“Rố chờ” Phố Hội là gì mà du khách phải một lần “mục sở thị”?
Những chiếc vó bè đánh bắt thủy hải sản, được người dân TP. Hội An (Quảng Nam) gọi là “rố chờ” và chúng, với các màu sắc đã khiến mảnh đất của Phố Hội thêm rực rỡ đáng yêu hơn.
Dọc sông Thu Bồn chảy qua Phố Hội ra Cửa Đại hay trên sông Cổ Cò, người ta thường thấy những chiếc vó lớn được cố định trên sông để đánh bắt các loại thủy hải sản. Dụng cụ này, người miền Bắc và Trung gọi là vó bè, nhưng ở Quảng Nam gọi là “rớ chồ”. Người ở đây quen nói lái, nên lại có thêm tên gọi “rố chờ” dành cho nghề đánh bắt cá bằng cách kéo lưới quay ở địa phương này.
Ở Hội An, “rớ chồ” không chỉ là công cụ phương tiện đánh bắt thủy hải sản mà còn để thu hút du khách, quảng bá du lịch.
Nghề “rớ chồ” đã xuất hiện ở Hội An từ rất lâu. Trước đây người ta dùng lưới gai, hiện nay là loại lưới nhợ do nó có độ mềm, bền chắc, chịu được nắng mưa, môi trường nước, lợ. “Rớ chồ” đặt cố định tại khu vực nước sâu trên sông, diện tích mặt nước rộng thoáng, chính vì vậy chúng ta thường thấy “rớ chồ” tập trung ở các con sông cái hay những nhánh sông rộng.
Nghề “rớ chồ” thường hoạt động vào mùa nắng ráo từ tháng Giêng đến tháng Bảy âm lịch, các tháng còn lại mưa gió không thích hợp với nghề rớ này. Vì là công cụ đánh bắt thủy sản được cố định một chỗ trong thời gian dài, nên việc chọn vị trí để cặm rớ hết sức được chú trọng. Cặm rớ phải chọn chỗ lòng sông sâu bằng cách dò con nước. Chọn 4 cây tre già thẳng, không quá to cặm 4 góc sao cho khoảng cách từ mặt nước tính lên cao khoảng 4m để treo rớ không chạm mặt nước, sau đó giăng dây giằng qua lại các hướng để khi treo rớ lên không bị đổ.
“Rớ chồ” làm theo hình chữ nhật, đặt sát mép sông hoặc trên sông sao cho phù hợp với vị trí cặm rớ. Chồ rớ được đóng bằng các cây tre, buộc bằng dây thừng chắc chắn, mái chồ được làm hình vòm bằng các nẹp tre, lợp tấm tranh dừa nước hoặc che bằng tấm bạt. Chồ rớ đặt tấm ván hoặc đan nẹp tre làm chỗ nghỉ ngơi và quay rớ. Phía trước chồ rớ đặt 1 trục quay tròn có tay quay…
Nghề rớ thường làm từ chiều tối đến rạng sáng hôm sau, có một số hộ làm ban ngày. Trung bình rớ được ngâm khoảng 1,5 tiếng néo lên 1 lần. Để nhử cá vào trong rớ, trước đây người làm nghề dùng đèn măng xông buộc vào dây căng ngang giữa rớ, nhưng hiện nay thay bằng bóng đèn điện để chiếu sáng.
Nghề “rớ chồ” thường đánh bắt các loại cá sông, tôm, cua, ghẹ… Cá thường là các loại cá nhỏ, thỉnh thoảng mới bắt được những loại cá lớn. Rớ được néo lên xong, người néo rớ đội nón nhôm, chèo thuyền ra giữa rớ dùng roi tre nhỏ quét vào lưới dồn các loại cá vào lỗ nhỏ nằm ở ngay dưới bụng rớ để trút cá. Khi quét lưới phải theo hướng gió, gió thổi hướng nào thì chèo thuyền theo hướng đó để quét lưới và trút cá được dễ dàng hơn.
Trong những năm gần đây, lượng cá trên sông không còn nhiều như trước nên nghề “rớ chồ” ở Hội An gặp nhiều khó khăn. Do thu nhập không cao nên một số hộ làm nghề rớ lâu năm đã chuyển sang hình thức đánh bắt khác hoặc chuyển nghề.
Tuy vậy, nhiều gia đình vẫn duy trì nghề này vì đã gắn bó với họ trong thời gian dài và đây cũng là một trong nghề mang tính đặc trưng của vùng sông nước Hội An. Khi ngành du lịch tại Hội An phát triển, nhiều hình thức du lịch được khai thác, đặc biệt du lịch gắn với vùng sông nước được chú trọng, các hãng lữ hành đã đưa một số dịch vụ như làm nông dân, làm thợ, làm ngư dân,… vào phục vụ, nên nghề “rớ chồ” cũng được sử dụng trong ngành dịch vụ này để phục vụ du khách cùng tham gia, một mặt tạo thêm thu nhập cho ngư dân, mặt khác quảng bá văn hóa Hội An đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Một số hình ảnh về “rố chờ” ở phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Bài & ảnh: Mai Thanh Hải