Một tình bạn vong niên
Mặc dù kém Phan Thanh Giản đến 25 tuổi, song tình cảm của Phạm Phú Thứ – vị danh nhân quê Điện Bàn dành cho cụ Phan rất thắm thiết.
Những ghi chép, bài trường thi, lời bạt của cụ Phạm còn để lại là chứng cứ quan trọng, cho phép khẳng định nhân cách và tài năng của cụ Phan.
1. Phan Thanh Giản tự là Đạm Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, sinh ngày 12 tháng 10, năm Bính Thìn (1796) tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, việc học tập của Phan Thanh Giản gặp nhiều khó khăn, nhưng vốn thông minh, hiếu học nên đến năm 30 tuổi, ông thi Hương, đậu cử nhân tại trường thi Gia Định (1825). Sang năm sau (1826), thi Hội ở kinh đô Huế, Phan Thanh Giản đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Quốc triều đăng khoa lục nhận xét: “Ông là người đỗ đại khoa trước nhất của Nam kỳ. Lực học tinh thuần, tính hạnh chính trực”. Phan Thanh Giản làm quan trải ba triều: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Cuối thế kỷ 19, trước sức tấn công như vũ bão của liên quân Pháp và Tây Ban Nha, các tỉnh Nam kỳ lần lượt bị thất thủ. Triều đình buộc phải ký với Pháp và Tây Ban Nha bản Hòa ước Giáp Tuất (ngày 5.6.1862) bất bình đẳng. Nhận ra sự thua thiệt của mình và trước sự bất bình của sĩ dân Nam kỳ, triều đình lên kế hoạch khẩn trương tổ chức đoàn đi Tây để chuộc đất, với sứ đoàn gồm: Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản. Phó sứ Phạm Phú Thứ được Chánh sứ Phan Thanh Giản giao công việc ghi chép hoạt động hằng ngày của sứ đoàn suốt 9 tháng đi Tây và khi kết thúc sứ mệnh, ông đã hoàn thành Tây hành nhật ký để dâng lên vua vào ngày 24 tháng 2 năm Tự Đức thứ 17 (31.3.1864).
Tác giả cuốn Tây hành nhật ký cho hay: Mặc dù mang sứ mệnh hết sức quan trọng và khó khăn mà nhà vua và triều đình tin tưởng giao cho, song Chánh sứ Phan Thanh Giản vẫn rất chú ý đến việc giữ gìn quốc thể mỗi khi giao tiếp với quan chức các nước liên quan trong suốt chuyến Tây hành. Đơn cử, ngày 8.11.1863, viên quan Aubaret mang đến sứ đoàn một thùng đồ vật và nói: “Đây là sản phẩm bằng sứ, chế tạo ở xưởng làm đồ sứ của Pháp; Quốc trưởng chúng tôi ủy tôi mang đến để kính tặng Đại sứ Phan Thanh Giản làm kỷ niệm”. Sở dĩ có sự việc này là do trước đó sứ đoàn được đi thăm một xưởng làm đồ sứ thì nhận thấy trong những bộ đồ sứ mà xưởng này mua ở nước ngoài về để trưng bày có cả vài bình vôi của nước ta trông rất thô kệch và xấu xí.
Về đến công quán, Chánh sứ Phan Thanh Giản cho rằng bộ ấm chén Bát Tràng mà mình mang theo có vẻ đẹp hơn những chiếc bình vôi kia. Bộ ấm chén này gồm 4 cái chén, 2 cái đĩa, toàn bằng đất trắng có hàng chữ đề màu lam vịnh mầm trúc non: “Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết”, nghĩa là: “Chưa ra khỏi đất đã có đốt (lóng) rồi!”. Sứ đoàn nhờ Aubaret mang tặng cho viên quan đốc xưởng để làm kỷ niệm và cũng ngầm để cho ông ta biết là các đồ gốm, sứ của Đại Nam không phải đều xấu xí, thô kệch như những chiếc bình vôi đang trưng bày. Chuyện đến tai Quốc trưởng Pháp và vị nguyên thủ quốc gia này lập tức lệnh cấp dưới mang ngay thùng đồ vật đến sứ đoàn để đáp lễ. Là người có tầm nhìn và học thức sâu rộng, cụ Phạm đã ghi lại câu chuyện này rất kỹ lưỡng. Hành động của Chánh sứ Phan Thanh Giản hơn 150 năm trước, qua lời thuật của Phạm Phú Thứ, là mẫu mực về ý thức giữ gìn quốc thể và bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), được tin cụ Phan tuẫn tiết vì tự cho mình bất tài để mất đất 6 tỉnh Nam kỳ, cụ Phạm vô cùng tiếc thương, đã làm một bài trường thi điếu tang với nhan đề “Ký vãn nguyên Nam kỳ Kinh lược Đại thần Phan Lương Khê công” (Gửi viếng tang ngài Phan Lương Khê, nguyên Đại thần Kinh lược sứ Nam kỳ) dài hơn 700 chữ. Bài trường thi ca ngợi cụ Phan là vị quan: “Bình sinh đức nghiệp vang triều dã/ Phát ra văn chương tuyệt cổ nhã/ Ba triều, bốn kỷ bảy chục xuân/ Cẩn thận một lòng kể túc dạ/ Huống chi lịch duyệt đã từng qua/ Kính tín di hành khắp thiên hạ/ Thực người đọc sách trên thế gian”. Sau khi cụ Phan mất thì triều đình đổ hết tội lỗi cho cụ về việc để mất Nam kỳ lục tỉnh, kết tội ông “xét phải tội chết, chưa đủ che được tội” và nghị án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu”. Thế nhưng, là người hiểu rõ thế thời, hiểu rõ tài năng, đức độ của Đại thần Phan Thanh Giản, lúc bấy giờ cụ Phạm Phú Thứ lại có cái nhìn khác. Cụ còn lên tiếng chất vấn người đời: “Lâm sự có đâu nhầm lẫn hả?/ Luận bàn được mất mặc cho người/ Đừng thêm thắt chuyện sinh ngờ vực/ Phong hội bằng nay đã đổi dời”.
Một năm sau (1868), cụ Phạm Phú Thứ có lời bạt cuốn “Phan Lương Khê thi tập”. Sách này do Thượng Sơn Tùng Thiện Vương (chú vua Tự Đức) tập hợp lại các bài thơ của Phan Thanh Giản lúc bình sinh. Theo cụ Phạm, ngài Thương Sơn vì “xót thương cho bậc thanh cao bèn thu nhặt tàn khuyết được bao nhiêu quyển thơ do ngài sáng tác đều cho khắc in”. Viết lời bạt về tập thơ của cụ Phan, cụ Phạm khiêm nhường nhận mình so với cụ Phan chỉ là: “Kẻ hậu học ở rặng núi Đông”. Lời bạt không quên khẳng định lại tài năng, đạo đức và nhân cách cao quý của cụ Phan: “Tiên sinh khởi đầu khoa giáp ở cõi Nam, làm quan ba triều, vào ra hơn bốn chục năm. Đức tính thận trọng, trong sạch, siêng năng, không một ngày nào nhàn hạ, bụng gồm thâu cả tứ khố mà chẳng tự cho mình là nhiều; dấu chân khắp thiên hạ mà chưa từng tự cho là rộng, phát ra thành văn cổ nhã không sánh được. Thứ tôi, chưa đủ để nói là biết tiên sinh, nhưng gần đây thường ghi lời nói của tiên sinh, có thể coi là biết một chuyện trong vạn chuyện, một vật trong vạn vật vậy. Bởi vậy, mới nói rằng, cái chuyển động của thiên hạ, bói ra từ một vậy. Khi cưỡi bè đi Pháp, lúc lên đường đã có lời nói hòa thân không phải là kế hay. Đề vào Tây phù tiểu thảo của Thứ cũng nói rằng, cái đạo lớn nhất là vô bờ, cốt yếu là ở ta, phải giữ cái sở tồn để ngắm nhìn, xem xét”.
Vân Trình
Theo Báo Quảng Nam