Tản mạn Lai Viễn Kiều

“Cần có hai người để gọi tên một bầu trời xanh” (Sait Exupery).

Bất cứ một vùng nào cũng đều có một điểm trọng yếu để các mạch nước tụ về – cái mà người ta gọi là “long mạch” hay “sơn mạch”. Dù chẳng phải là kẻ am tường nhiều về thuật phong thủy nhưng tôi đoan chắc rằng cái “long mạch”, trọng điểm ấy của Hội An chính là Chùa Cầu.

Chùa Cầu Hội An. 
Chùa Cầu Hội An. Ảnh: Phương Thảo.

1. Thuở còn nhỏ tôi thường đạp xe hàng ngày qua Chùa Cầu để đi học và đến những người bạn ở xóm phố gần đó. Tôi thích đứng ở điểm giữa cầu dành cho khách bộ hành hướng nhìn ra sông, vịn tay vào hàng chắn, soi mình xuống dòng nước, rồi nghe âm thanh của những miếng ván cầu vang lên mỗi khi có chiếc xe hoặc người qua lại, lòng bất chợt cảm thấy vô cùng dễ chịu. Những hứng thú của tôi, hạnh phúc của tôi chính là sự lặp đi lặp lại đó… Và nhiều năm như thế, lớn lên ở chốn này, lòng tôi luôn băn khoăn tự hỏi: có nơi nào âu yếm hơn đây, cho tâm hồn tôi luôn thanh thản. Những năm đi học xa, mỗi lúc về nhà, sau phút gặp những người thân trong gia đình và hàng xóm, tôi lại đạp xe xuống phố để được ngắm Chùa Cầu ngay tức khắc, rồi mới tìm đến bạn để bù khú, vui vầy. Phải chăng đây là mối lương duyên tiền định để tôi mãi là lữ khách trung thành trên chiếc cầu nhỏ bé này?

Theo khảo cứu, Chùa Cầu được xây dựng trên hai quan điểm thẩm mỹ xabi và vabi của người Nhật về đánh giá cái đẹp bắt nguồn từ tôn giáo cổ Shinto (Thần giáo – một tôn giáo không cấm hay buộc con người làm gì mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác), hòa quyện cùng một nền văn hóa bản địa đầy tính nhân văn đã tạo ra một biểu tượng độc đáo, đem lại ấn tượng khó quên cho du khách khi một lần ghé qua.

Người ta cho rằng thời gian góp phần bộc lộ bản chất sự vật. Do đó người Nhật nhìn thấy vẻ hấp dẫn đặc biệt trong dấu vết của tuổi tác. Họ mê cái màu sẫm của thứ cây cổ thụ, mê loại đá rêu phong ở trong vườn, hoặc thậm chí cả sự sờn mòn – dấu vết của nhiều bàn tay chạm vào mép bức tranh. Những đặc điểm lâu đời ấy gọi bằng từ xabi, theo đúng nghĩa đen có nghĩa là gỉ. Như vậy, xabi đó là cái gỉ đích thực, sự không hoàn thiện mang tính cổ sơ, là vẻ đẹp của cái cổ, là dấu ấn của thời gian.

Nếu nhân tố của cái đẹp như xabi thể hiện mối quan hệ giữa nghệ thuật và thiên nhiên thì vabi hiện lên chiếc cầu nối giữa nghệ thuật và cuộc sống thường nhật. Khái niệm này rất khó giải thích bằng từ ngữ. Cần phải cảm thấy nó. Vabi – là sự vắng mặt một cái gì đấy cầu kỳ, sặc sỡ, cố ý, mà theo quan niệm của người Nhật là sự tầm thường. Vabi – là vẻ đẹp thường ngày, là sự chừng mực thông minh, là cái đẹp của sự giản dị.

Người ta thường nói: Tình quê hương của anh hùng hào kiệt đúc kết thành lịch sử, ở tao nhân mặc khách đúc kết thành thơ ca, khó lòng dứt được sợi dây thiêng liêng này. Trong vòng sinh tử ngắn hạn của một đời người, làm được chiếc cầu nhỏ bé để mưu sinh thế mà chất ngất biết bao điều lớn lao để cho người đời sau chiêm nghiệm, đó là cái vĩ đại của những “thường dân” đầy sáng tạo, cần cù, dũng cảm, đấy cũng chính là hình ảnh của con chim hồng trên tuyết, là hình tượng biểu hiện khát vọng bất tử của con người, muốn như chim hồng để lại dấu chân đã đi qua trên cõi phù thế (Nê hồng nhựt trảo tự tây đông – Huỳnh Thúc Kháng), nó được kết tinh thành sản vật văn hóa, vì thế rất đáng được trân trọng, bảo tồn và phát huy.

2. Vậy mà, rồi một ngày qua phố, lòng tôi chợt thảng thốt khi thấy hai đầu cầu được chắn ngang bằng tấm gỗ lớn để hạn chế xe cộ sang cầu. Dẫu biết rằng đó là biện pháp tốt nhất để tránh cho Chùa Cầu hư hỏng, xuống cấp bởi sự thiếu ý thức của một số người, nhưng lẽ nào ta không có giải pháp hữu hiệu. Vậy thì cái tiêu chí xây dựng thôn, xóm, xã phường văn hóa ở đâu? Những tỉ lệ hơn 80%, 90% gia đình văn hóa thế nào? Cách gíáo dục cho thế hệ trẻ hiểu cái vô giá của thắng cảnh, di tích ra sao? Xin đừng trách nếu có quá lời, cũng bởi chưng vì yêu quá mà thôi.

Con người hiện đại đôi khi không còn làm chủ được thời gian sinh hoạt của mình, nên những nghệ nhân tài hoa không còn xuất hiện nữa. Thế cho nên, trong bấy nhiêu năm tôi vẫn canh cánh bên lòng cảm giác trĩu nặng về cái vách ngăn, nó là một chấn thương âm ỉ còn đó. Đến giờ, ở cái tuổi sắp “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, dẫu chưa già nhưng cũng đủ đã đến lúc quên đi những chuyện vô nghĩa của thường nhật, để chỉ còn nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc trong đời. Nhớ một tối dạo chơi “đêm phố cổ”, khi dòng người đã vãn, tôi lững thững dưới ánh trăng, nhìn Chùa Cầu giống hệt chiếc thuyền trôi trên dòng sông trăng đó. Tôi mở lòng bàn tay và nắm lại, có cảm giác là mình đã nắm đầy ánh trăng trong lòng bàn tay, thậm chí là cảm nhận được tiếng vỡ của trăng…

Các yếu tố Nho, Phật, Lão luôn đồng hành trong một đời người, vì Nho, Phật, Lão luôn mang đến sự thăng bằng tâm lý Việt Nam của những thế kỷ trước. Và khi đặt chân lên cầu tôi chợt ngộ cái hay của “tam giáo đồng nguyên” ở trong mỗi chúng ta: lúc còn bé, đạo Phật dạy ta biết chuyện muôn ngàn thế giới, lớn lên đạo Khổng dạy ta phép sống trong xã hội, về già đạo Lão dạy ta sự hư vô. Chùa Cầu có cả 3 yếu tố văn hóa ấy: Phật giáo xuất phát ngay từ tên gọi dân gian của cầu, Nho giáo thể hiện ở dấu ấn chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên Lai Viễn kiều, truyền ghi khắc chữ, và tư tưởng Lão Trang vô vi là chính những lúc du khách dừng chân nghỉ ngơi ở cầu, nhìn dòng nước chảy miên man mà nghĩ về cuộc đời, đến rồi đi như chính thân phận mỗi con người vậy. Thái quá hay bất cập đều là phi văn hóa. Văn hóa, nó chính là ngưỡng của sự vật. Phải chăng đây là cái văn hóa của phố cổ, là cái ngưỡng độc đáo của Chùa Cầu: cầu là động nhưng mà tĩnh, chùa tuy là tĩnh nhưng mà động; hai cái động tĩnh ấy len lỏi, hòa quyện vào nhau để tạo lập thế thăng bằng cho bản ngã, bởi vậy người Hội An mới có quyền tự hào: Ai qua phố Hội, Chùa Cầu…

3. Mãi lan man suýt quên mấy nhân vật luôn gợi lên sự tò mò cho mọi người: hai tượng chó và hai tượng khỉ đứng hai đầu cầu. Có nhiều giả thiết về những tượng linh vật đứng chầu này, nào là đánh dấu mốc thời gian xây dựng, sửa chữa, nào là vật tổ… Nhưng tôi thì lại cho rằng đó là dụng ý của cổ nhân mong muốn rằng mọi người khi đi qua chiếc cầu này thì sẽ đạt được hai điều: một là trí tuệ (biểu tượng con khỉ), hai là tấm lòng thành (biểu tượng con chó), vì đây là hai con vật mà rất nhiều dân tộc trên thế giới đều công nhận chúng có các đặc tính ấy. Đâu phải ngẫu nhiên mà người xưa thường tặng nhau trên hoành phi ba chữ “tri sở chi” (biết chỗ dừng), đây là phương thức hữu hiệu hoàn thiện nhân cách. Tôi ước ao nước dưới chân cầu một ngày nào đó sẽ trở lại trong như xưa, xanh như xưa, rồi khi soi bóng mình dưới nước, mỗi chúng ta chợt nhận ra một gương mặt chung quen thuộc, thánh thiện, để rồi tự nhủ: hãy níu lấy trái tim để mà sống với mọi người.

Có nhà văn hóa nhận xét: nếu mất đi sự yên tĩnh thì Hội An chẳng còn gì. Tôi xin tiếp lời: nếu mất Chùa Cầu, Hội An mất rất nhiều thứ. Ảnh hưởng của một văn hóa Chiêm Thành, Hội An đã học cách sống chung với lũ lụt, bằng cách không chịu đắp đê ven những dòng sông. Phải chăng cũng nhờ đó mà Chùa Cầu vẫn trụ vững mấy trăm năm qua? Thời trẻ, tôi có những lúc định bôn ba xa xứ để sống, nhưng rồi vì nhiều lý do mà ở lại quê nhà. Âu đó là cái diễm phúc của đời mình, vì quả thực xa Hội An, xa Chùa Cầu tôi không chịu nổi. Không cần ngôn ngữ khiến nụ cười mỹ nhân càng mê hồn hơn, Chùa Cầu cổ kính nheo mắt âu yếm nhìn nhân loại trẻ trung ríu rít đi qua bằng tình yêu trong sáng, đầy sức sống. Bất giác lòng sinh ra bao mối cảm hoài về cái âm thanh kỳ lạ đó, cái âm thanh của đại tự nhiên, là bản hợp xướng của thánh thần lẫn nhân loại, mỗi ý có một cảm hứng về chân thiện và cái đẹp, tất cả đều đã thấm nhuần trong tâm hồn những cư dân nơi đây và sẽ tiếp tục lưu truyền mãi cho con cháu sau này.

Nguyễn Hoài Quảng
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục