Nghệ sĩ làm gì giữa đại dịch? – Bài 3: Đẩy mạnh số hóa các loại hình giải trí

Không ít khán giả Việt thích thú khi nhà hát Bolshoi mở đầu đợt thứ 2 phục vụ khán giả tận nhà vào lúc 23h giờ Việt Nam tối qua 18/4 với vở ballet Spartacus (Spartak), tác phẩm nổi tiếng nhất của Aram Khachaturian – một trong 3 nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của nước Nga thời Xô viết (cùng với Shostakovich và Prokofiev).

>> Nghệ sĩ làm gì giữa đại dịch? – Bài 1: Bạn chỉ ngồi tại gia, chúng tôi xin phục vụ cả thiên hạ

>> Nghệ sĩ làm gì giữa đại dịch? – Bài 2: Kiệt tác đến nhà và thông điệp tích cực lan xa

Đây là phiên bản dựng lại với biên đạo Yuri Grigorovich vào năm 1968 gây chấn động giới nghệ thuật lúc bấy giờ. Đến nay bản dựng của Yuri Grigorovich tại nhà hát Bolshoi vẫn được xem là chuẩn mực đáng mơ ước trên toàn thế giới.

Vở ballet Spartacus (Spartak) của nhà hát huyền thoại Bolshoi vừa được “trình diễn trực tuyến”.

Xu hướng số hóa – phục vụ cũng là tự cứu mình

Từ 27/3 đến 10/4/2020, nhà hát huyền thoại Bolshoi ở Matxcơva đã lần lượt phát trực tuyến lần đầu tiên 6 vở ballet cổ điển hay nhất trên kênh YouTube của mình. Sau 6 vở diễn nhận được sự dõi theo của gần 3 triệu khán giả trên thế giới, nhà hát Bolshoi lại tiếp tục phát trực tuyến 5 vở ballet, 2 vở opera và 1 buổi hòa nhạc, bắt đầu từ tối qua, 18/4.

Các tác phẩm phát tiếp theo sẽ là: Le Corsaire, Bolshoi Theatre Opera & Orchestra Soloists Concert, A Hero of Our Time, Katerina Izmailova, The Bright Stream, Don Quixote, Sadko, liên tục tới 11/5. Lưu ý, tất cả các video sẽ vẫn chỉ được lưu giữ trên kênh YouTube nhà hát trong 24 giờ kể từ khi phát sóng, sau đó sẽ được xóa đi.

Thời cách ly xã hội này giúp số đông tiếp cận được những vở diễn kinh điển và cũng là dịp tốt quảng bá thương hiệu, biến những khán giả tại gia thành khán giả tiềm năng của các nhà hát sau mùa dịch.

Kênh YouTube The Show Must Go On của nhà soạn nhạc kiêm ông bầu Andrew Lloyd Webber, đã bắt đầu phát miễn phí có thời hạn 48 tiếng đồng hồ một số vở diễn nổi tiếng nhất của mình, mà mới nhất là The Phantom of the Opera ngày 18/4 với 7,7 triệu lượt người ở nhà xem chỉ sau một ngày “phát sóng”. Tương tự, cũng trong thời gian này, vở opera nổi tiếng của Mozart, Così fan Tutte, do các nghệ sĩ nhà hát Royal Opera House (London) trình diễn cũng đã được “mở cửa” trên kênh YouTube của nhà hát cho khán giả xem trong thời gian quy định. Bình thường, công chúng chỉ có thể xem miễn phí các trích đoạn ngắn vài phút thôi. Các bản đầy đủ, chất lượng cao thì được bán. Chẳng hạn, với vở The Metamorphosis, được bán với giá 152,18 USD trên Amazon. “Nghệ thuật cho không” như thế này rất hiếm hoi, thường chỉ trong những dịp kỷ niệm thật đặc biệt của vở diễn và cũng giới hạn số lượng. Lần đặc biệt trong thời cách ly xã hội này giúp số đông tiếp cận được vở diễn và cũng là dịp tốt quảng bá thương hiệu, biến những khán giả tại gia thành khán giả tiềm năng sau mùa dịch.

Giám đốc nhà hát Bolshoi Vladimir Urin chia sẻ với báo chí rằng “Dù phải đóng cửa nhà hát, nhưng chúng tôi lại không muốn mất đi kết nối với khán giả của mình”.

Chưa bao giờ, thực đơn giải trí, thưởng nghệ thuật cuối tuần của công chúng khắp nơi lại phong phú và đặc biệt thịnh soạn như thế khi toàn các món ngon. Đấy là mới chỉ nói trong phạm vi các nhà hát giao hưởng vũ kịch. Nếu không có sự số hóa, sử dụng công cụ giải trí trực tuyến là giải pháp, thì các vở diễn kinh điển đó sẽ khó mà đến với rộng rãi công chúng, cho dù trong thời gian có hạn 24 hoặc 48 tiếng.

Số hóa là phao cứu sinh cho ngành giải trí trong việc giữ khán giả ở lại với mình trong thời giãn cách xã hội.

Đây cũng là cách mà ngành giải trí tận dụng triệt để khi tất cả các tụ điểm giải trí đóng cửa trong mùa dịch. Thậm chí hãng Universal Studios còn phá vỡ quy tắc truyền thống lâu nay là với các phim mới, rạp phim sẽ chiếu trong 90 ngày trước khi được phát hành trên truyền hình hay các dịch vụ xem trực tuyến. Các bộ phim Emma, The Hunt, Invisible đã đến tận nhà phục vụ khán giả dù chỉ mới ra rạp gần đây. Universal Studios cũng là hãng đầu tiên phát hành phim bom tấn trên dịch vụ xem phim trực tuyến với bộ phim hoạt hình Trolls Wolrd Tour. Những công chúng đang cách ly tại gia có thể xem phim với “giá vào rạp”  là 19,99 USD  trong vòng 48 tiếng trên các nền tảng như Amazon Prime, iTunes, Vudu.

Ảnh chụp lại màn hình vở The Phantom of the opera đang trình diễn trên YouTube. Vở sẽ ngưng diễn và biến mất khỏi YouTube khi hết Chủ nhật này.

Các dịch vụ xem, nghe trực tuyến đang là phao cứu sinh cho khu vực văn hóa giải trí trong việc chia sẻ, giữ khán giả cho mình và “gỡ gạc chút đỉnh” với những kinh phí đã bỏ ra như chuyện đang xảy ra với phim ảnh. (Một ngành mà theo tính toán của Forbers, nếu việc đóng cửa các tụ điểm giải trí kéo dài tới tháng 7,  sẽ làm bốc hơi 12 tỷ USD doanh thu giải trí ở Mỹ, trong đó có khoảng 4 tỷ USD là doanh thu phòng vé).

Giải trí trong nước: pyjama thời cách ly và…

Hẳn nhiên, điều này chưa khả thi ở trong nước do thói quen của khán giả, khi chỉ mỗi chuyện thu phí bản quyền nghe nhạc trực tuyến cũng đã khá trầy trật bấy lâu nay. Các trang bán vé xem phim ở trong nước giờ trở thành nơi bình phim cũ, các mục giới thiệu phim mới, phim sắp phát hành đã tháo xuống. Các website của các nhà phát hành phim lớn nhất nhì ở Việt Nam không khác gì các forum-diễn đàn điện ảnh.

Đặc thù phát hành phim Việt không như quốc tế, nhà sản xuất Lý Hải với phim Lật mặt: 48h thì sau khi hoãn chiếu đợt 30/4, đã chốt luôn lịch công chiếu mới là Tết năm tới cho chắc ăn.

Thời gian qua, mạng xã hội đã đem nghệ sĩ đến gần công chúng nhiều hơn, nhưng thực sự gần nhất vẫn là những hình ảnh của họ trong mùa đại dịch Covid-19 này, khi mà sự xuất hiện của các ngôi sao không hào nhoáng lộng lẫy như thường thấy, mà hầu hết đều trong trang phục ở nhà, đơn giản, gần gũi nhưng có phần xuề xòa. Ngay cả những ngôi sao được tiếng là rất chỉn chu hình ảnh khi xuất hiện trước công chúng dưới bất cứ hình thức nào, giờ cũng thoải mái vận… đồ ngủ mà xuất hiện trước điện thoại của khán giả.

Sân khấu là phòng khách, bếp hay phòng ngủ của mình, họ hát, nói, múa… và làm nhiều thứ ngẫu hứng, hài hước và truyền tải trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, như một cách để giữ liên lạc và hâm nóng sự ái mộ của khán giả trong những ngày ai cũng phải cách ly tại gia như thế này.

NSƯT Mỹ Uyên, cũng như các nghệ sĩ sân khấu khác, đang mong đại dịch sớm qua để được gặp lại khán giả của mình.

Một trào lưu giải trí mới chỉ có trong mùa dịch được giới truyền thông gọi đùa là “trào lưu giải trí pyjama” này đang xảy ra khắp nơi. Nếu mạng xã hội đã biến một người bình thường thành ngôi sao, thì dịp dịch này, “trào lưu giải trí pyjama” cũng kịp biến ngôi sao thành người bình thường.

Câu hỏi đặt ra là liệu trào lưu này kéo dài được bao lâu, khán giả sẽ hứng thú hưởng ứng được bao lâu, hay là nó cũng sẽ biến mất khi nhu cầu được nhìn ngắm các ngôi sao trong bộ pyjama đã bão hòa? Đó là chưa kể một bộ phận khán giả khác thấy khó chịu với những hình ảnh không nghiêm túc của các nghệ sĩ quá đà. Khi hết dịch, các loại hình giải trí “truyền thống” được phục hồi, hình ảnh nào sẽ đọng lại với khán giả?

NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: Tôi nghĩ đã là trào lưu rồi thì nó cũng sẽ đi qua. Dù thế nào đi nữa, đâu có nghệ sĩ nào muốn trình diễn một mình trước màn hình điện thoại và đợi tương tác qua những comment mãi đâu. Chúng tôi đã và sẽ luôn cần những buổi diễn trực tiếp. Đặc trưng nghề này là khâu sản xuất, tiêu thụ và thước đo thành công sản phẩm đều cần chung một điều kiện là nhiều người cùng quy tụ trong một không gian nhất định. Đâu có ai muốn dịch ở lại mãi, phải không?

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/nghe-si-lam-gi-giua-dai-dich-bai-3-day-manh-hoa-cac-loai-hinh-giai-tri/

Cùng chuyên mục