái cây” với vòm lá um tùm nhất trong gia tài tiểu thuyết của Orhan Pamuk. Ở Bảo tàng ngây thơ, Orhan đã một lần nữa khiến độc giả phải trầm trồ ngưỡng mộ vì khả năng biến những điều vụn vặt nhất thành một tác phẩm lớn. Những thứ như gạt tàn, hoa tai, cốc chén, mẩu thuốc lá hút dở… đều trở thành những chiếc lá lấp lánh vẻ đẹp trong tưởng tượng và tái hiện của ông. Ấy là sự tỉ mỉ trong tưởng tượng của tâm trí, mà chỉ có Orhan mới có khả năng khơi dậy một cách mãnh liệt và vô cùng như vậy.

Tuyết, Orhan dù đề cập đến những vấn đề liên quan đến Tôn giáo và chính trị, nhưng lại xoáy ngòi bút của mình vào những ngõ ngách tâm tư sâu kín và bé nhỏ nhất của những người sống trong “vùng nguy hiểm” ấy.

Trong cuốn sách mới nhất Strangeness in My Mind, Orhan đã viết nên một cuộc đời “hoành tráng” của một người bán hàng rong. Ông đã khơi gợi nên những vùng biên vô tận của chi tiết, để những chi tiết rất nhỏ trong câu chuyện tạo nên vẻ đẹp cho cuốn sách chứ không cần đến cốt truyện. Đó là cách Orhan sáng tạo trong suốt những năm qua. Những cuốn tiểu thuyết của ông luôn là những cái cây rợp lá, xanh tốt, và lộng lẫy.

Thủy Nguyệt
Theo Zing.vn

Cùng chuyên mục