Ngăn ngừa dịch bệnh mùa mưa lũ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn yêu cầu các sở y tế chủ động triển khai phương án phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt…

Chủ động ứng phó với dịch bệnh trong và sau mưa lũ bằng nhiều biện pháp. Ảnh: TTYT

Theo Cục Y tế dự phòng, trong và sau mưa bão, lũ lụt, các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét; các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Cảnh báo bệnh từ môi trường

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn nên dễ dàng phát sinh các dịch bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa… Đa số các trường hợp bệnh về da do tiếp xúc với nước bẩn mùa mưa, điều kiện sinh hoạt của người dân không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) nhận định, ngoài các bệnh về da, trong mùa mưa lũ, người dân ở vùng úng ngập thường gặp phải các bệnh về tiêu hóa do thiếu nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt hằng ngày, thiếu thức ăn, quần áo, giường chiếu không được khô ráo… cũng góp phần phát sinh bệnh tật.

Hiện tại, dịch sốt xuất huyết tại Quảng Nam đã dần được kiểm soát, với số ca mắc trong tuần giảm từ 800 ca xuống còn gần 600 ca. Số liệu từ CDC Quảng Nam cho biết, tính đến đầu tháng 11, tổng số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh là hơn 7.000 ca. Ngoài ra, qua theo dõi hơn 20 ngày sau ca bệnh bạch hầu đầu tiên, hiện tại Quảng Nam không xuất hiện ca bệnh mới. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết hiện tại, ngoài nỗ lực dập dịch sốt xuất huyết, việc giám sát chặt chẽ các dịch bệnh sẽ phát sinh vào mùa mưa lũ cũng đặt ra khá nhiều yêu cầu cho ngành y tế.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn – Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Nam cho biết, số lượng bệnh nhi nhập viện vì các bệnh viêm hô hấp và tiêu hóa so với các năm ít gia tăng, nhưng đây là loại bệnh chiếm con số khá cao trong tổng số bệnh nhi tại bệnh viện.

Chủ động phòng dịch bệnh

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa bão.

Theo đó, cần thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm. Người dân cần phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Ông Trần Văn Kiệm cho biết, hiện nay CDC Quảng Nam đã chủ động nguồn Cloramin B để cấp phát cho các huyện, thị xã, thành phố. Số thuốc này đủ để các địa phương khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Ngoài ra, tại các trường học cũng như khu dân cư đều có biện pháp để xử lý môi trường, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Việc duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới cũng như hỗ trợ và hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn cũng được đặt ra cho ngành y tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu ngành y tế chủ động các phương án để ứng phó với dịch bệnh ngay khi xảy ra mưa lũ trên địa bàn, tránh để tình trạng dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, chủ động nguồn cung cấp thuốc điều trị, các hóa chất xử lý vệ sinh môi trường cho các địa phương, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong vùng bị ảnh hưởng mưa bão, sạt lở đất và ngập lụt.

Tăng cường phòng bệnh cho trẻ em
Theo số liệu từ Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Nam, từ tháng 7 đến tháng 9, tổng số bệnh nhi nhập viện vì tiêu chảy lên đến 496 ca, viêm phổi có 268 ca, viêm họng cấp 222 ca. Viêm mũi họng cấp và viêm phế quản cấp dao động từ 67 – 76 ca. Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 10, có 176 ca nhập viện vì tiêu chảy, 158 ca viêm phổi.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Nam, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa sự mắc bệnh cho trẻ vào mùa mưa, bằng cách tránh cho trẻ bị ướt mưa, giữ ấm cho trẻ, nhưng không được mặc cho trẻ nhiều lớp quần áo làm trẻ khó chịu, tăng thân nhiệt. Cung cấp cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Khuyến khích trẻ lớn năng tập thể dục. Phụ huynh cần rửa tay kỹ cũng như tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh… Giữ nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát. Dọn dẹp bụi rậm, ao tù nước đọng, nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng… Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém…, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xuân Hiền

Theo Quảng Nam Online

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/y-te/201911/ngan-ngua-dich-benh-mua-mua-lu-881135/

Cùng chuyên mục