Ngôi làng chuyên làm đồ đồng chưng cúng nổi tiếng nhất Điện Bàn
Thời điểm này, tại những con hẻm ngoằn ngoèo ở làng đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người ta đang hối hả chở đồ đồng từ những lò đúc sâu hun hút trong làng ra các cửa hàng ven quốc 1.
Nhớ Tết của… ngày xưa
“Làng xuất phát điểm chuyên làm đồ đồng chưng cúng nên đây là mùa “chạy” mệt nhất trong năm”- ông Dương Ngọc Truyền, nguyên phó chủ nhiệm HTX Nhôm Đồng Điện Phương nói.
Bên những lò đúc sáng rực ánh kim loại nóng chảy, mọi người ngồi quây quần chờ đồng “chín” với những câu chuyện thăng trầm của đời nghề…
Gần 40 năm gắn bó với ánh sáng lấp lánh của màu đồng, ông Truyền gần như nếm đủ những buồn vui, thăng trầm của ngôi làng có tuổi nghề hàng trăm năm này.
Câu chuyện cuối năm của những người sống cả đời bên ánh lửa như ông Truyền lại quay về thời kỳ hoàng kim của ngôi làng suốt ngày luôn đỏ lửa.
“Khoảng gần ba chục năm trước, cứ tháng Chạp trở đi, ngã ba làng như là một bến xe của vùng. Cứ thử tưởng tượng mọi người từ khắp nơi đổ về đây mang theo… bom, đạn để xếp hàng chờ đội thợ trong làng chế tác ra những vật dụng trên bàn thờ gia tiên ngày Tết” – ông Tuyền kể.
Ông Truyền chợt nở nụ cười về thời đất nước tuy còn khốn khó nhưng làng Phước Kiều lại luôn “rực lửa” với khách thập phương.
Những người thợ chế tác lâu năm ở Phước Kiều nhớ thời ấy do vật liệu hỗn tạp nên tỷ lệ đồng nguyên chất không cao. Trong lò đúc tỷ lệ hợp kim đồng còn pha trộn cả thiếc, nhôm và các vật liệu khác.
Cũng vì hỗn hợp kim loại nên để sáng lên ánh bóng của đồng mọi người phải thường xuyên lau chùi, đánh bóng. Ở làng Phước Kiều ngoài nghề đúc đồng làm quanh năm thì dịp cận Tết lại sinh thêm dịch vụ đánh bóng lư đồng…
“Giữ lửa” nhờ du lịch
Nói về các món hàng phục vụ hành lễ, cúng kính, dân gian xứ Quảng có câu: “Nhất trống Lâm Yên/ Nhì chiêng Phước Kiều”. Những nghệ nhân ở Phước Kiều ngoài có đôi tay khéo, đôi tai thính để thẩm âm, tìm được điểm gò chỉnh tiếng hợp với từng đối tượng khách hàng họ còn có cuộc “lột xác” khác.
Đó là hành trình mở rộng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa của hơn 50 cơ sở để đón gió du lịch của con đường “hành trình di sản”.
Bà Dương Thị Thư, Công ty TNHH Dương Ngọc Thắng, cho biết làng Phước Kiều bây giờ đã trở thành điểm ghé chân trên trục đường hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn. Đi dọc tuyến đường di sản này, không khó để khách có thể được chiêm ngưỡng, thử tài của những nghệ nhân làm ra sản phẩm ở nghề Phước Kiều.
Cửa hàng của người làng Phước Kiều ngoài nằm san sát 2 bên đường còn lan ra tận Hội An, Đà Nẵng. Ngoài cồng, chiêng, tượng, chuông… nghệ nhân làng đúc đồng còn chế tác thêm những hình hai muôn thú và thậm chí là những qua chuông, cồng chiêng to hàng kỷ lục Việt Nam.
Theo con đường du lịch, sản phẩm đồ đồng tinh xảo ở Phước Kiều giờ đã có mặt khắp 5 châu. Những nghệ nhân như ông Truyền cũng nhiều lần ra bắc vào nam theo những đơn đặt hàng lên tới cả tỷ đồng.
Đến nay, tại Phước Kiều ngoài bày bán các sản phẩm nhôm đồng đại trà, những xí nghiệp, đơn vị lớn trong vùng còn tập trung khai thác các đơn hàng chế tác riêng theo yêu cầu cũng như hình thành điểm đến làng nghề để các doanh nghiệp du lịch đưa khách tới.
Trường Trung
Theo Tuổi trẻ