Nghệ sĩ làm gì giữa đại dịch? – Bài 2: Kiệt tác đến nhà và thông điệp tích cực lan xa

Chưa bao giờ như thời gian này, chỉ cần ngồi nhà mà khán giả có dịp thưởng thức những bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn của các nhà hát, phòng hòa nhạc trứ danh trên khắp thế giới. Và dĩ nhiên, không tốn tiền.

>> Nghệ sĩ làm gì giữa đại dịch? – Bài 1: Bạn chỉ ngồi tại gia, chúng tôi xin phục vụ cả thiên hạ

Các phòng hòa nhạc và nhà hát khắp nơi trên thế giới (Anh, Áo, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hungary, Mỹ, Úc…) đều rủ nhau “mở cửa” để khán giả có thể thưởng thức nghệ thuật kinh điển tại nhà.

Kiệt tác đến tận nhà và sự khởi xướng của UNESCO

Andrew Lloyd Webber, là nhà soạn nhạc tỷ phú nổi tiếng thế giới và ông bầu của sân khấu âm nhạc Anh. Một số vở nhạc kịch của ông đã được diễn suốt trong hơn một thập kỷ cả ở West End và Broadway. Suốt mấy tuần qua, ông đã mời mọi người đi coi hát ở kênh YouTube của ông có tên The Show Must Go On.

Trang YouTube với nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới sẽ được trình chiếu miễn phí tại đây.

Nơi đây đã, đang và sẽ trình chiếu rất nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng của ông bầu này vào tối thứ Sáu hàng tuần trong vòng 48h, trong đó có vở diễn trứ danh Bóng ma nhà hát (The Phantom of the Opera). Dù chỉ phát trong 2 ngày rồi gỡ xuống, dù những vở phát ở đây cũng là các bản cũ đã ra đĩa từ lâu, nhưng thực sự, đây là một trong những niềm hứng khởi giúp người ta thấy thoải mái khi xài thời gian ở yên tại nhà.

Lần đầu tiên vở nhạc kịch kinh điển thế giới The Phantom of the Opera đã mở rộng cửa cho khán giả ngồi nhà xem qua kênh YouTube.

Có một thú vị là, các tác phẩm của Beethoven được chọn trình tấu và giới thiệu rất nhiều trong dịp này, đặc biệt có Bản giao hưởng số 9 với dàn nhạc Philharmonia Orchestra (Anh Quốc) phiên bản của 50 năm trước. Khi được hỏi: Điều gì khiến ngày nay, chúng ta vẫn nghe âm nhạc Beethoven nhiều đến vậy? Nhạc trưởng Daniel Barenboim, một trong những nghệ sĩ hiếm hoi đã tham gia trình diễn trọn vẹn 32 bản sonata piano và 9 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc thiên tài, trả lời: Người ta có thể diễn giải nhiều tác phẩm của Beethoven bằng cách nói rằng, trong cõi đời này, không thể tránh khỏi đau khổ song chính sự can đảm để chiến đấu với nó làm cho cuộc sống này đáng sống.

Ngôi mộ hoàng gia 5.000 năm tuổi của Nữ hoàng Meresankh III vừa mở cho khách du lịch tham quan miễn phí qua thực tế ảo. Hội đồng Du lịch Ai Cập còn mở ba tour du lịch “ảo” tại các địa điểm như: Tu viện Đỏ Coplic ở Thượng Ai Cập, giáo đường Do Thái Ben Erza và Nhà thờ Hồi giáo Madrassa của Sultan Hassan. Cơ hội ở nhà mà được thưởng lãm nghệ thuật khắp nơi chưa bao giờ nhiều đến thế trong mùa dịch này.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO khởi động chiến dịch ResiliArt – Nghệ thuật kiên cường với các nghệ sĩ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là chiến dịch giúp nâng cao nhận thức về tác động sâu rộng của Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ tìm kiếm giải pháp trong và sau khủng hoảng. Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, hàng loạt các lễ hội, buổi hòa nhạc phải hủy bỏ, sản phẩm âm nhạc bị trì hoãn, rạp chiếu phim buộc phải đóng cửa… Tuy nhiên, giữa khủng hoảng, nghệ thuật vẫn đóng vai trò quan trọng. Hàng tỷ người trên thế giới đã tìm tới văn hóa như nguồn cội của sự an ủi và kết nối. Văn hóa và sự sáng tạo gắn kết mọi người. Những bộ phim, tác phẩm hội họa và nghệ thuật điêu khắc khiến xã hội thoải mái và giải tỏa cảm xúc, mang tới cho con người sức mạnh và sự can đảm, để có thể tự do thể hiện bản thân, duy trì kết nối với cộng đồng, kể cả trong bốn bức tường nhà.

Đó là lý do vì sao UNESCO kêu gọi tất cả các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, cùng tham gia chiến dịch này.

Chương trình này đang được khá đông nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam hưởng ứng. Thật ra, không đợi UNESCO phát động, từ đầu mùa dịch, nhiêu văn nghệ sĩ Việt đã đón nhận chuyện bị ảnh hưởng trong một tâm thế chờ đợi và hy vọng. Đã có nhiều nghệ sĩ tham gia chia sẻ với công chúng sáng tác mới của mình, những hoạt động nghệ thuật trong thời gian thực hiện cách ly xã hội với thông điệp: Nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường.

Chiếc neo tinh thần trong đại dịch

Có những buổi live stream như vậy, mới thấy các nghệ sĩ của chúng ta đã trở nên hào phóng, không so đo thiệt hơn trong mùa dịch tới mức nào. Các ngôi sao luôn khư khư giữ kín những sáng tạo của mình chờ dịp công bố với các chiến lược quảng bá dài hơi, nay đều tặng miễn phí cho khán giả. Những giọng hát mà mỗi sự xuất hiện của họ trị giá trên dưới trăm triệu đồng cho 2,3 bài hát bây giờ ngồi trước màn hình thoải mái phục vụ theo yêu cầu của từng bình luận của khán giả trên mạng xã hội.

Có lợi thế khi âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật được người ta tìm kiếm giải trí nhiều nhất trong thời gian ở nhà nên giới nghệ sĩ biểu diễn không bỏ qua cơ hội này. Điều dễ nhận thấy là mỗi người nghệ sĩ khi ở yên trong chính ngôi nhà của mình, hầu như đều truyền đi thông điệp tích cực thông qua các sản phẩm nghệ thuật.

Thanh Lam cho biết, những buổi trình diễn qua live stream mà chị nhận lời trong mùa dịch này, sẽ diễn ra tại không gian nhà hàng của mình.

Ca sĩ Cẩm Vân tâm sự: “Thiệt hại trong ngành giải trí thì ai cũng biết, quan trọng là chúng ta biết làm gì, ý thức bản thân về sự tác động từ người của công chúng với xã hội ra sao. Tôi hát ở nhà cảm xúc khác lắm, không hề giống những buổi biểu diễn thông thường, mà nó còn mang một sứ mệnh khác, cao cả hơn: cùng động viên nhau vượt qua đại dịch trong sự an vui, mà tiếng hát mình là một trong hàng ngàn biện pháp mà tôi tin là hữu hiệu này.”

Khủng hoảng dịch bệnh hiện tại chính là thời điểm để nghệ thuật thể hiện khả năng phục hồi và tính bền vững, cũng như khai thác được sức mạnh từ sự sáng tạo vốn có. Người ta nói văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là chiếc neo trong cơn đại dịch, quả không sai. Sự can đảm để chiến đấu với đau khổ làm cho cuộc đời đáng sống, một mặt nào đó, những văn nghệ sĩ khắp nơi đã góp phần lan tỏa thông điệp tích cực này.

Ngôi sao vốn rất kiệm lời trên mạng xã hội như Thanh Lam vừa dùng chính trang cá nhân của mình để cập nhật “trạng thái tiểu sử”, nơi vốn để chủ tài khoản Facebook lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời, bằng dòng chữ Chiến thắng Covid-19

Bài 3: Đẩy mạnh số hóa giải trí

Sơn Trà 

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/nghe-si-lam-gi-giua-dai-dich-bai-2-kiet-tac-den-nha-va-thong-diep-tich-cuc-lan-xa/

Cùng chuyên mục