Nghĩa địa Tây gây tò mò ở Đà Thành

Có lẽ nói không quá, khắp xứ Việt không có nghĩa địa nào khác lạ như nghĩa địa Y-Pha-Nho ở Đà Nẵng.

Đến bán đảo Sơn Trà, hẳn bạn sẽ được giới thiệu tham quan chùa Linh Ứng, cây đa ngàn năm, sân bay trực thăng cũ, đỉnh Bàn Cờ…, chứ hiếm ai giới thiệu bạn đến… nghĩa địa Y-Pha-Nho – cái tên không chỉ gây tò mò mà còn là chứng tích của một giai đoạn lịch sử nước nhà nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Nhà nguyện của khu mộ, nhìn từ cổng vào.

Tôi tình cờ phát hiện ra khu nghĩa địa này trong một lần lang thang quanh khu vực cảng Tiên Sa. Nghĩa địa nằm ở gần cuối con đường Yết Kiêu, gần khu du lịch Tiên Sa và cảng Tiên Sa, phía bên phải con đường ra vào cảng nhộn nhịp, ngay  cạnh trụ sở Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Khu nghĩa địa Tây này nằm bên cạnh khu cảng sầm suất nhất Đà Nẵng mà khá biệt lập, yên tĩnh dù chỉ vài bước chân, ngoài kia đường phố vẫn tấp nập xe cộ ra vào cảng.

Chữ “Ossuaire” trên mặt tiền nhà nguyện, có nghĩa là hài cốt.

Nghĩa địa có từ năm 1895, khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho dời hơn mấy chục mộ quân Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng khi xâm lược Việt Nam từ 1858 đến 1860 về tập kết nơi này. Khu mộ – mà người dân chung quanh quen gọi là khu mả Tây nằm trên sườn đồi thoai thoải, trước đây người Pháp gọi là đồi Hài cốt, có tường đá dày xây bao quanh, khá thấp nhưng cũng đủ để cản bớt những bước chân tò mò. Trước lối vào nghĩa địa có một bức tường quét vôi trắng nằm chắn như bình phong thường thấy ở nhiều khu mộ xưa. Có hai lối lên song song với những bậc tam cấp để dẫn vào khu mộ. Khu mộ nằm quay mặt ra biển, trái với hình dung của tôi, trông không có vẻ hoang vu mà như được chăm sóc khá thường xuyên. Tâm điểm và là nơi cao nhất của nghĩa địa này là ngôi nhà nguyện nhỏ nằm chính giữa các ngôi mộ. Ngôi nhà này bề ngang 3,5m, dài 12m, cao 4m.

Kiến trúc bên trong nhà nguyện rất đơn giản, nhưng đậm nghi thức Công giáo.

Nhà nguyện hầu như trống trơn, chỉ có một bàn thờ duy nhất áp tường có kiến trúc như các bàn thờ Công giáo, trên tường là một dòng chữ La-tinh chạy uốn lượn đối xứng. Phần gây tò mò nhất có lẽ nằm dưới những lớp gạch ở đây. Theo nhiều tài liệu cho biết, dưới nền nhà nguyện có một hầm mộ, nơi để các hộp sắt đựng hài cốt các binh sĩ bốc từ các nơi đưa về. Nhà nguyện có một cửa chính và 2 cửa sổ nhỏ nhìn ra các ngôi mộ chung quanh. Trên nóc nhà nguyện có cây thánh giá khắc rõ nét chữ Spes Unica, bên dưới có những dòng chữ La-tinh uốn lượn theo hoa văn hình vòm và phía trên đường viền của cửa chính có khắc nổi chữ Ossuaire.

“Để tưởng nhớ các chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong đội quân viễn chinh của Rigault de Genouilly đã chết vào những năm 1858-1859-1860 và được chôn tại nơi đây”.
“Đại úy Treille và những người lính công binh trong binh đoàn Hải quân của Pháp xây dựng năm 1898”.

Bên trong nhà nguyện có 2 tấm bia gắn trên tường. Bức tường bên trái nhà nguyện có tấm bia đá khắc dòng chữ “À la mémoire des Combattants Francais et Espagnols de l’Expédition Rigault de Genouilly mort en 1858-1859-1860, et ensevelis en ces lieux” (Để tưởng nhớ các chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong đội quân viễn chinh của Rigault de Genouilly đã chết vào những năm 1858-1859-1860 và được chôn tại nơi đây). Tấm bia còn lại ghi, đại ý rằng, Đại úy Treille và những người lính công binh trong binh đoàn Hải quân của Pháp xây dựng năm 1898. Những người đứng tên dựng bia còn có toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Paul Doumer, Đại tướng Bichoi, Thị trưởng Hauser và Tuyên úy Công giáo Laurent.

Bên ngoài nhà nguyện, hai bên tả hữu tập trung 18 ngôi mộ nhỏ và 14 ngôi mộ lớn hơn. Trong số đó có những ngôi mộ mà bia đá cũng còn tương đối rõ chữ để đọc.

Những ngôi mộ, bia đã dần mờ theo thời gian.
Từ lối vào nghĩa địa, nhìn ngược ra phố.

Hơn 120 năm với bao đổi thay thời cuộc, nhưng khu mộ ngày nào không hoang tàn, chứng tỏ vẫn được bàn tay người bản địa chăm sóc. Những trang sử đã khép lại từ lâu, nghĩa trang lính viễn chinh không bị lãng quên trong những sự thờ ơ, ghẻ lạnh của người bản xứ, âu cũng là cái tình, cái hay đầy tính nhân văn của người Việt mình, của người Đà Thành mình vậy.

Sơn Trà

Cùng chuyên mục