Ngành du lịch không phụ thuộc khách Hàn

Một số doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng và Quảng Nam cho biết đang gặp khó do thị trường khách Hàn Quốc sụt giảm. Trong khi đó, theo thống kê của ngành chức năng, lượt khách Hàn vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước; đồng thời khẳng định đã chủ động chuyển hướng thị trường chứ không phụ thuộc vào khách Hàn.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, thị trường khách truyền thống Quảng Nam hướng tới chủ yếu vẫn là châu Âu, Úc và Bắc Mỹ, nên việc khách Hàn tăng hoặc giảm không ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, thị trường khách truyền thống Quảng Nam hướng tới chủ yếu vẫn là châu Âu, Úc và Bắc Mỹ, nên việc khách Hàn tăng hoặc giảm không ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch tỉnh.

Doanh nghiệp báo sụt giảm

Ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Omega Đà Nẵng (chuyên thị trường khách Hàn Quốc) cho biết, so với cùng kỳ năm trước, lượng khách công ty sụt giảm khoảng 30%. “Thông thường tại một số nơi như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chu kỳ tăng khách khoảng 5 năm, nhưng với Đà Nẵng đến nay đã qua năm thứ 7, nên việc khách di chuyển đến vị trí mới là tất yếu và cũng phù hợp với chu kỳ” – ông Ngọc Anh phân tích. Dự lường được tình huống khách Hàn Quốc giảm, nên từ hơn năm trước Omega đã tiến hành xúc tiến các dòng khách mới thay thế, tuy nhiên xem ra vẫn khá nan giải. Theo ông Ngọc Anh, khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng rất lớn nên chỉ cần thị trường này sụt giảm 20% sẽ khó thị trường nào thay thế được. Chưa kể, so với một số thị trường mới nổi hiện nay như Thái Lan, Malaysia khả năng chi tiêu của thị trường khách Hàn Quốc cao hơn, nhất là khách đi tự do.

Tương tự, đại diện khách sạn Luxury Đà Nẵng cho hay, khách Hàn Quốc đăng ký lưu trú khách sạn sụt giảm khoảng 14%, trong đó giảm đột biến từ cuối tháng 4. “Năm ngoái thời điểm này tỷ lệ lấp phòng khách sạn chừng 94%, nhưng năm nay chỉ còn 80%. Hiện tại, chúng tôi đang hướng đến các thị trường khác thay thế như Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… nhưng nhìn chung cũng khá nhỏ lẻ” – đại diện khách sạn Luxury thông tin.

Không chỉ doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng ảnh hưởng, khách Hàn Quốc sụt giảm cũng khiến các doanh nghiệp chuyên “làm” khách Hàn Quốc tại Hội An gặp khó. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality cho hay, so với các năm, khách Hàn Quốc của đơn vị sụt giảm gần 50%. Để hạn chế ảnh hưởng, doanh nghiệp đang chuyển hướng đến các thị trường khách mới là Đài Loan, Hồng Kông. “Dù Hội An không nhiều doanh nghiệp “làm” khách Hàn Quốc nhưng sự sụt giảm này chắc chắn tác động đến hoạt động kinh doanh của một số công ty” – ông Thanh nhìn nhận. Hai điểm mới nổi được khách Hàn Quốc chọn hiện nay là Nha Trang và đảo Phú Quốc. Trong đó, Nha Trang trở thành điểm “nóng” của khách Hàn Quốc thể hiện qua số chuyến bay tăng từ 15 chuyến/một tuần lên hơn 50 chuyến/tuần.

Không phụ thuộc khách Hàn

Theo thống kê của ngành chức năng, bình quân mỗi ngày có 10 – 12 chuyến bay trực tiếp từ Seoul, Busan, Incheon (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng, cao điểm khoảng 20 chuyến. Năm 2018 gần 1,7 triệu khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, khoảng 30% khách trong số này đi tự do không qua công ty lữ hành. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng khẳng định, so với cùng kỳ năm ngoái thị trường khách Hàn Quốc tăng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019 khoảng 878 nghìn lượt khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, tăng 135 nghìn lượt so với cùng kỳ (743 nghìn khách). “Theo con số phía xuất nhập cảnh cung cấp thì lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng vẫn tăng, nếu có giảm thì chỉ giảm về tỷ lệ từ 54,8% xuống còn 49,9% do xuất hiện một số thị trường khách mới như Thái Lan, Malaysia… Nếu có chăng là đang bão hòa chứ không giảm, dự đoán cũng phải 2 – 3 năm nữa” – bà Lan nói. Cũng theo bà Lan, ngay từ đầu thành phố đã xác định khách Hàn Quốc, Trung Quốc không phải là thị trường khách bền vững, thậm chí rủi ro nên từ 2 năm qua Đà Nẵng đã chuyển hướng đến các thị trường khác như Đông Nam Á, Pháp, Đức, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông… nhằm đa dạng dòng khách.

Báo cáo của Phòng VH-TT TP.Hội An cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019 khách Hàn Quốc lưu trú tại Hội An đạt 149.460 lượt, tăng khoảng 6 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2018 (143.013 lượt). Còn theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Quảng Nam, qua 5 tháng đầu năm thị trường Hàn Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất với hơn 199 nghìn lượt khách, chiếm 27,98% tổng cơ cấu khách, vượt hơn 86 nghìn lượt so với cùng kỳ 2018 (gần 113 nghìn lượt). Tại một số điểm tham quan chính như Khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà, Khu đền tháp Mỹ Sơn… khách Hàn Quốc vẫn đóng vai trò chủ đạo. Thậm chí tại làng gốm Thanh Hà và Khu rừng dừa nước Cẩm Thanh khách Hàn Quốc hiện chiếm tỷ lệ lần lượt 60 – 70% tổng cơ cấu khách.

Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, dù không chọn lựa, nhưng thị trường khách truyền thống Quảng Nam hướng tới chủ yếu vẫn là châu Âu, Úc và Bắc Mỹ vì phù hợp với các sản phẩm văn hóa, sinh thái của Quảng Nam, nên việc khách Hàn Quốc tăng hoặc giảm cũng không ảnh hưởng nhiều; thị trường khách đến Quảng Nam vẫn ổn định và bền vững. Chỉ với các doanh nghiệp chuyên đón khách Hàn Quốc, việc thị trường sụt giảm thật sự là một thách thức không nhỏ trong hoạt động kinh doanh của mình, chí ít trong khoảng thời gian ngắn hạn.

Vĩnh Lộc
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục