Ký ức thượng thành

Bây giờ đi dọc những con đường chạy theo kinh thành Huế, mọi thứ đã đổi thay nhiều. Không còn những mái nhà cũ kỹ, tạm bợ trên thượng thành, mọi thứ trở nên trống vắng, sạch sẽ đến cô liêu…

Đâu rồi tiếng nhạc du dương vang vang trên con đường vắng dưới chân thành, đâu rồi những gương mặt mong chờ, đôi mắt chứa cả nỗi buồn sử thi của một vùng đất. Tôi dẫn bạn đi qua những vùng đã di dời trên thượng thành suốt một buổi chiều nắng cháy rồi đứng thẫn thờ trên mặt thành hoang vắng, ngổn ngang gạch đá sau cuộc chuyển dời, nhìn về khắp mênh mông. Những con đường ngập màu xanh, những ngôi nhà hiền lành bên dưới bóng râm và xa xa bóng đền đài cung điện rực trong nắng chiều. Gió thổi từng hồi trên dải thành trống vắng. Phía Tây thành, mặt trời chợt lặn trong mây. Ráng chiều bừng lên lớp đỏ cài lên lớp vàng, sắc màu óng ánh. Đàn chim về tổ lượn từng vòng trên cửa Hòa Bình. Bồi hồi dạo bước bên người bạn cũ, mắt hướng về Đại Nội, thấy trong tâm tưởng một Hiển Lâm Các tưởng chừng cao ngất mây với mái ngói hoàng lưu ly nổi bật. “Ngày xưa đứng ở đây không nhìn được đại cảnh của cả Hoàng thành như thế nhỉ”, bạn nói. Tôi gật đầu, chợt nghe trong thinh không tiếng chim hót lạc bầy. Rồi chúng tôi bàn luận chuyện di dân vừa qua với nhiều tâm đắc. Quả thật, dự án di dời hơn 4.200 hộ dân Thượng thành Huế, gồm hơn 30.000 nhân khẩu được xem là một dự án mang dấu ấn lịch sử của việc phục dựng và bảo tồn Kinh thành Huế, nhằm trả lại môi trường nguyên trạng cho khu vực di tích. Vấn đề di dân thượng thành là vấn đề lịch sử, các thời kỳ trước đó đã từng có ý định nhưng chưa thực hiện được và đến nay “bài toán” ấy đã có lời giải đáp rõ ràng, thuyết phục. Bạn nói về Huế những ngày đầu năm 2020 đã chứng kiến nhiều hộ dân ở khu vực Thượng thành, Eo Bầu dọc đường Ông Ích Khiêm, Xuân 68… đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa để chuyển đến nơi ở tạm, chờ xây nhà mới tại khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ. Và từ cuối tháng 2/2020, chính quyền đã làm lễ khởi công xây dựng nhà ở mới cho các hộ dân tái định cư tại khu dân cư phía Bắc Hương Sơ. Câu nói của lãnh đạo tỉnh “Phải làm sao để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, khi đến nơi ở mới, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn” đã thể hiện ý chí, quyết tâm của chính quyền và được nhân dân hết lòng ủng hộ, tin tưởng. Sau khi di dời dân, tỉnh Thừa Thiên – Huế sắp tới sẽ triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc của công trình di tích trên cơ sở các hồ sơ, tư liệu lịch sử. Nhiều phát hiện bất ngờ sau khi các hộ dân rời đi, để lại không gian nhiều dấu tích trước bị che mờ nay có cơ hội được khám phá. Kinh thành Huế sẽ mang một diện mạo mới, khang trang hơn, quy củ hơn, xứng đáng là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Xứ sở này từng ngày thay áo mới, với bao thứ đã chuyển mình, đổi thay theo chiều hướng tích cực. Còn say câu chuyện, chúng tôi kéo nhau vào một quán cà phê ôn lại chuyện xưa.

ky-uc-thuong-thanh
Kinh thành Huế. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Tôi bắt đầu kể những hồi ức nho nhỏ của mình. Khi còn nhỏ, tôi theo ba lên nhà bác Sơn, vốn là huynh đệ trong môn phái Bạch Hổ. Nhà bác ở trên một khoảnh đất cao, vào nhà bác phải bước qua những bậc cấp bằng gạch vồ được sắp xếp rất đều đặn, chắc chắn. Đến một bức tường rêu loang lổ, có chiếc cửa nhỏ xinh là vào nhà bác. Ngôi nhà ba gian, mặt quay hướng Đông Nam rất thoáng đãng. Từ đây có thể nhìn xuống con đường nhựa dập dìu xe cộ phía dưới, quanh đó những mái nhà nhỏ chen nhau trên từng khoảnh đất, được giới hạn bằng bức tường gạch khổng lồ. Tôi nào hay đó là những bức tường của Kinh thành Huế, mãi sau này mới biết nhà bác ở đường Tôn Thất Thiệp, trên thượng thành gần cửa Chánh Tây. Trước năm 1975, gia đình bác ở tận làng Mỹ Xuyên bị pháo kích sập nhà, làng cháy phải vào Huế tỵ nạn. Không có đất, cha mẹ bác làm liều trên thượng thành và ở đến thời điểm tôi đến chơi. Ngôi nhà có diện tích khiêm tốn, chứa đầy những tượng gỗ đủ kích cỡ, hình thù nhân vật và hương gỗ thơm xông từng góc nhà. Ánh sáng len lỏi chiếu qua bức tượng Phật vừa chạm xong, đợi khâu làm nguội, hoàn thiện. Ba tấm tắc khen, tôi đứng bên hít hà mùi gỗ mít nài thơm ngát, ngắm gương mặt Phật thanh thoát với những tướng tốt sáng ngời. Bác Sơn nói, để đục được bức tượng này phải mất đến mười ngày, mười ngày ấy bác cũng ăn chay, nghĩ đến Phật, đến những điều thiện lành mới dám đưa mũi đục vào gỗ. Tôi sờ vào bức tượng, lòng thấy hân hoan. Ở vị trí trên cao thoáng đãng, tôi thỏa thuê hiếu động ngắm cảnh trí bốn bề. Nhảy lên một tầng đất dày là ra đến điểm ngoài của tường thành, cúi xuống thấy hộ thành hào ngập đầy bông lục bình đương trổ hoa tím biếc, thấy chiếc ghe nhỏ có o đội nón đi vớt bèo và hái rau muống, thấy chiếc cầu cong cong đi vào cửa Chánh Tây đong tràn nắng sớm. Trong mảnh sân bé, ba và bác đã thôi dùng trà, ra sân, cởi áo, đi quyền, bước uyển chuyển, động tác dứt khoát, mạnh mẽ như hổ vồ, rắn cuộn. Tôi và mấy cậu bé con trong xóm thích chí vỗ tay tán thưởng. Bác nói: “Làm đàn ông, con trai phải có miếng võ dận lưng, trước là để có sức khỏe, sau là bảo vệ mình, bảo vệ người thân của mình, quê hương, đất nước mình”. Thượng thành này đã chứng kiến bao người thủ thành đến hơi thở cuối cùng. Những mùa tết, lễ tôi lại theo ba lên nhà bác. Bẵng đi mấy năm tôi không ghé. Mùa Hè năm nay sang lại nhà bác, cả xóm nhỏ trên thượng thành đã dở bỏ về nơi định cư mới. Tôi mừng cho bác và các anh chị bao năm chờ đợi mỏi mòn trong căn nhà cũ giờ đã có nơi ở mới, chỉ còn những kỷ niệm nhỏ ở đó, trên thượng thành thao thao gió thổi.

ky-uc-thuong-thanh
Tím Huế. Ảnh: Trương Vững

Thượng thành ấy, mùa mưa năm 2013, sau một đêm vui, tôi về nhà anh Thành ở đường Ông Ích Khiêm. Đêm gió lốc thổi qua song cửa, bốn bề cây cối xào xạc. Ngôi nhà cũ kĩ xây sau ngày thống nhất đến giờ đã xập xệ. Anh Thành như một hàn sĩ sống trong ngôi nhà cỏ đúng nghĩa, gợi hình ảnh Từ Cán trong bài thơ của Tào Thực viết tặng “Đậu, vi không no bụng/ Áo vải mặc chưa đầy”. Anh học vật lý cơ bản, ra trường đã năm năm không xin được việc, cuộc sống rơi vào bế tắc. Anh hay đăm chiêu, suy nghĩ và rất ít nói, chỉ lặng lẽ giở từng trang sách, nói chuyện mê đắm về sách và thú chơi sách. Nhà đã đi ngủ, bóng đêm trùm kín căn nhà lạnh lẽo, chỉ le lói chiếc bóng đèn trái ớt ngoài am nhỏ. Chúng tôi khẽ khàng đi vào nhà, ăn vội gói mì. Chừng không muốn ngủ, anh chế một ấm trà nhỏ, chúng tôi ra ngoài hiên, bên cây khế ngồi nói chuyện thì thầm. Đông Tây kim cổ được khơi lại từ kho sách của anh, với bao sự kiện, thành tựu, bao nhân vật xuất chúng… Anh hỏi mà không cần tôi trả lời “những anh hùng ngày xưa ấy bây giờ về đâu?”. Anh châm thuốc hút, phả làn khói vào làn mưa mỏng. Ngày mai, ngày mai là gì nhỉ, chừng cố quên, chừng không rõ. Tuổi trẻ thế này phí hoài lắm, phải làm một điều gì đó khác thôi. Đêm nằm với bao nỗi lo toan chồng chất, chỉ giữ mãi viên ngọc quý trong lòng. Sớm dậy, gió lạnh nổi, ông cụ anh đã dậy từ hồi nào, mắt đăm đăm nhìn ra ngõ. Bấy giờ tôi mới để ý cây bông giấy trổ hoa hồng trước nhà, bông mẫu đơn chói đỏ cô độc góc tường cũ. Lá cây trong sân rơi rụng rũ rượi sau trận mưa đêm. Nước đọng trên thềm lấm tấm như đá trắng. Nhà bên bật bài Huế mù sương của Nguyễn Minh Khôi, nghe giọng Hoàng Oanh sầu mị “Huế bây chừ buồn lắm không em/ Tháng đông dài mưa lạnh buốt đêm đen”. Tiếng ông cụ thở dài. Và rồi chúng tôi lao vào đời sống bộn bề, anh đi Sài Gòn cuốn xô ngày tháng, thời gian chồng lên nhau dày từng lớp cách, chỉ còn lại đôi buổi chiều uống cà phê bên cửa Thượng Tứ chia sẻ buồn vui, sách vở. Ngày nhà tháo dỡ, nghe tin anh có về. Khi tôi sang, ngôi nhà chẳng còn lại gì ngoài chiếc am nhỏ nép dưới tán sung. Ở đây, gió hoang vu vẫn lồng lộng thổi và thật thà một tiếng chim khuyên đậu trên cột nhà chưa dỡ kịp. Tôi nhấc máy gọi anh. Ngày đã sang trang mới, nhiều hy vọng, chắc vậy rồi.

Bạn tôi trầm ngâm nghe những câu chuyện, lòng bồi hồi cho những hoàn cảnh, số phận của người thượng thành. Chúng tôi nghĩ đến cái cảm giác đi bộ dưới thành, chân giẫm bờ cỏ thơm thật ý vị. Nhìn lên lầu Ngũ Phụng, cứ ngỡ chim hồng hạc bay về. Cờ Kỳ Đài phấp phới như rồng lượn, hiên ngang giữa nền trời xanh thẳm. Ai có thấy tà áo thiếu nữ đi qua quảng trường Ngọ Môn rực nở như cúc mùa Thu. Bao nét thanh tân rạng ngời trên từng gương mặt, mang sắc xuân tươi mới lòng người. Ai nắm tay người yêu đi chơi trong đêm trăng sáng, phiêu diêu cùng muôn ngàn ánh bạc dát lên thành quách, cung điện. Để những kẻ mộng mơ như lần anh Thành năm xưa từng ước gặp được cô gái Huế từ tranh bước ra, người thơm nồng mùi dạ lý, dịu dàng cùng anh đi dọc bờ sông. Nàng sẽ hái cỏ thạch xương bồ bên dòng nước đương chảy bồi hồi, rồi cài lên mảnh trăng vàng ấm áp rọi xuống non nước Hương Bình thuở ấy.

Những chuyện thượng thành, kể bao giờ cho cạn. Nhớ lại tích xưa, tôi buông ý nghĩ “Giá có con chim phụng về đậu cành ngô đồng trong sân điện Cần Chánh. Nhiều niềm hoan hỷ sẽ đến với xứ sở này”. Từng chùm hoa ngô đồng tím hồng sáng bừng lên trong giọt nắng cuối ngày, hoa nở trên từng chiếc lá như những giọt lệ biết bay, đung đưa bao trắc ẩn. Và giá có chiếc Dao cầm làm từ gỗ cây ngô đồng để gảy những điệu nhạc lưu cùng đất trời của Bá Nha ngân lên trong phút giây này, thấy Tử Kỳ còn đó với khúc “thiên thu trường hận”. Nhớ vua Thiệu Trị yêu quá loài cây quý đã đề lên bia ký của mình câu thơ nhớ người khuất núi mà vẫn vang đây tiếng ngô đồng rơi ngoài hiên vắng. Bạn bảo ngày mai sẽ cố dậy thật sớm, đứng trên cầu Trường Tiền chỉ để chờ ráng mặt trời lên trong sương sớm. Và thử một lần ngắm hoa sen nhô lên khỏi mặt nước trong hồ Tịnh Tâm, thử chạm môi vào giọt sương còn đọng trên cánh trắng. Ước mơ ấy, trong khiết lắm thay.

Lê Vũ Trường Giang

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục