Nghệ nhân tượng ông Táo làm heo gốm đón Tết

Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, nghệ nhân Nguyễn Văn Chín (64 tuổi) ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà (Hội An) vừa cho ra lò những con heo được làm bằng gốm khá xinh xắn.

Tại làng gốm Thanh Hà, ông Chín được xem là người duy nhất còn làm tượng ông Táo, dịp Tết năm nay, ông làm khoảng 70.000 tượng. “Từ những ngày đầu tháng Chạp năm nay, khi nào cũng làm đến hai, ba giờ sáng cho đủ sống lượng tượng họ đã đặt. Giờ nghĩ lại, không biết sao mà sức mình lại dai dẻo đến thế” – ông Chín chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chín nặn và nung tượng heo gốm

Nhìn đôi tay ông nhào nặn với đất, thấy đầy những vết chai sạn. Đó là vết tích của một hành trình mấy chục năm đời người nhào nặn với đất, cũng là minh chứng của một đôi tay mỗi ngày quyết níu giữ một phần hồn của làng, là nghề làm tượng ông Táo quanh năm.

Ông bảo, mỗi ngày không làm tượng ông Táo, là khó chịu trong người. So với trước đây, thì giờ làm tượng ông Táo đơn giản hơn nhiều, vì đã có khuôn bằng kim loại, nhào đất sét vào một phát là xong. Không như mười mấy năm trở về trước, khuôn bằng gỗ, làm không khéo sẽ dính khuôn và quan trọng hơn hết, là nhìn Táo ông cũng trông như… Táo bà!

Hoàn thiện heo và xếp vào lò nung

Chung quy lại, dày công nhất là công đoạn xếp và nung tượng ông Táo. Phải xếp thật khéo léo, xen kẽ lẫn nhau để khi đun, nhiệt lượng từ lửa được tỏa đều khắp từng cái, từng lớp tượng, có như thế chúng mới “chín” đều, còn không là hỏng. Rồi đến đoạn đun lửa, cũng là một kỳ công không kém. Củi phải cho lửa thật đều, không quá lớn mà cũng không quá nhỏ, đặc biệt là tránh hạ hay tắt lửa đột ngột bởi lửa quyết định đến chất lượng của tượng.

Ông Chín giải thích: “Nếu lửa cao quá, thì sự tăng nhiệt độ đột ngột khiến cho tượng bị bứt, vỡ tỏng khi nung; còn lửa thấp quá, thì tượng sẽ không “chín tới”, dễ bị vỡ trong quá trình vận chuyển, sử dụng; còn nếu lửa bị hạ hay tắt đột ngột, thì lượng nước và hơi nước phía trên sẽ chảy ngược xuống, khiến cho tượng bị nhũn ra và hư, trong nghề gọi hiện tượng đó là “chảy mồ hôi”.

Kéo đi giao

Mỗi lần nung phải mất vài ngày đêm, nên ông hay mắc võng nằm cạnh lò cho đỡ mệt, cũng như canh củi lửa. Ông có kế hoạch cải tạo, mở rộng lò gốm của mình để cho ra những sản phẩm từ gốm có kích thước lớn hơn, và trên những sản phẩm ấy, là những hoa văn họa tiết về Hội An, Mỹ Sơn hay những gì thuộc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

Tự tay trang trí khắp làng gốm Thanh Hà

Sau những cuộc thăm dò, ông nhận ra rằng những sản phẩm ấy rất phù hợp với việc trang trí của các biệt thự, nhà hàng, khách sạn và homestay ở Hội An cũng như các địa phương phát triển du lịch. Với hướng đi ấy, ông Chín tin rằng sẽ làm phong phú thêm sản phẩm từ làng gốm, cũng như nâng được giá trị từ sản phẩm này – điều mà người dân làng gốm lâu nay vẫn luôn mong mỏi. Còn bây giờ, ít ra, với việc cố giữ nghề làm ông Táo, ông Chín gần như níu giữ một phần tín ngưỡng trong dịp tết của người Việt!

Riêng dịp Tết Kỷ Hợi 2019, ngoài làm tượng táo quân thông thường, ông Chín còn làm 10 con heo gốm cỡ vừa để trang trí ở làng gốm Thanh Hà và các điểm dừng chân.

An Vĩnh

Cùng chuyên mục