Chuyện trả giá ở chợ hoa Tết Đà Nẵng

Chợ hoa Tết Đà Nẵng đã vào “giờ cao điểm”. Hai ngày cuối cùng trước Tết cũng là hai ngày người dân xứ Đà đi chợ hoa nhộn nhịp nhất, trả giá rộn ràng nhất.

Chợ hoa Đà Nẵng nhóm họp ở khu vực quảng trường 2-9 và các trục đường lân cận. Không nhiều loại như chợ hoa Tết Sài Gòn, chợ hoa Tết Đà Nẵng chủ yếu là các loại mai, lan, cúc, thược dược, mãn đình hồng, hướng dương… và cây quật (tắc – theo cách gọi miền Nam và quất theo cách gọi miền Bắc). Người Đà Nẵng có thói quen đi chợ hoa là trả giá, nên với người xa quê lâu ngày, đi chợ hoa Tết cũng là dịp được chứng kiến cảnh mua bán khá đặc trưng với giọng quê nhà.

1. Thí dụ như với người phụ nữ mua mai. Chị kiên quyết trả chậu mai kiểng giá 500 ngàn đồng và bưng lên xe: không bán tui cũng nhứt định mua. Anh bán hàng bảo, trời ơi chị trả thêm đi chớ tui chưa mở hàng. Khách đáp, chiều xế ri rồi mà mở hàng cái chi. Chủ tiếp ngay: Sáng cũng mở hàng trưa cũng mở hàng mà tối cũng mở hàng, tùy ngày chớ. Chị không trả thêm tui bán hoa ăn cái chi. Khách tự động bưng chậu hoa lên xe và không quên trả treo: Chừ 28 Tết rồi không bán tiếc chi nữa. Chủ không kèo nữa mà bán thật.

2. Một người mua tạt qua hỏi vạn thọ ni mấy chậu rứa? Người bán đang lúi húi dọn cây, đáp trăm bảy một cặp. Người mua nói chỉ mua một chậu thì giá mấy? Người bán đáp ngay tám chục. Người mua bên cạnh là tôi đứng ngẩn ra vài giây rồi hỏi lại: Ủa ông anh, lẽ ra bán lẻ ông anh phải bán mắc hơn bán cặp để khuyến khích người ta mua cặp cho nhanh hết hàng chớ, răng lại bán rẻ hơn? Người bán xua tay: Họ hỏi cho có rứa thôi anh ơi. Tui biết mà. Bán hoa miết tui biết ai thực sự muốn mua hay ai hỏi vu vơ trúng giá rẻ thấy ham thì mua. Với nhiều người mắc tật cứ phải trả giá cho bằng được. Thí dụ chừ mình có nói 5 nghìn 1 chậu thì họ cũng sẽ trả xuống nữa cho coi. Nên tui nói rứa cho họ đi cho rồi. Tui bán bao nhiêu mùa hoa Tết ở đây rồi, rành khách quá mà. Nói đoạn, người bán quay qua khách vừa hỏi giá chậu vạn thọ nhỏ: 25 ngàn 1 chậu đó anh. À mà thôi chừ hăm tám Tết rồi, lấy hai chục cho gọn bán cho nhanh, nhìn anh tui biết anh muốn mua thiệt mà. Hoa ni nhà trồng ở Đại Hiệp, Đại Lộc đó.

Khách mua không trả giá mà mua thật!

3. Khách cứ đứng hết hỏi cây mai ni có sống được không, rồi lại trồng được không… người bán vừa lúi húi uốn nắn cành vừa trả lời như nói với mình. Chừ cô mới đi mua hoa là đã biết cái giá người ta bán rồi, trả chi cho nhiều cũng rứa. Người mua: Ý tui là mai ni chỉ dùng một lần chớ trồng xuống đất đâu có sống được hả. Ủa cô ni hỏi hay, mai cành là mai cắt cành, cô muốn trồng, chơi lại cho năm sau thì mua mai chậu chớ. Mà mua mai chậu cũng chưa chắc sang năm có hoa như năm đầu. Nhưng mai ni chỉ chơi được đúng 1 lần rồi bỏ, chú bớt giá nữa đi. Cô nghĩ răng, công trồng, chặt, gói ghém, chạy xe máy trong quê ra đây bán mấy cành mai mà trả rứa thì lấy chi tui kiếm tiền Tết.

Khách không hỏi nữa, mà ngần ngừ, rồi đi thật.

Nếu không hiểu, người  ở xa đến sẽ cảm giác như đây là những cuộc cãi lộn, nhưng không phải. Nó chỉ là màn báo giá và trả giá quen thuộc trong bất cứ cuộc mua bán giáp Tết nào ở đây.

Đi chợ hoa Tết, trả giả âu cũng là thú vui. Nhưng trả tới mức ép giá thì chỉ một bên vui. Nên chăng văn hóa trả giá cũng cần có sự cân đối giữa 2 bên bán và mua. Hãy để niềm vui Tết được trọn cho cả đôi bên. Bạn nghĩ lại xem, đã có lần nào mình  trả giá hoa tới mức người bán phát… hờn chưa?

L.M.Hạ

Cùng chuyên mục