Mùa bồ quân thơ ấu

Cậu ngồi bệt bên hiên nhà, tay cầm cây rựa róc vào thân cây bồ quân tầm hơn 1 tuổi, nơi mấy chùm gai nhọn mọc ra tua tủa. Cậu nói, róc bớt gai dưới gốc đi kẻo đứa mô về thăm, vô ý va phải gai cào xước tay, chân… Bao giờ cũng vậy, cậu luôn chăm chút, bảo vệ cho cháu con cho dù bây giờ lũ chúng tôi có đứa tóc đã ngả sang màu bạc.   

Bước qua tuổi tám mươi, ngoại trừ mái tóc bạc phơ và thân hình gầy gầy, đôi mắt cậu vẫn tinh anh và dáng đi nhanh nhẹn như cái thời hai mươi tuổi năm đó cậu từng vác trên vai ngót nửa tạ lương thực, đạn dược tiếp tế cho những người lính đang chiến đấu giành độc lập phía bên kia bờ Bến Hải. Cậu nói, ấu thơ của cậu từng gắn bó với những mùa quả trên cây bồ quân ngoại trồng.

Tầm tháng 9 cho đến cuối năm, khi cây bồ quân lúc lỉu quả chuyển từ màu xanh sang mà đỏ tím đậm, thì cậu bắt đầu vác rựa ra bờ rào chặt những khúc tre, chẻ thành những chiếc que hình tròn và có đầu nhọn trông như những chiếc que đan len, chọn những quả bồ quân to chín mọng, xâu thành từng chùm tầm 15 đến 20 trái rồi mang ra chợ bán để đổi lấy gạo, thực phẩm. Mỗi chiều hái bồ quân, cậu được ngoại thưởng cho đầy một chiếc mũ thỏa thích ăn và đãi bạn bè. Ngày hòa bình, ngoại khuất núi, ngôi nhà của cậu bên kia bờ bắc sông Bến Hải trở thành chốn tìm về của cháu con. Cậu lại trồng một cây bồ quân đầu hè để cho đàn con và những đứa cháu như chúng tôi hưởng những ấu thơ ngọt lành.

Ảnh: P.V.Y
Ảnh: P.V.Y

Tôi không được sống gần cậu. Ba mẹ tôi gặp nhau trong những tháng năm lửa đạn khốc liệt nhất của cuộc chiến diễn ra trên miền đất lửa. Đấy là một sự gặp gỡ như cuộc se duyên đôi bờ vỹ tuyến 17. Tôi được mẹ đưa về quê nội khi còn ẵm ngửa trên tay. Ngày đó, cứ đôi ba tháng, mẹ lại đưa tôi cuốc bộ ngót chặng đường hơn hai chục cây số, sang sông Bến Hải trên chiếc thuyền máy đơn sơ, chập chững những bước chân trần trên bến đò B huyền thoại để về với cậu. Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với gốc cây bồ quân nhà cậu bằng những lần trở về ấy.

Mỗi lần trở về với cậu vào mùa bồ quân chín, chưa kịp ráo mồ hôi, chúng tôi đã được cậu dẫn ra đầu hè. Sợ gai bồ quân cào xước da thịt nên bao giờ cũng vậy, cậu bảo chúng tôi đợi dưới gốc cây rồi dùng cây sào tre thật dài để chọc trái bồ quân chín, chia cho từng đứa. Lũ trẻ háu ăn đôi khi không nghĩ đến việc phải đưa bồ quân ra giếng rửa mà cứ thế lau vào vạt áo rồi xoa tròn trong lòng bàn tay cho tới khi trái bồ quân mềm nhũn thì cho luôn vào miệng một cách ngon lành. Cậu nói, trái bồ quân dù có chín mọng đến đâu nếu không vo cho trái mềm ra thì ăn vào sẽ chát chứ không thể thưởng thức được vị ngọt thanh.

Sau hồi thưởng thức bồ quân tới chừng vừa đủ, cậu bắt đầu bày cho chúng tôi cách xâu chuỗi bồ quân vào những que tre như cái cách người ta mang đi bán ngoài chợ. Đôi tay cậu thoăn thoắt chọn trái đều nhau để làm nên những chuỗi hạt màu tím cực đẹp. Những buổi ấy, cậu kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của cậu, chỉ bảo chúng tôi những trò chơi tuổi trẻ, dạy chúng tôi các kỹ năng sinh tồn… Câu chuyện của cậu luôn cuốn chúng tôi vào niềm vui tưởng chừng bất tận, nếu thi thoảng vào những buổi xế trưa không có tiếng gọi của mợ vọng ra từ gian bếp: “Trưa lắm rồi, cậu cháu có định vào ăn cơm không?”. Lúc đó cậu sẽ cười, gác cây rựa vào góc nhà, khoát tay bảo chúng tôi vào ăn cơm, không quên kèm theo cái nháy mắt ngụ ý rằng câu chuyện sẽ lại tiếp tục vào ban chiều.

Cũng dưới bóng cây bồ quân ấy, lũ trẻ chúng tôi thường lăn lóc chơi ô ăn quan, chơi bắn bi, đồ hàng, đôi khi một đứa nào đấy hứng lên còn vắt vẻo ôm thân cây nghêu ngao hát, hay lúc nào đó gió liu riu thổi vào mát rượi, một trong số chúng tôi lại ngồi tựa gốc cây đánh một giấc ngon lành… Một đoạn thân cây và cả khoảnh đất xung quanh mòn vẹm in dấu vết những niềm vui…

Tôi lớn lên, rời quê ra phố, thi thoảng cứ nôn nao nhớ mùa bồ quân nhà cậu. Mỗi lần có dịp về các miền quê, tôi lại ngó nghiêng đâu đó đầu hè những ngôi nhà để tìm dấu vết bồ quân, nhưng chưa một lần bắt gặp. Đôi khi tôi tự cười thầm sự níu náu ký ức tuổi thơ một cách khá bảo thủ của mình trong khi đời sống ngày một đổi thay. Nhưng thẳm sâu trong tiềm thức, dội về một nỗi nhớ không dứt. Trong nỗi nhớ ấy có vị bồ quân ngọt ngọt, có mùi đất đỏ nồng ẩm, có tiếng cười khoan dung của cậu.

Hôm cậu nhắn, cây bồ quân cậu mới trồng chừ cao quá đầu người rồi. Tôi mơ hồ nhận ra niềm trở trăn của cậu sau hơn chục năm cây bồ quân cũ già cỗi không còn trụ lại được với thời gian. Khoảng sân đầu hè nay mai lại tỏa mát bởi bóng cây bồ quân cậu mới vừa chăm chút vun trồng. Nỗi nhớ tưởng chừng chỉ khoanh trong một vùng kỷ niệm lại có thể nhìn thấy được, chạm tới được. Và với chúng tôi – lũ trẻ chưa bao giờ lớn trong ý nghĩ của cậu sẽ lại trở về, an yên trú dưới hiên nhà – nơi có gốc bồ quân và có cậu rợp bóng mát lành!

Phan Vĩnh Yên

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5433/201912/mua-bo-quan-tho-au-3266285/

Cùng chuyên mục