Từ sen mọc ở Trà Lý nghĩ về Trà Quế, Trà Linh và…

1. Mùa này, vào những trưa hè nắng nóng, nếu có một ao sen hay hồ nước để ngồi hóng mát thì còn gì bằng. Đầm sen Trà Lý ở Duy Xuyên, Quảng Nam là một trong những điểm đến như vậy, nó nằm giữa rừng, một làng sen giữa bạt ngàn rừng cây, ở trên núi. Và hiện tại chỉ có ở Trà Lý là thực sự giữa rừng, làng sen Trà Nhiêu chưa thực sự giữa rừng như vậy.

Nhưng câu chuyện không dừng ở hồ sen trên núi như Trà Lý, Trà Nhiêu, mà nó lại ám gợi đến những cái tên vùng đất có gắn với chữ Trà, một họ của người Chăm, hình như vùng đất nào có gắn với chữ Trà cũng đều rất đặc biệt, có một thứ gì đó vượt thoát, sáng tạo…

Sen Trà Nhiêu vào mùa.
Sen Trà Nhiêu vào mùa.

Chữ Trà, ngoài việc là một họ của người Chăm như nhà văn Trà Vigia, vừa qua đời, thì không biết với người Chăm, họ Trà và địa danh gắn với tên Trà có từ đời vua nào. Nhưng với người Quảng, với những địa danh như Trà Linh, Trà My, Trà Quế, Trà Bồng, Trà Nhiêu, Trà Cổ… đều là những cái tên lưu giữ từ thời Lâm Ấp và sức sống của những cái tên này cũng dị thường không kém. Những địa danh có tên gắn với Trà từng thay đổi nhiều lần, từng mang nhiều tên khác nhau qua nhiều thời kỳ, nhưng rồi cuối cùng, khi công nghiệp du lịch ghé đến, khi thời đại sáng tạo và năng động quay lại, những cái tên cổ, gắn với Trà liền quay về một cách tự nhiên, xán lạn.

Gần đây nhất là đầm sen Trà Lý, cách kinh đô Trà Kiệu (kinh thành Sư Tử – Simhapura) chưa đầy 5km đường chim bay. Tương truyền cái đầm sâu giữa núi này là nơi tập trận của tượng binh Chăm, rồi khi Chăm Pa suy tàn, nơi đây trở thành bãi gà vàng, nơi những con gà bằng vàng mỗi đêm trăng bay từ đỉnh núi Quắp (tức núi Chúa) xuống đây để tắm táp, ca hát. Đến canh ba lại bay về đỉnh núi. Câu chuyện này cho đến bây giờ vẫn còn lưu truyền ở vùng đất Trà Lý. (Đặc biệt, đây là câu chuyện “trà dư tửu hậu” của một số chuyên viên ngành khảo cổ ở Duy Xuyên và khảo cổ Quảng Nam). Người ta nói rằng những con gà, con khỉ, con bò và con voi bằng vàng của người Chăm (còn gọi là vàng Hời) đã kết tụ, thành tinh, ban đầu mò mẫm dưới trăng để tìm chủ, tiếng kêu của chúng thống thiết, dần dà, chúng hiểu rằng chúng không còn chủ nữa để mà gọi, chúng rủ nhau bay về núi Chúa và chơi đùa ở đó cho qua ngày tháng. Mỗi dịp trăng rằm, chúng lại bay về thung lũng Mỹ Sơn để tìm chủ rồi bay sang hồ Trà Lý để ăn uống, tắm táp.

Dòng sen đá, quý và hiếm, chất lượng hạt đứng đầu sen châu Á.
Dòng sen đá, quý và hiếm, chất lượng hạt đứng đầu sen châu Á.

Đó là huyền thoại, thần thoại hoặc tin đồn, hoặc những mẩu chuyện giải trí dân gian? Tất cả đều đúng và sai. Đúng với những ai tin, đúng với những ai từng bắt được con rùa hoặc con gà vàng dắt con đi ăn, sau đó gia đình trở nên giàu có, nhưng bản thân người đó thì lơ mơ, có lúc điên loạn, mà điên loạn vào những ngày trăng tròn. Chuyện đó những năm 1980 xảy ra khá nhiều ở Duy Xuyên, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng câu chuyện ở đây không thể lan man trong cái gọi là gà vàng hoặc rùa vàng, mà nó nằm ở yếu tố sáng tạo, có thể đó là câu chuyện sáng tạo của những người dân trong vùng, đặc biệt là vùng có rùa vàng, bò vàng, gà vàng. Bởi những năm 1980, Trà Lý là một cô thôn hiu quạnh giữa vùng núi heo hút xứ Quảng, người trong thôn muốn ra ngoài phải tốn đến cả ngày đường đi bộ, người ngoài thôn chẳng ai muốn vào đây. Bởi vào đây để làm gì khi mà trong thôn chỉ có khoai, sắn, lúa và củi?!

Giao lưu buôn bán thì họa hoằn có ông cà rem chở thùng tới đây để đổi khoai, đổi lúa gạo mang về. Nhưng chở một thùng cà rem từ thị trấn lên tới Trà Lý, qua những con đường toàn ổ gà và rừng vắng, có khi tới nơi thì kem đã thành nước… Vì vậy mà mọi giao lưu gần như không có. Không chừng, một ai đó muốn vùng đất của mình có nhiều người lui tới, việc giao lưu buôn bán tốt hơn, người ta sáng tạo ra câu chuyện gà vàng, rùa vàng, bò vàng… Và có lẽ cũng từ lúc gà vàng bay từ núi Chúa xuống đầm Trà Lý kiếm ăn vào đêm rằm, Trà Lý trở nên đông đúc khách vãng lai, dân buôn ve chai, nhôm nhựa, dân đào vàng tự dưng kéo đến để… mua khoai, sắn, lúa!

Và đây cũng là lúc khá thú vị, khi người ta rủ nhau đến làng mua lúa thì làng bỏ lúa cái rụp, chuyển sang trồng sen, hầu hết những đám ruộng giữa rừng, dưới thung lũng đều được cấy sen. Bởi đất núi, ruộng cằn cỗi, không cho lúa năng suất, nhưng khi giữ nước tạo bùn, hàm lượng vôi trong đất lại giúp cho cây sen phát triển khác thường, hạt chắc, vị thơm ngon. Cũng do vậy mà giá một ký sen ở Trà Lý luôn cao hơn bất kỳ giá một ký sen ở đâu. Mặc dù vậy, thị trường vẫn khát hàng và sen Trà Lý vừa bẻ khỏi hồ đã có người đến cân.

Nói như vậy để thấy cái lạ của một vùng đất luôn sáng tạo nhưng không thể tìm ra manh mối ai đã sáng tạo nên huyền thoại gà vàng, hoặc ai là người đầu tiên thả sen thay lúa. Điều này như một bí mật của Trà Lý, khách hỏi bất kỳ người nào trong làng rằng: “Ai là người đầu tiên trồng sen?”. Đều nhận được câu trả lời: “Là tôi”. Nhưng khi hỏi thêm: “Vậy ai mới vừa trồng gần đây nhất theo trào lưu bỏ lúa trồng sen?”. Câu trả lời cũng lại là: “Là tôi”. Mà gặp bất kì ai cũng đều y một câu trả lời như vậy, nên… “bó phép”!

Đập Trà Nhiêu.
Đập Trà Nhiêu.

2. Cũng gắn với chữ Trà, trước đây có làng rau sạch Trà Quế, một vùng đất liền kề Hội An, vùng đất thiêng và thịnh vượng của Lâm Ấp một thuở. Ở đây, cũng không biết khởi xướng từ ai, tự bao giờ, thay vì trồng rau chạy đua với nông sản dùng thuốc kích thích, bán chạy, bán nhanh và đắt giá cách đây chừng 20 năm, người nông dân lại nghĩ ra cách để trồng rau sạch. Bằng phương pháp thủ công, sáng tạo ra thuốc diệt sâu bằng lá cây và chấp nhận bán với giá rẻ bèo, vì rau không đẹp như rau bơm chất hóa học.

Xin nói thêm là cách đây 20 năm, rau nhà nông mà không biết bơm thuốc hóa học thì mang ra chợ không ai thèm mua, đến khi các loại bệnh hoành hành thì người tiêu dùng mới hoảng hốt nhận ra những bó rau xanh mướt, không sâu bọ kia chứa mối nguy cho sức khỏe, họ mới tìm tới những bó rau có sâu bọ mà mua, gọi là rau sạch, vì không bơm thuốc nên sâu không chết (?!). Làng rau sạch Trà Quế cũng “lên đời” từ đó. Thêm nữa, ngành du lịch mở rộng ra vườn rau, vậy là người nông dân tha hồ biểu diễn, huấn thị, thị phạm… cho khách mà “kiếm tiền mua lon gạo”, nói theo cách của các lão nông Trà Quế.

Cũng trong cương vực Lâm Ấp một thuở, Trà Linh, nơi nhìn ra Hòn Kẽm – Đá Dừng, cái nơi khỉ ho cò gáy nhất của xứ Quảng. Từ phố thị Tam Kỳ, đi cả ngày đường băng rừng vượt núi bằng xe máy mới tới được. Mà đến nơi thì có cảm giác mình đang lọt thỏm vào một thiên đường trên mặt đất. Chữ thiên đường ở đây nằm chỗ cảm giác bình yên, thịnh vượng, mặc dù nhà cửa, đường sá vẫn không có gì là hiện đại, chỉ một con đường nhựa cũ đi qua, đa phần đường nối với đường nhựa là đường đất hoặc bê tông. Những ngôi nhà tranh hoặc nhà xây lợp ngói nằm lưa thưa từng cụm cho cảm giác như những chùm hoa nở trên triền đồi. Nhưng lạ ở chỗ, nơi này vô cùng hấp dẫn đối với nhà buôn, nhất là dân buôn phế liệu. Khi tìm hiểu mới biết nguồn phế liệu của hầu hết các gia đình Trà Linh khá thú vị, một phần thì vào núi đào, tìm những mảnh vỡ của máy bay, xe tăng, súng ống hoen gỉ… Nhưng phần lớn là đi tới các huyện gần để mua, thu gom về. Và dân buôn ghiền mua phế liệu ở Trà Linh vì có lời đồn rằng trước đây có ba người từng rất nghèo khổ ở Hội An lên Trà Linh mua phế liệu, họ đã gặp được một thùng đạn chứa vàng và đổi đời. Một trong ba người đó hiện nay đang sở hữu một nhà hàng nổi cũng rất nổi tiếng trên một nhánh Thu Bồn, đổ về Hội An.

Chiều và trăng Trà Linh.
Chiều và trăng Trà Linh.

Thiệt hư chuyện thùng đạn thế nào không phải là vấn đề cần bàn, mà cái chính là sức sáng tạo của một vùng đất nghèo, để tránh tình trạng rơi vào quên lãng, để khỏi bị cô lập do đường sá cách trở, khó khăn. Người ta đã sáng tạo ra những câu chuyện nghe như huyền thoại để tạo hấp dẫn đối với người vùng khác. Người ta còn nghĩ đến nguồn cung cấp, nguồn sản phẩm mới, cũng là nguồn sống mới cho gia đình, xóm làng, chứ bám theo nghề nông kiểu cũ thì ngặt nghèo lắm. Có thể nói rằng về việc sáng tạo để thu hút người khác đến với mình, Trà Linh cũng chẳng kém Trà Lý, Trà Nhiêu hoặc Trà Quế.

Và gần đây, phong trào đi tìm củ sâm Ngọc Linh ngàn năm tuổi cũng không ai khác là người dân Trà Linh. Họ rủ nhau đi đào sâm, tạo ra một trào lưu “chơi sâm ngàn tuổi” mà không rõ chất lượng nó ra sao, hiệu dụng như thế nào, nhưng rõ ràng, nói đến sâm Ngọc Linh thì người ta phải nhắc ngay đến những chuyên gia tìm sâm ở Trà Linh. Và từ đây, vùng đất này cứ như một thủ phủ, vùng đất thánh của củ sâm, chứ không phải là Ngọc Linh vậy.

Ngoài Trà Linh, còn có Trà Cổ, Trà Đốc ở huyện Trà My, Quảng Nam… Nếu chỉ xét riêng ở Quảng Nam, có hàng chục cái tên vùng đất gắn chữ Trà phía trước, gọi là vùng đất họ Trà, còn nếu nói rộng ra một chút thì từ Nam sông Gianh (bắt đầu biên giới phía Bắc của Chăm Pa) vào đến tận miền Nam, những địa danh họ Trà nhiều vô số kể. Và địa danh nào gắn với chữ Trà cũng có nhiều chuyện đặc biệt để nói, đặc biệt nhất là tính sáng tạo của con người nơi đây, họ phải làm một thứ gì đó khác người.

Nói đến đây, tự dưng nhớ đến nhà văn Trà Vigia, một người bạn Facebook, tôi chưa một lần gặp gỡ trò chuyện, nhưng trong thâm tâm lại quý mến ông một cách khác thường. Bởi con người ông khác thường, đời sống ông khác thường, phong cách và nghiên cứu của ông cũng khác thường so với các nhà văn Chăm khác.

Sự khác thường này có lẽ có mối tương cảm nào đó với Trà Kiệu, một kinh đô rực rỡ của thị tộc Cau, vương quốc Chăm Pa một thuở. Trà Kiệu hoặc Mỹ Sơn chết một cách lặng lẽ, để rồi vài trăm năm sau nó tái sinh một cách dị thường trong dân gian, với sức sống mạnh mẽ như ngày nay.

Uyển Ca

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục