Tính cách người Quảng trong ca dao xứ Quảng (kỳ cuối)

4. Cương trực, thẳng thắn, ham học hỏi         

Bàn về tính cách người Quảng, sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Quân tử thì giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh, tiểu nhân thì khí khái mà hay kiện tụng. Dân ven núi sinh nhai về nghề hái củi, đốn cây mà tính chất phác, dân ven biển sinh nhai về nghề tôm cá, mà tính tình nóng nảy” (Dẫn theo Giáo sư Trần Viết Ngạc, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 237). Việc “hay kiện tụng” là biểu hiện rõ nhất của tính cương trực, thẳng thắn. Chính nó tạo nên một đặc điểm nổi bật của người Quảng trong giao tiếp, cũng như trong công việc hằng ngày. “Nói đến người Quảng Nam là nói đến một số nét tính cách khá điển hình như bộc trực, chất phác, thẳng thắn, ít biết quanh co” (Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 206).

“Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo
Bình Ðịnh nằm co, Thừa Thiên ăn hết”…

Nói về đặc điểm “hay cãi”, cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết: “Người Quảng Nam không giống đồng bào ta ở nhiều tỉnh là ít nặng về cảm tính mà nặng về lý tính. Do nặng suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được), người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn tới mất mát quyền lợi quan trọng nhất đời” (Sức sống văn hóa xứ Quảng, Nxb Hội Nhà văn, 2011). Người Quảng hay tranh luận, nhiều khi tranh luận một cách gay gắt, nảy lửa không phải vì họ thích lý sự mà xuất phát từ bản tính cương trực thẳng thắn. Họ không chấp nhận những điều chưa rõ ràng, chưa đi đến sự thật cuối cùng. Nghiên cứu đặc điểm này, Mai Văn Mô giải thích: “Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà con người Quảng Nam được mệnh danh là con người “hay cãi”. Điều này vừa biểu hiện khí tiết, bản lĩnh của con người xứ Quảng, đồng thời còn chứng tỏ sự hiểu biết, của cái tư duy thiên về mặt lý luận của họ. Bởi vì, nếu không có hiểu biết, không có cơ sở, không có lý, không có bản lĩnh thì cũng không thể nào cãi được” (Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 208). Đây cũng là biểu hiện của tinh thần cương quyết đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong đời sống và xã hội.

“Thấy ăn chạy đến nhận phần,

Còn thấy việc mần thì bỏ chạy xa”.

Mọi hành động, biểu hiện dù là nhỏ nhất của những thói xấu trong mọi mặt đời sống, thói quen và nhân cách của con người đều bị người Quảng kịch liệt lên án một cách thẳng thắn và từng bước loại trừ nó. “Đối với người dân xứ Quảng, sống đẹp chính là phải biết làm điều lành, tránh điều ác; biết chống lại cái xấu, chống lại sự bất công” (Nguyễn Văn Bổn, Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 54).

“Khoai lang củ sượng, củ trân,

Siêng ăn nhác mần lại lựa củ to.
Một em nói rằng thương,
Hai em nói rằng nhớ
Trách ông trời làm lỡ duyên anh
Anh ngồi gốc cây chanh
Anh đứng cội gốc cây dừa
Nước mắt anh nhỏ như mưa
Ướt cái quần cái áo
Cái quần anh vắt chưa ráo
Cái áo anh vắt chưa khô
Thầy mẹ gả bán khi mô
Tiếc công anh lặn suốt giang hồ
Trời cao anh kêu không thấu
Đất rộng anh kêu nỏ thông
Những người bòn của bòn công
Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về”.

Cái xấu, không chỉ bị người Quảng nhất quyết loại bỏ trong đời sống hằng ngày mà cả trong quan hệ tình cảm, nhất là trong tình yêu. Dù tình nghĩa sâu nặng, dù anh đã phải tốn biết bao tâm sức để vun đắp cho tình yêu. Mặc dù “Tiếc công anh lặn suốt giang hồ” để tìm được em, nhưng khi phát hiện em không phải là một cô gái ngoan hiền, thật thà, thủy chung, trong sáng như bao cô gái xứ Quảng khác mà sự thực chỉ là một trong số “Những người bòn của bòn công” thì anh quyết dứt ruột “Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về”. Trên cơ sở đó, người Quảng đưa ra quan niệm sống:

“Đừng khôn ngoan, chớ vụng về,

Đừng để ai lận, chớ hề lận ai”.

Đây là lối sống hài hòa trong mọi mối quan hệ gia đình, dòng họ và xã hội. Người Quảng không chấp nhận những con người có cách sống “khôn ngoan” – quỷ quyệt, chỉ biết đến cái lợi của cá nhân mình mà quên đi, thậm chí chà đạp lên quyền lợi của người khác. Ngược lại, cũng không nên quá khờ khạo, vụng về để cho người khác có cơ hội lợi dụng hay làm điều xấu. Sống trên đời phải sáng suốt, phải biết phân biệt phải – trái, đúng – sai, tốt – xấu để không ai có thể lừa gạt được mình. Phải cố gắng sống cho thật tốt, thật nhân từ, giữ tròn đạo của người lương thiện “chớ hề lận ai”. Rõ ràng, đức tính cương trực, thẳng thắn là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến cách sống, lối ứng xử giữa người với người trong mọi mối quan hệ của người dân xứ Quảng. Họ làm được tất cả những điều kể trên là nhờ bản chất hiếu học.

“Không tham bị lúa anh đầy

Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian”.

“Không phải đến bây giờ chúng ta mới khẳng định truyền thống hiếu học, học giỏi và thành đạt của người Quảng Nam, mà cách đây một thế kỷ, sử triều Nguyễn đã nhận xét Quảng Nam là một vùng đất “núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học”. Ngày nay cũng vậy, học trò Quảng Nam đi học xa ở Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… thường được các thầy cô cùng các bậc trí giả khác khen ngợi, khích lệ” (TS. Ngô Văn Minh, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 242). Quý chữ nghĩa, trân trọng người thầy, quý yêu người có học là đặc điểm nổi bật trong tính cách của những con người nơi đây. Cùng với nhân cách, đạo đức, người Quảng coi tri thức là những tài sản quý giá nhất của con người. Đối với họ, học không chỉ trong nhà trường mà phải học mọi lúc, mọi nơi ngoài xã hội, trong cuộc sống, từ những người sống quanh mình… “Chính vì hiếu học, học giỏi nên Quảng Nam có nhiều trí thức. Căn cứ vào Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều Đăng khoa lục ghi lại các khoa thi dưới triều Nguyễn, chúng tôi làm một bảng thống kê với các con số như sau: Trong số 32 khoa thi Hương ở trường Thừa Thiên từ năm 1817 đến 1918 có tất cả 911 người đăng khoa, thì trong đó Quảng Nam có tất cả 252 người đỗ liên tiếp cả 32 khoa, chiếm tỷ lệ 27,7% tổng số người thi đỗ trường này, bằng 5,9% số người thi đỗ trong cả nước”… “Về đại khoa, Quảng Nam có 14 vị tiến sĩ và 25 vị phó bảng trong tổng số 558 vị cả nước” (TS. Ngô Văn Minh, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 244).

Với những đặc điểm tính cách nổi bật cộng với trí tuệ và lòng quyết tâm, ngày nay xứ Quảng không còn nghèo nàn, thiếu thốn như xưa mà đã trở nên phồn vinh, tươi đẹp. Đà Nẵng trở thành một trong ba thành phố phát triển và hiện đại nhất Việt Nam. Hội An không chỉ được người dân trong nước mà khắp thế giới biết đến như là một thành phố của nền văn hóa Việt đặc sắc với những di sản vật thể và phi vật thể độc đáo… “Phố cổ Hội An như một biểu trưng văn hóa truyền thống và hội nhập, đồng thời cũng là điển hình cho một phong cách văn hóa thương mại và công nghệ, một hướng suy nghĩ, một cách làm ăn có thể gợi ra nhiều bài học để phát triển kinh tế thương mại trong “thời mở cửa” hôm nay” (TS. Phan Ngọc Thu, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 76). Nhận xét về sự phát triển của xứ Quảng, Lê Phước Trịnh viết: “Trên vùng cát trắng mênh mang, những khu nhà mọc lên. Từ xa trông như những ngôi biệt thự tươi tắn giữa vùng cát đầy gió lộng. Đó là những xí nghiệp tuyển rửa cát và một công nghệ mới là công nghệ tuyển rửa cát xuất khẩu” (Những lối đi trên cát, Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, Số 11 (Tháng 10/1998).

Trên đây, là những kết quả thu được từ việc tìm hiểu tính cách của người Quảng bằng nguồn tư liệu ca dao của cá nhân tôi. Việc nghiên cứu một cách có hệ thống và quy mô về vấn đề này là một vấn đề rất cần thiết và thú vị đối với các nhà khoa học và những người yêu mến văn hóa, con người xứ Quảng. Nó là cơ sở, là nền tảng, có vai trò định hướng cho quá trình xây dựng và phát triển mọi mặt: kinh tế, chính trị, giáo dục… mà nhất là văn hóa, xã hội và du lịch xứ Quảng.

Nguyễn Thanh Tuấn

Theo vannghedanang

Cùng chuyên mục