Ngạc nhiên với nghề làm heo đất cho mùa Tết Nguyên đán
5 hộ gia đình ở Khánh Lợi, Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thầm lặng gìn giữ nghề làm heo đất đã hơn 20 năm.
Trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày là khoảng thời gian làm việc của người làm heo đất.
Hiện nay, 5 hộ gia đình còn duy trì sản xuất heo đất tại Tân Phước Khánh là: gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn (51 tuổi), gia đình ông Phan Văn Hiệp (55 tuổi), gia đình ông Trần Ngọc Nguyên (45 tuổi), gia đình ông Trần Quốc Nam (65 tuổi) và gia đình ông Lý Phú Cường (55 tuổi).
Mỗi tháng, mỗi hộ nung heo đất từ 3 đến 4 lò, mỗi lò có từ 1,500 đến 2.000 heo đất đủ loại. Nếu phân theo kích thước thì heo đất được phân làm 4 loại: cốc, trung, lỡ, đại.
“Heo đất bán chạy vào dịp cuối năm đến đầu năm sau vì nhu cầu mua heo đất của người dân tăng cao. Dịp cuối năm người dân đập heo đất cũ và mua heo đất đón năm mới, tiền tiết kiệm được dùng để chi tiêu dịp Tết Nguyên đán nhiều hơn.” – Ông Nguyễn Văn Nhàn (51 tuổi) – người làm nghề sản xuất heo đất lâu năm nhất tại Tân Phước Khánh.
Mùa thấp điểm của nghề làm heo đất là các tháng mùa mưa, vì trời ít nắng heo đất sẽ khó khô nhanh và sức mua không cao. Thu nhập của nghề đủ sống, người làm nghề lấy công làm lời là chính.
Khi được hỏi về người kế nghiệp, chỉ có 1/5 gia đình là có người tiếp nối nghề làm heo đất. Các hộ còn lại cho rằng nghề làm heo đất rất vất vả, không muốn con cái theo nghề, đồng thời tùy theo nguyện vọng của con, họ sẽ không ép buộc.
Họ mong ước trong năm Kỷ Hợi 2019 sắp đến: “Mọi người có đầy đủ sức khỏe để theo nghề. Nghề làm heo đất được duy trì và phát triển. Giá bán heo đất ổn định và tăng lên để người làm heo đất có thêm thu nhập.”
Quy trình làm heo đất tại Tân Phước Khánh như sau:
Tạo “hồ” làm heo đất:
Những nguyên liệu cần mua là đất, củi, keo và khuôn. Lấy đất từ Nam Tân Uyên và một số nơi khác tại Bình Dương, sau đó hòa trộn nước và keo thông qua máy quay trở thành hỗn hợp “hồ”.
Rót vô khuôn heo đất:
Đổ “hồ” vô các khuôn, chờ 10 phút sau đó trút hồ còn dư để heo đất được rỗng bên trong. Tùy theo độ dày vỏ heo đất mà thực hiện thao tác đổ và trút “hồ” thêm một lần nữa. Sau 4 giờ đồng hồ tiếp theo, heo đất sẽ khô lại.
Tháo khuôn:
Gỡ dây đã được buộc khuôn ra, sau đó tháo khuôn từ từ, đắp đất lên những chỗ còn hở sau khi tháo khuôn của heo đất.
Làm nguội:
Là công đoạn khoét lỗ tiền và gọt tỉa những phần dư thừa do tháo khuôn.
Phơi nắng cho heo đất khô:
Trước khi đưa vào lò nung, heo đất cần được phơi khô để có chất lượng sau nung tốt nhất.
Xếp heo đất vô lò:
Việc xếp heo đất vô lò cần sự cẩn thận vì heo đất đủ loại kích cỡ được xếp xen kẽ với nhau.
Nung heo đất:
Đây là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất vì tốn hơn 10 giờ đồng hồ, lò được đốt lửa liên tục.
Mở cửa lò: Làm nguội lò trước khi lấy toàn bộ heo đất ra.
Lấy heo đất ra khỏi lò: Xếp theo từng loại heo đất theo thứ tự để dễ di chuyển lên xe tải.
Xếp heo đất lên xe tải để vận chuyển đến cơ sở vẽ heo đất: Các cơ sở vẽ heo đất của 5 hộ gia đình tại địa phương khá xa, tận Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tô sắc cho heo đất:
Nghề vẽ heo đất đa phần tập trung tại Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Heo đất sẽ được trang trí đầy màu sắc bởi bàn tay sáng tạo của người thợ vẽ lành nghề tại vùng đất này.
Tuyết Kiều
Theo Tuổi trẻ